Thành phố ma ở Nam cực

Cách đây một trăm năm, thành phố Grytviken băng giá từng là thành lũy của ngành công nghiệp đánh bắt và chế biến cá voi - giờ đây nơi này trở thành nơi trú ngụ của hải cẩu.

Ở nơi tận cùng của thế giới vẫn còn một rạp chiếu bóng, một nhà thờ và một bãi tha ma. Tuyết và băng đã ăn mòn và chôn vùi những ngôi nhà xinh xắn một thời. Những người từng sống ở nơi đây đã rời khỏi nơi này từ lâu hoặc đã chết ở đâu đó. Xưa kia nơi này từng có khoảng 500 tay săn và chế biến cá voi sinh sống cùng gia đình họ, giờ đây chỉ còn những con chim cánh cụt, hải cẩu và dăm ba khách du lịch lảng vảng chốn này.

Cách đây một trăm năm, thành phố Grytviken băng giá từng là thành lũy của ngành công nghiệp đánh bắt và chế biến cá voi lừng danh.

Trạm săn cá voi ở Grytviken trên hòn đảo Nam Georgia ở Đại Tây Dương thuộc Anh quốc đã hoạt động liên tục không ngừng nghỉ 58 năm liền, trải qua hai cuộc đại chiến và một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Nơi này từng đón tiếp các đoàn thám hiểm Nam cực và cũng là nơi giết mổ không biết bao nhiêu nghìn con cá voi để lấy thịt và dầu cá. Sau hơn nửa thế kỷ, đã có 53.761 con cá voi bị săn bắt và giết mổ, số lượng dầu cá thu được là 455.000 tấn, ngoài ra còn có 192.000 tấn thịt cá voi. Nhưng sau đó, Grytviken đã trở thành một thành phố ma không còn bóng người.

Đầu thế kỷ 20, nghề phóng lao bắt cá voi bùng nổ, ở Bắc cực hình thành hàng chục doanh nghiệp đua nhau săn cá voi. Khi nghề giết mổ và chế biến thịt cá voi mang lại lợi nhuận béo bở thì ở phía nam đảo Nam Georgia có tới sáu trạm săn bắt cá voi, trong đó Grytviken là trạm đầu tiên làm nghề này và cũng là trạm cuối cùng phải đóng cửa.

Các doanh nghiệp bắt chước trạm Grytviken cũng lần lượt bị phá sản vì sự tham lam vô độ của mình.

Săn bắt cá voi ở nơi chưa từng có ai săn bắt

Mọi sự bắt đầu một cách chậm chạp, từ tốn. Khi ông Carl Anton Larsen, thuyền trưởng đồng thời là nhà đánh cá ngoài khơi người Na Uy, năm 1904 có ý định đưa trạm đánh bắt cá voi ở vùng cực nam vào hoạt động, bản thân ông vào thời kỳ đầu còn chưa có nổi một con thuyền nhỏ. Mãi một năm sau, tầu trạm đầu tiên mang tên “Fortuna” mới xuất hiện tại Grytviken, chậm gần một năm so với thỏa thuận ban đầu vì một hãng chuyên sản xuất trục khuỷu cho động cơ của Đức đã không thực hiện hợp đồng đúng như cam kết.

Mặc dù bị trục trặc ban đầu nhưng thuyền trưởng Larsen vẫn kiên trì với kế hoạch của mình: Ngày 8.4.1904 ông cho ghi danh công ty “Compañía Argentina de Pesca” (C.A.P) vào bảng đăng ký doanh nghiệp của Buenos Aires. C.A.P. là công ty liên doanh giữa Na Uy và Argentina, Chủ công ty là một số nhà giầu ở Buenos Aires và một nhà đầu tư ở Hamburg (Đức). Mô hình kinh doanh của ông Larsen nghe chừng có sức thuyết phục cao đối với mấy vị chủ công ty: săn cá voi ở nơi mà từ trước tới nay chưa có ai làm – ở Nam cực.

Cho đến thời gian đó, săn bắt cá voi ở vùng Nam cực được đánh giá là không có triển vọng. Tháng 8.1895, Hội Địa lý Hoàng gia (Anh) khẳng định tại một hội nghị quốc tế ở London, sau nhiều cuộc thám hiểm Nam cực rất tốn kém về nghiên cứu đánh bắt cá voi, một trong các cuộc thám hiểm đó là do thuyền trưởng Larsen phụ trách – thì việc tìm kiếm loài động vật khổng lồ ở vùng biển đầy băng giá này là “vô ích” về mặt kinh tế: “Phần lớn loài cá voi ở vùng biển này chỉ có những lớp mỡ mỏng và râu ngắn, do đó việc săn bắt cá voi ở đây đối với thợ săn chỉ là phí công vô ích”, theo đánh giá của Hội Địa lý Hoàng gia.

Tuy nhiên Larsen lại tin tưởng việc đánh bắt cá voi ở đây rất có ý nghĩa, nhất là khi vào đầu thế kỷ, châu Âu đã đánh bắt gần như cạn kiệt nguồn cá ở biển Bắc. Từng là thuyển trưởng trong các đợt thám hiểm ở Nam cực, ông đã tận mắt chứng kiến những đàn cá voi đông đúc bơi trên biển. Và Grytviken, một thành phố băng giá, đầy tuyết phủ, đối với ông là một cảng biển tuyệt vời nhất mà người ta có thể có được. Vì vậy ông rất lạc quan khi viết trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp mới như sau: “Sau thời kỳ thử nghiệm ban đầu (mùa đánh bắt đầu tiên) thì cần phải tăng cường sản xuất hơn nữa, hoàn toàn không có lí do gì để phải lo lắng về số lượng đàn cá voi tại đây.”

Và quả thật, trong một thời gian dài, kế hoạch này được coi là ổn thỏa. Sau khi tầu “Fortuna” và một con tầu nữa bắt đầu thả neo hôm 16.11.1904 ở vùng biển ngoài khơi Grytviken thì tập thể nhân viên của trạm gồm 80 người cũng lập tức bắt tay vào việc. Vào dịp Noel năm 1904, họ thu hoạch thùng dầu cá đầu tiên ở Nam cực, năm tiếp theo đã sản xuất được 7.000 thùng.

Sự hưng thịnh của một ngành công nghiệp giết mổ

Những thủy thủ lực lưỡng bắn lao có móc vào cá voi giữa biển khơi rồi trục những con cá voi khổng lồ lên trạm, lớp mỡ mỏng ở dưới da được coi là của quý vì từ đây người ta điều chế Glycerin, thành phần chủ yếu để sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và kem bôi da. Glycerin còn được sử dụng làm chất đốt để thắp sáng hoặc để đốt lò sưởi ở các gia đình.

Cho dù ở quê nhà Na Uy, ông Larsen thực sự không mời gọi được những nhà đầu tư đáng tin cậy, nhưng có nhiều đồng hương của ông khi nghe nói về những thành công to lớn ở Grytviken – cũng đua nhau bắt chước săn cá voi ở Nam cực.

Từ đó các trạm cạnh tranh nhau không ngừng nâng cao công suất đánh bắt và chế biến, có lúc các hãng ở đây phải cho nhau mượn thùng vì việc cung cấp thùng đựng dầu không đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ở Nam cực. Riêng ở Grytviken, từ 1907 đến 1908, đã sản xuất trên 27.000 thùng dầu, trong khi năm trước đó mới đạt 12.000 thùng. Đối với các cổ đông thì thập niên đầu thế kỷ 20 là thời kỳ vàng son: nội trong một năm, cổ tức tăng từ 15 lên 32,5%.

Ngay cả khi châu Âu lâm vào cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất năm 1914 thì cuộc sống của những thợ săn cá voi ở Nam cực xa xôi vẫn tương đối ổn định. Than đá trở nên khan hiếm, mà đây là nhiên liệu không thể thiếu để đốt lò sản xuất dầu cá. Tuy nhiên giá nguyên, nhiên liệu tăng vì tình hình khan hiếm vật tư nói chung thì giá dầu cá cũng tăng theo: giới săn cá voi ở Grytviken nhận được 90 bảng Anh cho một tấn dầu cá – một mức giá cao chưa từng có. Mỡ cá voi cũng “tham chiến” – người ta dùng mỡ cá voi để trộn với Nitroglycerin làm chất nổ dùng để sản xuất bom và lựu đạn. Cuối cùng do tình hình khó khăn trong chiến tranh, châu Âu trở thành thị trường tiêu thụ thịt cá voi vì giá cả phải chăng và lại rất bổ dưỡng.

Việc giết mổ, chế biến thịt cá voi là một công việc nặng nhọc, vất vả và hoàn toàn thủ công: cá voi bị bắn hạ ngoài biển, người ta kéo cá voi bằng dây tời lên bờ sau khi chúng đã bị chết. Hai người đàn ông lực lưỡng dùng một loại dao cực sắc xẻ dọc con cá từ đuôi lên đầu. Mỡ cá sùi lên ở cả bên phải lẫn bên trái, công đoạn cuối cùng là lột da để thu hoạch lớp mỡ dày.

Do giá dầu cá tăng cao nên vào thời kỳ đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất có lúc ở Nam cực có tới 10 doanh nghiệp cùng hoạt động. Người ta tìm mọi cách để vơ vét nguồn tài nguyên và bỏ qua một loạt quy định như không xin giấy phép đánh bắt, không lập trạm săn bắt ở trên bờ, từ đó nẩy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Lòng tham vô độ

Những năm sau đó, tình hình căng thẳng hơn, cá voi thì ngày càng khan hiếm trong khi thành phẩm chất đống trong kho vì thiếu nguồn tiêu thụ. Trong mùa đánh bắt 1930 – 1931, số lượng cá voi bị săn bắn ở Nam cực lên tới 40.201 con, trong đó có 32.000 con do thợ săn chui tiêu diệt ngay trên biển. Để so sánh: khi cuộc săn bắn cá voi mở đầu ở Grytviken tại Nam cực trong năm 1904, chỉ có 183 cá voi bị giết mổ.

Những mùa săn sau đó, các doanh nghiệp tình nguyện thỏa thuận về số lượng giết mổ, tuy nhiên điều này đã quá muộn đối với một số loài cá voi ở Nam cực vì có những loài đã bị tuyệt chủng, thí dụ như loài cá voi lưng gù, chúng đã biến mất trong những năm 1930. Do sản xuất dư thừa nên giá dầu cá xuống đến mức kỷ lục. Một loạt trạm săn bắt cá ở Nam Georgia lần lượt đóng cửa. Trong thời kỳ chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ còn hai trạm hoạt động: đó là trạm Grytviken và Leith Harbour, cả hai trạm này đều có nhà lạnh khá lớn để chứa lượng dầu cá bị ế ẩm.

Sở dĩ trạm Grytviken còn trụ được vì nó có nguồn dự trữ từ thời kỳ hoàng kim do đó nhất thời vượt qua được khó khăn. Hơn nữa doanh nghiệp C.A.P. của ông Larsen từ nhiều năm qua đã mở rộng kinh doanh vào lĩnh vực đánh bắt hải cẩu. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đây là doanh nghiệp duy nhất còn hoạt động, vả lại phần lớn thợ săn cá voi đã phải tham gia lực lượng hải quân.

Cuối cùng thì doanh nghiệp C.A.P. cũng không thể trụ nổi, vả lại trang thiết bị bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1950, ở Grytviken chỉ có sáu tầu đánh cá còn hoạt động và tất cả đều đã trên 20 tuổi.

Năm 1962, người ta thực hiện kế hoạch hiện đại hóa ngành công nghiệp này tuy nhiên đã quá muộn: cũng trong năm đó, các nhà doanh nghiệp Nhật Bản đã mua C.A.P. nhưng đến năm 1965, họ cũng đành chịu bó tay và bán doanh nghiệp cho chủ khác.

Tuyền trưởng Larsen, cha đẻ ngành công nghiệp săn bắt cá voi ở Nam cực, không chứng kiến sự cáo chung của ngành này vì ông qua đời năm 1924 trên một con tầu đang hoạt động ở Nam cực để tìm kiếm ngư trường mới.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)