Theo đuổi sự khác biệt

Bước vào khuôn viên của Traphaco, người ta sẽ nhìn thấy ngay bức tượng của danh y Tuệ Tĩnh bằng đồng, dáng ngồi khoan thai đang đọc sách giữa mặt nước phẳng lặng. Dưới chân tượng là bốn chữ: “Nam dược trị nam nhân”. Đó cũng chính là chiến lược mà Traphaco kiên trì theo đuổi từ ngày đầu thành lập: “Chính sách của chúng tôi nhìn chung là cố gắng tạo ra sự khác biệt, chiến thắng trong sự khác biệt. Muốn vậy thì đi vào thuốc dược liệu” – Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Traphaco, phụ trách R&D của công ty cho biết.


Sao lại là đông dược?

Traphaco “xuất thân” từ Tổ sản xuất thuốc thuộc Ty Y tế Đường Sắt, cung ứng thuốc cho hơn 60.000 công nhân ngành Đường Sắt với nguồn lực vỏn vẹn 16 người và 300 m2 đất. Với hạn chế tiếp cận các nguyên liệu tân dược, họ tập trung chủ yếu vào sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu với một trong những sản phẩm đầu tiên là Viên Sáng Mắt – công cụ đắc lực cho dân lái tàu. Thời điểm đó, sản phẩm của họ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của ngành đường sắt và khoảng 70% thuốc do Traphaco sản xuất sử dụng dược liệu1.

Đầu những năm 1990, sau thời kỳ Đổi mới, phần lớn các đơn vị sản xuất thuốc ở Việt Nam đều trở thành doanh nghiệp nhà nước và chuyển sang sản xuất thuốc tân dược. “Thậm chí là Xí nghiệp Dược phẩm TW3 ở Hải Phòng vốn được phân công sản xuất đông dược cũng chuyển sang sản xuất thuốc tân dược, cứ nhập tân dược là chiến thắng vì thời đó thiếu thuốc. Nhưng công ty không có lợi thế đó nên bắt buộc phải tìm nền tảng riêng để hi vọng tồn tại được” – Ông Huy Văn chia sẻ. Traphaco vì thế vẫn “trung thành” với thuốc dược liệu. Đến nay, trong 200 sản phẩm thuốc đã đăng ký, 70% sản phẩm của Traphaco là thuốc đông dược. Trung bình trong một viên thuốc, 90% khối lượng là từ nguồn dược liệu Việt Nam.

Traphaco và các công ty trực thuộc được Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2012, 2014, 2015 và đươc Giải thưởng Chất lượng châu Á-Thái Bình Dương (GPEA) năm 2013.

Từ nhiều năm qua, thị trường dược Việt Nam bị áp đảo bởi thuốc hóa dược, tân dược. Các hãng dược nước ngoài đang chiếm 60% thị trường dược Việt Nam và các công ty dược lớn nhất Việt Nam như Dược Hậu Giang, Domesco và Imexpharm dành hơn 80% sản phẩm cho thuốc tân dược. Bên cạnh đó, thời gian nghiên cứu để cho ra một sản phẩm dược liệu mất từ 5-10 năm trong khi nếu sản xuất thuốc generic (như hầu hết các công ty sản xuất thuốc hóa dược, tân dược ở Việt Nam đang làm) thì ngắn hơn rất nhiều do không phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng; đồng thời mặt hàng thế mạnh của Traphaco cũng không có chỗ đứng an toàn nữa do Dược Hậu Giang và Imexpharm cũng phát triển dòng sản phẩm thuốc đông dược riêng của họ. Doanh thu từ dòng sản phẩm đông dược lần lượt chiếm 13% và 3% vào năm 2014 trên tổng doanh thu hai công ty này và đang có xu hướng tăng. Một trong những sản phẩm mà Traphaco tự hào – Cebraton từng chiếm 100% thị phần hoạt huyết dưỡng não cách đây 10 năm, giờ giảm xuống chỉ còn 30% do phải chia sẻ thị phần với tận 40 công ty khác.1

Tuy nhiên, Traphaco luôn tự tin về mảng thuốc đông dược của mình. Ông Huy Văn tự tin lí giải điều này là do tận dụng nền tảng lý luận của người đi trước (như Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác…). Ông cho rằng, những sản phẩm của Traphaco chưa “sáng tạo nhiều lắm” mà chính là sản phẩm được kế thừa từ xa xưa, công ty chỉ “lắp ghép” các nghiên cứu hiện đại để làm sáng tỏ những ứng dụng của thuốc và phát hiện những công dụng mới. Bên cạnh đó, phát triển thuốc từ dược liệu cũng phát huy lợi thế đa dạng sinh học của Việt Nam (4.000 cây thuộc trong số khoảng 12.000 loài thực vật). Trong giai đoạn hiện nay, chiến lược này lại phù hợp với quan điểm bảo vệ môi trường vì chỉ sử dụng những nguyên liệu tự nhiên và góp phần công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp khi Traphaco triển khai xây dựng vùng dược liệu nên công ty sẽ nhận được ủng hộ nhất định về mặt chính sách của nhà nước.

 
Vùng trồng dược liệu Actiso của Traphaco ở Sapa, Lào Cai.
Nguồn ảnh: Traphaco

“Hào phóng” cho R&D

Trong một buổi tọa đàm cuối năm ngoái về đầu tư R&D trong doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT của Traphaco cũng từng thể hiện quan điểm của Traphaco trong đầu tư cho KH&CN: “Quan điểm của chúng tôi là tốn kém bao nhiêu cũng được, miễn là ra được kết quả”. Mỗi năm, Traphaco danh từ 3-5% doanh thu (gần 100 tỷ đồng) cho hoạt động R&D.

Traphaco khá “hào phóng” trong việc đầu tư cho nghiên cứu, đặc biệt thể hiện ở việc bảo hộ vĩnh viễn bản quyền của tác giả. Bất cứ ai chuyển giao công thức, bí quyết thực sự đem lại hiệu quả (tức là tạo ra sản phẩm) cho Traphaco thì mỗi năm, công ty sẽ trả phí bản quyền tương ứng với 3% doanh thu, chừng nào sản phẩm còn tồn tại trên thị trường. Chẳng hạn, một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Traphaco hiện nay trên thị trường là Hoạt huyết dưỡng não Cebraton, đem lại cho công ty khoảng 200 tỷ đồng/năm, tác giả của công thức này – GS. Nguyễn Khắc Viện sẽ nhận được khoảng 6 tỷ đồng/năm. “Đây cũng là cơ hội để tác giả tiếp tục suy nghĩ, cải tiến, hoàn thiện công thức tốt hơn. Người ta sẽ yên tâm chuyển giao hết bí quyết cho mình” – Ông Huy Văn cho biết.

Hiện nay, Traphaco hợp tác nghiên cứu với nhiều viện/trường, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ giới hạn trong nghiên cứu về bào chế, dược lý, độc tính, lâm sàng với các Đại học Dược, Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y, họ còn nghiên cứu về hóa học (ví dụ đưa ra chất chuẩn để chiết xuất các thành phần từ dược liệu), bảo tồn nguồn gene, thậm chí còn nghiên cứu về phương pháp trồng dược liệu.

Tuy nhiên, khi được hỏi, vậy trí tuệ của đội ngũ R&D của Traphaco đóng góp bao nhiêu % trong việc hình thành sản phẩm? Ông Huy Văn trả lời không ngần ngại: “Linh hồn [sản phẩm] là của lực lượng bên trong, chiếm 90%, còn bên ngoài thực ra chỉ là 10%. Thực ra, các nhà khoa học chỉ làm thí nghiệm, ý tưởng ban đầu còn công nghệ để đưa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thực tiễn, sản xuất ở quy mô công nghiệp là lực lượng R&D ở công ty làm hết.”

Traphaco tập trung đầu tư vào con người từ những ngày đầu thành lập. Họ nhận bất kì sinh viên nào tốt nghiệp Đại học Dược xin vào công ty và sắp xếp cho họ làm việc tại các quầy thuốc của mình. Đến đầu những năm 1990, Traphaco là công ty dược có số lượng dược sĩ tốt nghiệp đại học và sau đại học lớn nhất cả nước. “Có những năm cả Đại học Dược có bốn người tốt nghiệp loại giỏi thì ba người về Traphaco” – Ông Huy Văn cho biết.
Đội ngũ ban đầu tạo nền tảng hình thành phòng R&D – ra đời năm 1996. Vào thời kỳ này mà ông Huy Văn gọi là “khó khăn” vì trong ngành dược người ta có câu “chuột chạy cùng sào mới vào nghiên cứu” do tất cả các phòng nghiên cứu tại Xí nghiệp Dược phẩm TW1, TW2 đều không có “vai vế” gì và bị giải thể, ông đề xuất hỗ trợ thêm cho mỗi nhân viên R&D thêm 500 nghìn mỗi tháng để họ yên tâm làm việc. Bộ phận R&D của Traphaco ngay lập tức tập trung triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học của công ty và của các nhà khoa học chuyển giao cho, hợp tác với các viện/trường như công thức điều trị ung thư của GS. Đái Duy Ban (sau này trở thành sản phẩm CADEF), công thức làm tăng sinh lực từ hải sâm của GS. Nguyễn Tài Lương (sau này trở thành sản phẩm Amorvita Hải sâm). Bộ phận R&D của Traphaco hiện nay vẫn có lương trung bình (gần 20 triệu đồng/người) nhiều hơn các bộ phận khác trong toàn công ty (gần 15 triệu đồng/người), và được đầu tư một nhà máy riêng đặt tại Hưng Yên mà theo lời ông Huy Văn “có công suất lớn hơn cả của một công ty trách nhiệm hữu hạn dược thông thường” để triển khai trên quy mô pilot. 

Theo ông Nguyễn Huy Văn, lực lượng R&D của Traphaco rất “thiện chiến”. Một trong những lí do quan trọng là họ liên kết tương đối chặt chẽ với bộ phận marketing nên rất hiểu thị trường. Có năm, họ nghiên cứu 20 sản phẩm và cho ra thị trường sáu sản phẩm. Một trong hai sản phẩm bán chạy nhất của Traphaco hiện giờ – Boganic là do công ty hoàn toàn tự nghiên cứu và phát triển.

Traphaco nói gì về Giải thưởng “Chất lượng Quốc gia”?

Ông Nguyễn Huy Văn cho biết, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với 7 tiêu chí đánh giá là giải thưởng toàn diện nhất, khái quát nhất hoạt động của doanh nghiệp: “Vấn đề chất lượng không phải là một cái đích, nó là phương tiện để một tổ chức hướng đến thành công. Và chất lượng thì cần cải tiến liên tục. Ví dụ, Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (Traphaco đạt Giải Vàng năm 2014), có những doanh nghiệp năm nào cũng nộp để cải tiến, hoàn thiện tổ chức, còn việc nhận giải chỉ mang tính động viên. Nếu làm đúng theo những tiêu chí của giải thưởng thì sức khỏe của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều”.
Ông cũng cho biết Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đánh giá kỹ lưỡng nhất trong các giải thưởng và ông cần những khuyến cáo để hoàn thiện việc quản lý: “Có một cái hay là trong quá trình thẩm định giải thưởng, chúng tôi học được rất nhiều thứ, ví dụ như về bảo mật thông tin, xử lý sự cố khi máy chủ bị mất điện khi sử dụng phần mềm DMS để quản lí bán hàng chẳng hạn. Hoặc thực ra bọn tôi vào hiệp hội mã số mã vạch lâu lắm rồi nhưng chưa ứng dụng được trong quản lý bán hàng, quản lý kho…Bọn tôi quan niệm mỗi lần đánh giá như vậy mình học được rất nhiều.”  
Tuy nhiên, ông cho rằng giải thưởng cần được quảng bá sâu rộng hơn để các doanh nghiệp hiểu và thực hiện, nâng cao chất lượng của mình. Bên cạnh đó, các đơn vị đạt giải cần được ghi nhận thực sự, thậm chí là ưu tiên để tạo thành lợi thế của họ khi giao dịch với khách hàng: “Chỉ nhận giải thưởng không mà bán hàng thì vẫn không đấu thầu được (vào các nhà thuốc bệnh viện), chẳng có gì khác thì rất là khó. Còn với khách hàng, chờ người ta cảm nhận cũng lâu lắm”.

Traphaco chi mạnh tay cho nghiên cứu thị trường. Họ đã thuê Nielsen đánh giá thị trường, dù với một dòng sản phẩm nhỏ như nước súc miệng T-B và nhận thấy lợi nhuận có thể tăng gấp nhiều lần. Hằng năm, họ bỏ ra từ 30.000 – 50.000 USD để mua các kết quả nghiên cứu thị trường của BMI và IMS Heath để xem xét về nhu cầu người dùng và đối thủ cạnh tranh.

Một trong những dự án mà Traphaco tự hào là Greenplan – tự nghiên cứu và xây dựng vùng nguyên liệu. Ông Huy Văn chia sẻ: “Hơn hai thập niên qua, không có một trường đại học nào còn dạy phương pháp trồng dược liệu”. Tuy nhiên, hợp tác nghiên cứu với một số nhà khoa học ở Học viện Nông nghiệp, họ là một trong số những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn GACP (Good Agricultural and Collection Practices – Thực hành tốt trồng trọt và thu hái). “Nhưng những người đi đầu rất vất vả, khó khăn vì dược liệu thì gắn với nông nghiệp, nông thôn miền núi. Ví dụ khi đoàn đánh giá của Bộ Y tế về tiêu chuẩn GACP lên xã Sa pả, thị trấn Sapa, nơi có đối tác của Traphaco đang triển khai trồng cây artiso. Để triển khai được dự án trồng cây tại đây phải có nghị quyết của huyện ủy, sau đó đưa các bí thư, chủ tịch, trưởng công an xã làm trước, rồi bà con làm theo. Trong quản lý đồng ruộng, đoàn cán bộ Bộ Y tế yêu cầu phải ghi chép hằng ngày, bón phân gì, tưới nước bao nhiêu, cũng làm thành bảng cho bà con điền vào nhưng họ cũng không điền vì nhiều gia đình không biết chữ, không biết tiếng Kinh luôn” – Ông Huy Văn chia sẻ. Khi đó, cách giải quyết duy nhất là cử một đội trưởng đội sản xuất…điền hộ. Hiện nay, Traphaco có bốn vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP bao gồm: Actiso tại Sapa, Rau đắng đất tại Phú Yên, Bìm bìm biếc tại Hòa Bình, Đinh lăng tại Nam Định. Bốn loại cây này là nguyên liệu đầu vào cho hai sản phẩm bán chạy nhất của Traphaco hiện nay, chiếm hơn 50% doanh thu của doanh nghiệp này từ thuốc đông dược là Cebraton và Boganic.

Những rào cản từ chính sách

Traphaco được lựa chọn làm một ví dụ về một công ty đổi mới sáng tạo ở Việt Nam dạy trong chương trình của Đại học Quản lý Singapore (Singapore Management University – SMU). Mats Lingbad, tác giả viết và nghiên cứu về ví dụ này đã làm một phép thử: Ông tới bốn nhà thuốc ở phố Quán Sứ, Hà Nội và hỏi mua thuốc hoạt huyết dưỡng não. Trong bốn nhà thuốc thì chỉ có duy nhất một nơi giới thiệu Traphaco cho ông. Còn lại, dù gợi ý thế nào, họ vẫn giới thiệu các hãng khác.

Sản phẩm hoạt huyết dưỡng não của Traphaco, bây giờ có tên là Cebraton là nghiên cứu của GS. Nguyễn Khắc Viện chuyển giao cho Traphaco năm 1995 (ra thị trường năm 1999) nhưng ông Nguyễn Huy Văn thú thực là lúc đó chưa quan tâm đến bản quyền. Chính vì vậy, đến năm 2003, một loạt các công ty nhái công thức và thậm chí cả bao bì của Cebraton và tung ra thị trường. Dĩ nhiên, điều này làm sụt giảm thị phần của Traphaco nghiêm trọng trong 10 năm qua, mặc dù sản phẩm này vẫn được Nielsen đánh giá là dẫn đầu (về mặt chất lượng) dòng sản phẩm về hoạt huyết dưỡng não.

Sau sự kiện đó, mặc dù bị thiệt nhưng Traphaco vẫn e ngại việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình, lí do đưa ra là…quá khó: “Như đăng ký sáng chế Cebraton về chế tạo ra công thức viên nang mềm, sản phẩm mình đưa đầu tiên ra thị trường và là sáng tạo của mình. Nhưng xét duyệt một sáng chế cực kỳ khó, đã đăng ký tới hai năm nay rồi chưa biết đến bao giờ mới được mà khả năng được cũng rất khó”

Tại sao lại khó như vậy? “Tôi nghĩ là do hội đồng xét duyệt và nhà khoa học không nhìn về một hướng. Nhà khoa học nghĩ là nó có tính mới, có thể bảo vệ được còn hội đồng thì lại không”. – Ông Huy Văn cho biết. Theo nghiên cứu của TS. Trần Văn Hải, Đại học KHXH&NV nghiên cứu về tính mới trong việc bảo hộ sáng chế đối với các bài thuốc cổ truyền thì ở Mỹ, nếu một bài thuốc được sử dụng rộng rãi nhưng chưa công bố ở các tạp chí nước ngoài thì vẫn được coi là có tính mới. Nhưng với Việt Nam, các bài thuốc gia truyền không được bảo hộ vì “đã được sử dụng rộng rãi ở trong nước”2.   

Một hiện tượng khác, cũng “oái oăm” không kém với Traphaco đó là, Traphaco không thể bán thuốc trong các bệnh viện, dù sản phẩm được giải “Ngôi sao thuốc Việt” (giải thưởng do Cục Quản lý Dược Bộ Y tế bình chọn). “Mặc dù hoạt huyết dưỡng não Cebraton, Boganic nổi tiếng như thế nhưng khi đi đấu thầu toàn bị “out”, toàn ở ngoài cổng bệnh viện, chẳng thể vào nổi bệnh viện mà đơn vị nhái sản phẩm lại vào được. Lí do là vì thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế lại yêu cầu đấu giá (tức là giá rẻ nhất thì được bán). Trước đó là vòng một chấm điểm kĩ thuật thì sản phẩm nào cũng qua hết” – Ông Huy Văn nói.

Vì thế, khi được hỏi về vấn đề nào khó nhất, không ngạc nhiên khi ông Huy Văn trả lời phóng viên Tia Sáng, “Mình cho vấn đề lớn nhất là vấn đề cơ chế, cạnh tranh thị trường, là cái khó khăn lớn nhất hiện nay. Làm thế nào để cạnh tranh bình đẳng?”
———
1 Mats Lingbad, Traphaco: Choices for the future, http://www.thecasecentre.org/educators/products/view?id=119730
2http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2014/01/1063/2.pdf

Tác giả

(Visited 56 times, 1 visits today)