Thị trường-Liên kết-Lợi ích: những yếu tố cốt lõi của Đổi mới nông nghiệp

Bộ KH&CN, UBND tỉnh Đồng Tháp và Hội Doanh nghiệp HVNCLC phối hợp tổ chức hội thảo “ Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” tại TP Cao Lãnh, thu hút gần 200 người tham dự, gồm các chuyên gia, nhà khoa học từ Viện trường, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, viên chức các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đông đảo doanh nghiệp.

Từ bức xúc tới kỳ vọng

“Nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, vươn lên nhóm các nước xuất khẩu đứng đầu trên thế giới về một số mặt hàng nông sản, nhưng thực ra, giá bán thấp, tiếp cận thị trường trong, ngoài nước đều khó khăn, thua thiệt rơi vào người sản xuất…”, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nhìn nhận và phân tích thêm: “Do hàng chục năm qua chúng ta phát triển theo chiều rộng, thâm dụng tài nguyên, lao động…và nay bắt đầu bộc lộ giới hạn tăng trưởng, thậm chí xu hướng giảm dần. Đây là thời điểm thích hợp để chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp …”.

TS.Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhà đồng tổ chức hội thảo cho rằng “đổi mới sáng tạo bao hàm yếu tố đổi mới công nghệ, đi liền những giải pháp đổi mới quản trị, cùng những chính sách phù hợp, hành lang pháp lý thông thoáng để tạo ra những bước phát triển với thực tế cho thấy năm 1986, sau khoán 10, khoán 100 Việt Nam bứt phá, tăng trưởng ngoạn mục từ một nước thiếu đói thành quốc gia xuất khẩu gạo. Theo kỳ vọng, năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại thì sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước vẫn đặt trên nền tảng phát triển nông nghiệp. Vì thế trong chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020 có 3/9 sản phẩm, có liên quan nông nghiệp: Lúa gạo, cá da trơn, nấm ăn và nấm dược liệu, cùng với đó là các chương trình Quốc gia khác cũng định hướng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng sức cạnh tranh, hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng”.  Về tái cơ cấu nông nghiệp, để thành công, theo ông ngoài việc cần có sự liên kết hiệu quả giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp, trong đó việc chủ động của doanh nghiệp là nhân tố hết sức quan trọng; đồng thời để có thể giải quyết được vấn đề đất đai nông nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất lớn cần có nhận thức khác về sở hữu đất đai, có cách tổ chức để nông dân chuyển nhượng, góp vốn như cổ phần vào doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê.


Các doanh nghiệp thảo luận về vai trò KHCN hỗ trợ doanh nghiệp tới thị trường toàn cầu – ảnh HL

Mối lo tổn thất sau thu hoạch

TS Phạm Văn Tấn, phó Giám đốc phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN-PTNT phân tích: Hiện nay khâu thu hoạch cơ giới đạt 65%, sấy chiếm 45%, mức độ tổn thất 13,7% về số lượng, 13,4% về chất lượng lúa sau thu hoạch. Làm thế nào nâng cao chất lượng lúa gạo? Nếu ứng dụng tốt công nghệ trong chế biến thực phẩm, làm nấm rơm, làm viên nén từ rơm phục vụ chăn nuôi gia súc, chất vi sinh…là làm tăng giá trị lên 18-16 lần.  Nếu có chính sách khuyến khích hợp tác xã đầu tư những công nghệ vừa tầm, còn doanh nghiệp thì đầu tư công nghệ kỹ thuật cao…, ĐBSCL sẽ phát triển đa dạng hóa tốt sản phẩm nông nghiệp. Ông Nguyễn Thể Hà, chuyên gia kinh tế – kỹ thuật của Cty Bùi Văn Ngọ cho rằng cơ giới hóa cần phải có tính hiện đại, thích nghi và có tính hiệu quả. Chủ tịch Bùi Văn Ngọ giữ vững thị trường trong và ngoài nước nhờ tính thích nghi:  sấy thì đảm bảo yêu cầu giữ lúa còn sống, xay xát thì giữ được phẩm chất gạo theo từng giống lúa. Nhưng để giải được bài toán công nghệ sau thu hoạch ở ĐBSCL, cần có sự liên kết giữa các viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có nhiều tiềm năng phát triển, cùng nhau hợp tác theo một chương trình mục tiêu Quốc gia đến năm 2020.

PGS TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng trường đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Chúng tôi nghiên cứu ra một số loại máy móc, thiết bị như máy bới đất, máy trồng sắn…, nhưng để đưa ra thị trường rất cần sớm hình thành những sàn giao dịch chuyên nghiệp hoạt động có hiệu quả; đồng thời nhà trường cũng cần phải chủ động tìm đến doanh nghiệp vừa bán được hàng vừa có đề tài nghiên cứu có tính khả dụng. Ông cũng đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ KHCN phối hợp khảo sát về thực lực nghiên cứu của các trường đại học. TS Dương Thái Công, Hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, nói rõ hơn mối lo khi việc đào tạo nhân lực cơ khí nông nghiệp ở một số trường Đại học ở vùng ĐBSCL bị mai một, đòi hỏi cơ chế, chính sách thiết thực. Ông cũng đưa ra đề xuất hình thành những trung tâm, chuyển giao thành tựu nghiên cứu, liên kết 4 nhà, hỗ trộ sản xuất- tiêu thụ tốt hơn.

Chất keo nào cho việc hợp tác?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách thuộc Viện Chính sách & Chiến lược phát triển NN-NT và nhiều chuyên gia khác thừa nhận việc kêu gọi hợp tác giữa nông dân với nhau luôn gặp rất nhiều khó khăn. “Kinh nghiệm chúng tôi, nông dân có tự nguyện hợp tác hay không là do lợi ích của họ được đáp ứng thỏa đáng không. Ông Huỳnh Văn Thòn, Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang nói: Khi chúng tôi làm ra gạo mầm Vibigaba có tich hợp hàm lượng KHCN, giá bán tăng lên gấp 5 lần. Bán hàng gặp khó về thị trường, lại giá thấp, đó là nỗi tủi nhục vì mình thua về khoa học công nghệ. Và nếu không có sự liên kết sẽ khó đưa KHCN vào ứng dụng”. Ông Nguyễn Phước Tuyên, trưởng phòng nghiên cứu khoa học và thông tin, sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp , thừa nhận mô hình “cánh đồng liên kết” ở Đồng Tháp thời gian qua mang lại hiệu quả. Các DN đã cùng nông dân liên kết, nhưng mô hình này còn tùy thuộc điều kiện sản phẩm có phù hợp thị trường và sự ủng hộ của chính quyền địa phương .

PGS TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Định Thành, người đã bôn ba các nước châu Phi: Sudan, Serra Leon, Nigeria, giúp họ về giống lúa thích hợp, máy cơ khí nông nghiệp, cùng xây dựng thương hiệu lúa gạo từ châu Phi bằng quy trình canh tác của Việt Nam, cho biết: Trung tâm  có có chính sách động viên sáng tạo và khi được ứng dụng, các đề tài đều được Công ty BVTV An Giang mua đúng giá trị. Ví dụ, lần đầu tiên, sau 9 năm nghiên cứu, Cty chọn giống AGPPS 103 trồng thử với nông dân, đã xuất khẩu với giá 530 USD/tấn. Ông Chín kết luận: ”Chất keo kết dính nông dân với doanh nghiệp là giống, dịch vụ nông nghiệp và cách quản trị kênh cung ứng vật tư và tiêu thụ hàng hóa ”

Thị trường- đích đến và điểm xuất phát

KS Hồ Quang Cua, tác giả giống lúa đang được nhiều công ty đặt hàng , đang xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng ngàn hecta, nói rằng gạo đỏ ST đã bán được 85 cent/kg, ST20 trên 600 USD/tấn. Thị trường nội địa, gạo ST20 bán lẻ giá 20.000 đ/kg. Tái cấu trúc nông nghiệp, theo ông, cứ tập trung nâng cao giá trị nông sản, sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.

“Làm sao hàng hóa đi thì thông tin thị trường quay lại. Làm sao để mình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với vị thế cao hơn”, doanh nhân trẻ Huỳnh Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Antesco (An Giang) chia sẻ : Định hướng công nghệ cao, cải tiến chuỗi cung ứng, cân bằng lợi ích giữa các khâu là nền tảng cho những bước tiến của Antesco.

Ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Cty CP thực phẩm Bích Chi, thích thú khi kể lại: Người Việt ở Nga làm rau sạch, tiền mua máy móc được nhà nước Nga trả lại. Như vậy, chính phủ nước này hỗ trợ nhà sản xuất tiền mua máy để tạo việc làm. “Vai trò nhà nước hết sức quan trọng, bây giờ, vấn đề tìm thị trường tiêu thụ không thể phó mặc doanh nghiệp tự bơi, đó là việc chính phủ các nước đang tập trung và làm tốt”. Ngoài ra, DN cần hỗ trợ để đa dạng hóa sản phẩm.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh  Dưỡng, nhà tư vấn Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp phát biểu:  Vấn đề hàng đầu của tái cơ cấu là thu nhập của người nông dân có tăng lên không? Hàm lượng khoa học kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất thì chuỗi sản phẩm bền vững đến đâu? Chi phí cơ hội các ngành hàng? Từ đó tạo tổng hợp giá trị gia tăng cao nhất.  Thời kỳ hội nhập, phải cạnh tranh tổng hợp, theo cụm ngành hàng. Vì sản phẩm cạnh tranh toàn thế giới, nên vai trò nhà nước rất quan trọng, nhất là vai trò mở mang thị trường.

Nước ta là nước nông nghiệp lại mấp mé trong bẫy thu nhập trung bình. Nông nghiệp phát triển được là nhờ thị trường, yếu tố rất quan trọng là thông tin thị trường , phải am hiểu thị trường để không tác động bất lợi lên chuỗi giá trị. Làm sao cho các tác nhân có phản xạ tự nhiên sống chết với thị trường.  Thực tế, dẫu đây đó, chúng ta có những điển hình làm ăn giỏi, nhưng người sản xuất nông nghiệp nước ta còn ít quan tâm đến ý nghĩa quyết định của  thị trường.

Thị trường quyết định sản xuất, thị trường quyết định công cuộc đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Vai trò KHCN, kể cả khoa học quản trị đều liên quan chuỗi giá trị nông nghiệp. Nếu không có liên kết và hợp tác sẽ không có tiến bộ, đổi mới gì hết. PGS.TS Trần Đức Viên kể: ĐH Nông nghiệp Hà Nội làm được máy bới đất, trồng khoai mì phải vô Nam bán, cho thấy mối liên kết chặt chẽ Bắc – Nam, cả nhu cầu liên kết cung cấp thông tin… Lãnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, hội thảo đưa ra nhiều đề xuất: lập sàn giao dịch, chính phủ hỗ trợ nhu cầu trang bị máy móc, chủ yếu là loại nhỏ; Đầu tư nguồn nhân lực trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, Đầu tư công nghệ mấu chốt trên toàn bộ dây chuyền của cơ giới hóa nông nghiệp. 

Điều kiện để giữ sự liên kết chặt chẻ, lâu dài là: chia sẽ lợi ích thật thỏa đáng cho từng giai đoạn trong toàn chuỗi giá trị .Đó cũng là bí quyết thành công của doanh nghiệp, các tổ chức nông nghiệp. 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)