Tháo gỡ nghịch lý trong nông nghiệp

Cho rằng các khâu mắt xích trong nền sản xuất nông nghiệp đều "có vấn đề", từ chính sách, người nông dân, doanh nghiệp đến thị trường xuất khẩu, GS Võ Tòng Xuân bàn giải pháp tái cấu trúc lại.

Cầm cố gạo

Giáo sư Võ Tòng Xuân nói:

Tôi xin kể lại câu chuyện này. Cách đây khoảng 15 năm, có một công ty kinh doanh gạo của Mỹ hợp tác với một công ty kinh doanh lương thực cấp Trung ương làm gạo xuất khẩu. Họ đặt mấy điểm thu mua ở mấy vùng nhiều lúa, mua trực tiếp của nông dân. Nông dân mang lúa tươi đến, có giấy chứng nhận là lúa IR 64 họ mua giá cao hơn các doanh nghiệp nhà nước ta mua. Mua gạo xong họ đem về sấy. Họ xuất được giá 350 USD/tấn trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất được 180 USD/tấn.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài đang “giết” chết doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà. Ông chủ tịch tỉnh lúc bấy giờ hỏi ý kiến tôi, tôi nói: “Phải thưởng huân chương cho họ vì họ mua cho nông dân giá cao!”. Ông chủ tịch có vẻ băn khoăn vì nhiều doanh nghiệp đề nghị không cho mua trực tiếp, phải mua qua doanh nghiệp Việt Nam. Một lúc sau vị chủ tịch hỏi, có thể để doanh nghiệp mình bán giá cao được không. Tôi trả lời thẳng: “Còn lâu doanh nghiệp Việt Nam mới bán được giá như họ bởi họ có thương hiệu, tên tuổi, làm chặt chẽ chứ không như ta làm”.

Cho đến nay đã 15 năm rồi nhưng chưa có doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào của ta ý thức được tầm quan trọng của gạo xuất khẩu là phải rặt, tức chỉ một loại giống!

Giống nào cũng vậy, nếu được làm tốt, bảo quản tốt, xay ra hạt nguyên sẽ có giá cao!

Để đạt được chất lượng gạo như giáo sư vừa nói, ta cần phải thay đổi như thế nào?

Theo tôi, dứt khoát không thể sử dụng thương lái như bấy lâu nay làm trung gian mua lúa của nông dân cung ứng cho doanh nghiệp. Nguyên nhân là thương lái không thể bảo quản lúa đúng tiêu chuẩn từ đồng ruộng về tới kho của công ty.

Ở Thái Lan hoàn toàn không có tầng lớp thương lái như ở ta. Ở các tỉnh trồng lúa, Bộ Thương mại Thái có mạng lưới kho rất lớn, phân bổ đều. Các kho này được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật để đảm bảo giữ chất lượng lúa để vào. Nông dân trước khi vào vụ sản xuất, phải khai báo giống với nhà nước và được chấp nhận mới làm. Đến kỳ  thu hoạch, nông dân đem lúa nhập vào kho kèm theo chứng nhận giống. Quản lý kho đại diện cho nhà nước sẽ xuất cho ngân phiếu trị giá tương đương số lượng lúa gửi vào. Vậy là nông dân có tiền xài. Nếu sau này giá lúa lên, sẽ được hưởng thêm. Phần lớn giá sẽ lên vì thời điểm thu hoạch tập trung, cung lớn nên giá sẽ giảm.

Nhà nước sẽ bán lúa trong kho cho các công ty xuất khẩu gạo nếu họ mua giá cao thông qua đấu thầu.

Chính sách này gọi là “cầm cố gạo” (Mortgage) rất thuận lợi cho nông dân.

Nhiều công ty xuất khẩu gạo của Thái rất ‘khôn’, họ tổ chức vùng nguyên liệu và có kho. Nhưng nông dân vẫn khoái “gửi” vào kho của nhà nước hơn.

Chuyên môn hóa theo chuỗi giá trị


Ở ta, quan hệ doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân giống như 2 người đắp chung tấm chăn hẹp. Năm nào giá thị trường tốt, nông dân còn được “đắp” một chút; năm nào khó khăn, nông dân chẳng còn gì để “đắp”. Theo giáo sư, phải tổ chức lại như thế nào để không còn “kẻ đắp chăn”, kẻ kia phải “chịu lạnh lùng” mãi thế này, mặc dù Chính phủ đã có Quyết định “liên kết 4 nhà” 5 năm nay rồi?

Quyết định 80 của Chính phủ về liên kết 4 nhà chưa xử lý được căn cơ nên chưa được 2 bên nông dân và doanh nghiệp tôn trọng. Khi giá lúa cao, ông nông dân bán mất cho ai trả giá cao. Còn khi giá thấp, ông doanh nghiệp bỏ mặc nông dân, tìm chỗ mua rẻ hơn. Chẳng có gì là “liên” là “kết” cả.

Cần phải để doanh nghiệp và nông dân vào cùng chuỗi giá trị. Doanh nghiệp căn cứ vào thị trường và loại gạo, phải tổ chức cho nông dân suất xuất. Trong quá trình nông dân sản xuất, doanh nghiệp cung ứng phân, thuốc trừ sâu. Các nhà khoa học tham gia huấn luyện, đào tạo nông dân theo quy trình GAP. Quy trình GAP sẽ giúp cho nông dân dùng ít thuốc, phân bón nhưng cho năng suất cao hơn.

Sản phẩm thu hoạch, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa xà lan, ghe tàu vận chuyển về kho để sấy theo đúng phương pháp. Nhờ vậy, tỷ lệ gạo nguyên sẽ cao hơn nhiều. Thông thường tỷ lệ gạo nguyên cao hơn 1% thì tiền bán cao hơn 5%!

Lâu nay tỷ lệ lúa xay ra gạo chỉ 50%. Nhưng qua trình như trên tỷ lệ gạo xay ra đạt tới 66%, mức chênh lệch rất lớn.

Như vậy, mối liên kết này rất chặt chẽ, cả hai cùng có lợi, chứ không còn bên này ép bên kia. Nhờ tiết giảm được chi phí rất nhiều, tăng hiệu quả khâu chế biến nên hiệu quả cuối cùng cao hơn nhiều lắm.

Xin được ngắt lời giáo sư, mô hình “chuỗi liên kết” giáo sư vừa nói là mới nghiên cứu được, đang ở cấp độ lý thuyết hay đã…

Đã thực hiện ở nhiều nơi rồi chớ! Những con số tôi nêu ra ở trên là con số căn cứ vào kết quả mới áp dụng xong ở vài nơi rồi. Ở đây tôi chỉ nói vắn tắt thôi chứ đi sâu vào còn nhiều nội dung lắm. Nhưng, tôi xin khẳng định lại, phải để vào “chuỗi giá trị” như vậy thì thực sự mới có liên kết chặt chẽ và công bằng được.

Về vấn đề an ninh lương thực, theo giáo sư nước ta có cần phải giữ 3,8 triệu ha trồng lúa như hiện nay để rồi hàng năm phải vất vả bán 7 – 8 triệu tấn gạo mà nông dân chẳng được lợi gì như năm nay?

Về mặt an ninh lương thực thì hoàn toàn yên tâm, chẳng có vấn đề gì. Chỉ sợ mấy ông doanh nghiệp đầu cơ như hồi năm 2008 gây sốt gần cả tháng thôi. Hàng năm ta sản xuất ra dư thừa xuất khẩu cả 7 – 8 triệu tấn mà cứ “la làng” là “an ninh lương thực” là không thuyết phục đâu!

Vậy sao không rút bớt diện tích để trồng cây gì khác có hiểu quả hơn trồng lúa? Giáo sư có nghĩ đến kịch bản như vậy không?

Tôi cũng suy nghĩ và tính toán rồi. Theo tôi, ở miền Bắc sản xuất lúa gạo chi phí cao, chất lượng không bằng miền Nam, nên chăng rút bớt diện tích trồng lúa ở miền Bắc chuyển qua trồng khoai tây! Sản lượng gạo thiếu thì điều chuyển từ miền Nam ra.

Ta đang có giống khoai tây rất tốt, ăn ngon. Khoai tây ở Việt Nam ta khác với bên Âu Mỹ. Bên xứ họ vụ khoai tây kết thúc vào khoảng tháng 9 tháng 10 trước khi mùa đông băng tuyết đến. Họ phải trữ khoai tây trong tủ lạnh để dùng 4 – 5 tháng. Miền Bắc nước ta trồng được vụ đông, thu hoạch xong ta bán cho rất nhiều nước đang bị băng tuyết che phủ. Khoai tây của ta tươi, chất lượng cao, ăn ngon.

Vấn đề là Nhà nước phải giao cho cơ quan có trách nhiệm khảo sát, xác định thị trường, tìm được khách hàng rồi về tổ chức cho bà con nông dân sản xuất khoai tây. Tôi nghĩ, làm được vậy thì người trồng khoai tây cũng có lợi tức cao mà người trồng lúa, người nông dân cũng có lợi tức cao!

Xin cảm ơn Giáo sư!

Đọc thêm:

Không ai ‘tự do’ như nông dân Việt
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=6049

Nghịch lý ngành gạo: Càng làm càng lỗ!
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=6045

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)