Thị trường lớn nhưng không dễ thuyết phục

Với mức dân số cao1 kéo theo quy mô lớn về nhu cầu tiêu dùng, thị trường nội địa Việt Nam là mục tiêu hấp dẫn để chinh phục cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trước khi tiến ra biển lớn. Thế nhưng trên thực tế, họ phải đối diện với một thử thách hết sức khó khăn, đó là trung bình người Việt trả rất ít tiền cho các sản phẩm khoa học và công nghệ do các nhà khởi nghiệp Việt Nam phát triển và phân phối.

Năm 2002, quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Việt Nam bắt đầu khai phá mảnh đất hoang nhưng đầy tiềm năng mang tên đầu tư vào các nhà khởi nghiệp khoa học công nghệ tại Việt Nam. Những thương vụ đầu tư đầu tiên được thông báo rộng khắp với tổng giá trị đầu tư khi ấy không dưới 10 triệu đô-la. Nhiều cái tên quen thuộc như VNG, VietnamWorks hay Vật Giá một thời đã trở thành những câu chuyện khởi nghiệp tiêu biểu trong giới công nghệ, cùng với những thương vụ đình đám khác tạo niềm cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp cho đến ngày nay. Sau đó, các quỹ mạo hiểm khác đến từ Nhật, Nga, Singapore, v.v cũng bắt đầu vào tìm hiểu và nối bước đầu tư. Thị trường cũng trở nên sôi động với một số sản phẩm công nghệ thú vị, hữu ích cho đời sống do các công ty khởi nghiệp tạo ra.

Xu hướng tích cực này chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực CNTT, và từng được kỳ vọng sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ cùng với sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng viễn thông. Theo báo cáo về tình hình Internet tại khu vực Đông Nam Á tính đến cuối tháng 7/2013 của hãng nghiên cứu thị trường comScore, với 16,1 triệu người dùng Internet hàng tháng, Việt Nam là quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, trong thực tế làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam đã không thể bùng nổ như người ta dự kiến, đơn giản bởi vì thị trường Việt Nam chỉ lớn về lượng khách hàng tiềm năng, nhưng nếu so với thị trường ở các nước làn sóng khởi nghiệp đã gặt hái thành công như Mỹ, Nhật, Châu Âu, Trung Quốc, v.v thì nguồn thu mà khách hàng Việt tạo ra cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ là không cao, bởi lượng tiền trung bình mỗi khách hàng sẵn sàng chi trả rất thấp nếu so với khách hàng ở các thị trường truyền thống – trung bình mỗi khách hàng của một doanh nghiệp khởi nghiệp đình đám ở Việt Nam như VNG cũng chỉ trả 5 đô la mỗi năm cho tất cả các dịch vụ số mà doanh nghiệp nay cung cấp – và số lượng người sẵn sàng trả tiền cũng rất ít ỏi.

Ví dụ gần đây như với ứng dụng quản lý tài chính chi tiêu trên di động MoneyLover, được phát triển bởi một chàng trai Việt Nam 24 tuổi Ngô Xuân Huy. Ứng dụng này có hai phiên bản: phiên bản cơ bản miễn phí và với phiên bản nâng cao, người dùng phải trả phí khoảng 5 đô-la. MoneyLover kiếm tiền từ quảng cáo trong phiên bản cơ bản miễn phí và thu phí từ người dùng khi họ mua phiên bản nâng cao với nhiều chức năng hoàn thiện và tiện ích hơn. Với con số 2 triệu lượt tải về, MoneyLover có khoảng 300.000 thiết bị cài đặt & sử dụng ứng dụng thường xuyên. Tuy nhiên, con số từ người dùng Việt Nam chỉ từ 20 – 30 người dùng trả tiền cho phiên bản nâng cao. Trong khi đó, tại thị trường nước ngoài, con số này là khoảng hơn 10.000 và tăng dần theo năm tháng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nay, trong đó có phần hạn chế về phía bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp khi cho ra đời những sản phẩm chưa thực sự được trau chuốt và chất lượng chỉ ở mức bình thường bậc trung. Còn về phía khách hàng có những vấn đề chúng ta đã biết như thu nhập bình quân của người Việt Nam còn ít ỏi, nhận thức về chi trả tiền để sở hữu sản phẩm bản quyền của người dùng Việt Nam còn thấp, đồng thời các giải pháp thanh toán trực tuyến cũng chưa phải là sự lựa chọn hàng đầu của người dùng khi nền tảng hạ tầng để thanh toán trực tuyến cho dịch vụ công nghệ còn hạn chế và thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn cao.

Trong những vấn đề này, có những vấn đề có tính chất khách quan hoặc thuộc về văn hóa, thói quen ứng xử, đòi hỏi sự tự điều chỉnh một cách tuần tự và tự nhiên, nhưng có một vấn đề hạn chế mang tính kỹ thuật, không thể tự điều chỉnh mà phải có sự vào cuộc đồng thời từ nhiều phía, đó là nền tảng hạ tầng cho thanh toán trực tuyến. Đây là một câu chuyện phức tạp, đòi hỏi sự hội tụ đủ các yếu tố như hệ thống lõi của ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên di động như các telco, cũng như sự hỗ trợ mang tính pháp lý đến từ nhà nước. Giải pháp thanh toán trực tuyến có liên quan nhiều đến quản lý dòng tiền tài chính, những sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hệ thống tiền tệ được lưu thông liền mạch và minh bạch, nên khi đưa ra quyết định cấp giấy phép thường có quy trình phức tạp, chỉ cần vướng một vài khâu cũng có thể mất thời gian rất lâu để có thể triển khai.

Như vậy, sự phát triển thần tốc của Internet và hệ sinh thái trên Internet tạo ra một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng cơ hội ấy rất khó được hiện thực hóa nếu người dùng chưa có thói quen trả tiền cho nội dung trên internet, và thiếu các giải pháp để thực hiện thanh toán trực tiếp. Để giải quyết vấn đề này, cộng đồng khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về cải cách thủ tục pháp lý và hỗ trợ về truyền thông cộng đồng trên diện rộng, đưa ra những chính sách phù hợp theo kịp với xu hướng phát triển của thị trường. Khoa học công nghệ là lĩnh vực luôn có sự đổi mới và thay đổi từng giờ, từng ngày, đôi lúc chỉ vì một số hạn chế tưởng chừng rất nhỏ mà chúng ta bỏ qua những cơ hội phát triển mở rộng đáng tiếc.

SuperData Research cho biết trong một báo cáo của hãng này được phát hành vào tháng 5 năm 2014, trung bình mỗi người dùng Internet tại Mỹ chi trả hàng tháng khoảng 21,6 đô-la cho trò chơi trên di động, và tại Trung Quốc con số này là 32,46 đô-la. Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities có trụ sở chính ở Tokyo cũng đưa ra những con số ước lượng với mỗi người dùng Nhật Bản chi trả khoảng hơn 53 đô-la cho trò chơi trên mạng xã hội mỗi tháng. Những con số chi trả bình quân trên mỗi người dùng này chưa kể đến các dịch vụ nội dung số khác như nhạc, phim, tải tài liệu, v.v. Còn ở Việt Nam chúng ta chưa có số liệu tương đương để so sánh, nhưng rất khó tìm ai đó sẵn sàng trả hàng trăm nghìn VND mỗi tháng cho các dịch vụ số. 

————————————————–

1: Ước tính đến hết tháng 7 năm 2014, theo Central Intelligence Agency (CIA – Mỹ), Việt Nam xếp hạng thứ 15 trên thế giới về số lượng dân số.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)