Thí điểm giải pháp xử lý nước thải đô thị dựa vào tự nhiên

Đại học RMIT hợp tác với các nhóm quốc tế, trong đó có Việt Nam, để thực hiện thí điểm giải pháp xử lý nước thải đô thị dựa vào tự nhiên.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu leo thang khiến nhiều quốc gia tại châu Á gặp nhiều khó khăn để đảm bảo chất lượng nước.

Nhằm tìm cách cải thiện việc xử lý nước thải, Đại học RMIT đã hợp tác với các nhóm quốc tế, trong đó có nhà nghiên cứu từ Đại học Cần Thơ và Đại học Bách khoa TPHCM, để thực hiện thí điểm ở Việt Nam, Sri Lanka và Philippines thông qua dự án Mạng lưới Nghiên cứu Thay đổi Toàn cầu Châu Á-Thái Bình Dương.

Các thí điểm bao gồm xây dựng hệ thống bè nổi trồng cây ở Cần Thơ (Việt Nam) và Kandy (Sri Lanka), mái nhà phủ xanh ở TPHCM (Việt Nam), và các vùng đất ngập nước nhân tạo ở Philippines.

Trong đó, hệ thống bè nổi trồng cây, hay còn gọi là vùng đất ngập nước nổi, là những cấu trúc nhân tạo cho phép các loài thực vật thủy sinh có thân mọc vượt nổi khỏi mặt nước, sinh trưởng và phát triển trong vùng nước khá sâu so với hệ rễ cây. Rễ cây tiếp xúc trực tiếp với nước thải giúp loại bỏ các chất ô nhiễm bằng nhiều quá trình khác nhau.

Đại học RMIT cũng cung cấp hướng dẫn khoa học và phương pháp để thiết lập và nhân rộng mái nhà phủ xanh tại TPHCM để xử lý nước thải trong nhà. Hệ thống này được thử nghiệm trên phần mái của một trung tâm nghiên cứu ở Đại học Bách khoa TPHCM.

Để lắp đặt hệ thống này, cần chuẩn bị các vật liệu có khả năng thấm hút chất ô nhiễm và tạo môi trường cho thực vật thủy sinh phát triển: sỏi, vỏ hàu, vỏ trai, sọ dừa, than đá, hạt gốm. Về phần thực vật thì cần chọn những cây có những đặc tính như dễ sống, chống chịu được với các điều kiện khắc nghiệt (mưa/ bão vào mùa đông và nhiệt độ cao vào mùa hè), có khả năng xử lý nước thải, tuổi thọ cao và có độ che phủ tốt. Lựa chọn lý tưởng là cây cúc tần Ấn Độ, hoa đăng tiêu, mai hoàng yến, cây thường xuân.

Tiếp theo, chuẩn bị hai máng dài, nối với nhau bằng đường ống nước. Dưới đáy lót vỏ hàu, vỏ trai rồi phủ một lớp than đá lên trên, cây được trồng vào trong đó. Ở các đầu máng đều lót lớp sỏi, đá.

Nước thải sinh hoạt sẽ được thu thập và đổ vào bể trước khi bơm vào các máng qua đường ống nước. Thực vật sẽ sử dụng chất dinh dưỡng trong nước thải để phát triển. Hai tháng sau khi trồng, người dùng cần cắt tỉa và làm cỏ để đảm bảo cây trồng phát triển.

Việc phủ xanh mái nhà sẽ giúp người dân xử lý nước thải sinh hoạt, đồng thời tạo cảnh quan cho ngôi nhà, cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã.

Mục tiêu tổng thể của dự án là loại bỏ hiệu quả chất gây ô nhiễm trong các vùng nước, đem lại lợi ích thiết thực cho môi trường và cộng đồng, nhờ phát triển các giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương.

Các nhà nghiên cứu cho biết Đông Nam Á đã có nhiều phương pháp quản lý tài nguyên truyền thống dựa vào thiên nhiên, nhưng nhiều giải pháp đã biến mất hay chỉ giới hạn ở vùng nông thôn. Vì thế, họ muốn thử nghiệm xem liệu chúng có thể kết hợp vào đời sống đô thị và cải thiện chất lượng sống ở thành phố hay không.

Thanh Xuân

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)