Tầu vũ trụ Sojus của Nga là taxi vũ trụ “nồi đồng cối đá”

Các doanh nghiệp du hành vũ trụ tư nhân như SpaceX thâm nhập mạnh mẽ vào lĩnh vực này với các loại tên lửa sử dụng nhiều lần. Trong khi đó nước Nga vẫn kiên trì sử dụng "con ngựa nồi đồng cối đá" đã được thử thách của mình.

Trong tương lai Nga vẫn tiếp tục sử dụng tầu vũ trụ đã được thử thách của mình.

Chiếc “taxi lên vũ trụ” dành cho nhà du hành vũ trụ người Đức Alexander Gerst khá chật chội. Trong tầu Sojus, các con số nhấp nha nhấp nháy trên vài cái màn hình và mấy biểu bảng viết chi chít. Mấy cái nút bấm thô kệch to như ngón tay cái nổi bật trên tấm bảng mầu xám. Tóm lại tầu vũ trụ Sojus dường như cổ lỗ không còn hợp với thời đại.

Ngày 6 tháng sáu tới nhà du hành vũ trụ Đức sẽ khởi hành từ sân bay vũ trụ Baikonur của Nga và bay lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy loại Sojus-FG. Alexander Gerst, nhà địa vật lý Đức này, 42 tuổi sẽ ngồi ở trên quả tên lửa dài gần 50 mét trong con tầu vũ trụ Sojus-MS-09. Ông tin tưởng vào công nghệ của con tầu này, những con tầu đầu tiên loại này ra đời trong những năm 1960 và từ đó không ngừng được tiếp tục phát triển. Cho đến tận ngày nay hệ thống tàu Sojus vẫn là xương sống của ngành vũ trụ Nga.

“Chúng ta hay mắc sai lầm khi so sánh con tàu của chúng ta với các phim khoa học viễn  tưởng“, Gerst nói về tầu vũ trụ. Ông luyện tập hai năm rưỡi để chuẩn bị cho chuyến bay lên trạm vũ trụ. Tầu vũ trụ không nhất thất thiết phải thoáng mát. Nó cũng không cần có đèn nhấp nháy ở bên ngoài, mà nó cần phải hoạt động được. Thực sự nó hoạt động tốt.“

Công nghệ “hoàn toàn không hề bị lạc hậu“, nhà du hành vũ trụ Gerst nhấn mạnh. “Đây là công nghệ hoàn hảo nhất mà chúng tôi có. Mỗi con tầu vũ trụ đều được làm mới.“ Mọi phiên bản đều được hiện đại hoá và cải tiến.

Vì thế quả là hiểu lầm khi nhìn thấy những nút bấm trong phi thuyền và nghĩ rằng một màn hình cảm ứng hiện đại chắc tốt hơn nhiều, Esa, nhà du hành vũ trụ của Cơ quan vũ trụ Châu Âu nói. “Vậy thì tôi đề nghị: nếu trong một dịp khác bạn đi xe trên một con đường rải đá cục, bạn hãy thử điều khiển iPhone của mình và tìm cách ấn đúng nút.“ Những nút bấm to trên tầu Sojus có đai kim loại rất thuận tiện vì ngón tay không bị trượt.

Tầu Sojus đầu tiên bay lên không gian từ năm 1967. Từ đó đến nay có nhiều loại tầu đưa con người lên không gian và lại đưa trở về. Do Hoa kỳ chấm dứt hoạt động chương trình Shuttle từ năm 2011 cho nên tầu Sojus hiện là phương tiện vận chuyển duy nhất phục vụ các chuyến bay có người điều khiển lên trạm ISS.

Ngay cả những quả tên lửa đẩy cho dự án này cũng là một câu chuyện dài. Kỹ sư Liên xô Sergej Koroljow (1907-1966), là người đầu tiên dựa trên cơ sở tên lửa V2 của Đức sử dụng trong chiến tranh thế giới II thiết kế tên lửa liên lục địa đầu tiên R-7 (chuyến bay đầu tiên vào 1957). Cho đến nay tên lửa này vẫn là nền tảng của các tên lửa đẩy thông dụng dùng cho phi thuyền Sojus, và nhà du hành vũ trụ Gerst tới đây cũng phải lệ thuộc vào nó.

Cũng như Gerst, các nhà chế tạo Sojus bảo đảm với hãng chế tạo tên lửa Energija về tầu vũ trụ của mình. Trông bề ngoài thì có những nét vẫn giống với những con tầu hồi xưa, phó kiến trúc sư trưởng Wladimir Solowjow nói với hãng thông tân Đức: “Nhưng về bản chất, cái chung duy nhất còn lại sau 50 năm là cái tên Sojus. Phần còn lại đều hoàn toàn mới.“ Điều này đúng với tên lửa cũng như với phi thuyền. “Tầu Sojus-MS là tầu vũ trụ được số hoá hoàn toàn.“  Độ chính xác của nó cao hơn nhiều so với các phiên bản trước.

Tuy nhiên không chỉ đầu óc tưởng tượng muôn mầu muôn vẻ của các nhà làm phim đang đặt vấn đề liệu Sojus có còn phù hợp với thời đại này không. Bởi vì mấy năm gần đây nhà doanh nghiệp người Mỹ Elon Musk với tập đoàn SpaceX của mình đang làm đảo lộn mạnh mẽ ngành này. Loại tên lửa có khả năng tái sử dụng từng phần đang là sự tuyên chiến đối với các nhà chế tạo tên lửa đã có danh tiếng.

Ở Nga, tập đoàn Vũ trụ quan trọng nhất Energija cũng đang chăm chú theo dõi các hoạt động của ông Musk, Solowjow nói. Nếu SpaceX vài năm nữa đưa được tầu vũ trụ có người điều khiển của mình ra thị trường thì đây sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. “Khi đó chúng tôi sẽ buộc phải chế tạo ít tầu vũ trụ Sojus hơn“, ông này nói. Lối thoát sẽ là: “Để tồn tại chúng tôi buộc phải sản xuất các thiết bị mới hơn và rẻ hơn.“

Con đường đến đó hết sức khó khăn. Để có thể đọ được với đối thủ cạnh tranh, Nga sẽ vẫn kiên trì dùng Sojus. Có nhiều kế hoạch về vấn đề này: thí dụ về một loại tên lửa mới hạng nặng, loại Sojus-5; đến năm 2022 có loại tầu Sojus cải tiến có thể vận chuyển hàng hoá trở về trái đất; và cũng có dự kiến có một chuyến bay xung quanh mặt trăng bằng tầu Sojus. Energija dự tính chi phí về công nghệ cho các dự án này tốn khoảng  500 triệu đôla Mỹ.

Tập đoàn nhà nước này cần tính toán các kế hoạch dùng công nghệ: Sojus phát triển một loại tên lửa có thể tái sử dụng, để không bị lạc hậu với xu hướng thời đại. Giới chuyên gia hoan nghênh các vấn đề này. Riêng việc giữ lại được bộ phận động cơ đã tiết kiệm được 20% chi phí, theo ước tính của Iwan Moissejew thuộc Viện chính sách vũ trụ. Nếu Nga cũng có giải pháp thay thế  tên lửa của SpaceX, thì Moscow chắc chắn sẽ chiếm được thị phần.

Theo Moissejew thì ngay cả khi có các biến động khác nhau làm tổn thương đến bộ mặt của ngành này, thì cũng có cái lợi của nó. Vì trong những năm qua đã xảy ra các vụ rơi và hư hỏng gây tổn thất lớn. Tuy nhiên các tên lửa có người điều khiển không bị sự cố nào.

Phi hành gia Gerst tin tưởng vào sự an toàn của tầu Sojus. “Vụ tai nạn cuối cùng xảy ra cách đây đã 40 năm“, Gerst phát biểu. Vụ tử nạn duy nhất xảy va khi kỷ nguyên tầu Sojus mới bắt đầu. Năm 1967 và 1971 đã có tổng cộng 4 nhà du hành vũ trụ bị tử nạn khi hạ cánh.

Gerst nói xét cho cùng tính mạng của mình nằm trong tay mình. “Tuy có đủ loại chế độ tự động, nhưng khi các thiết bị đó bị hỏng chúng tôi vẫn có cơ hội tốt nhất để sống sót. Đó chính là điều mà tôi thấy thật tuyệt vời.“

Hoài Nam dịch

Nguồn: https://www.handelsblatt.com/technik/forschung-innovation/raumschiff-sojus-russlands-unverwuestliches-weltraumtaxi/22603372.html

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)