Thiếu sự giám sát hiệu quả

Khi đặt ra mệnh đề phát triển theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã nghiễm nhiên mặc định Nhà nước phải có trong tay thật nhiều quyền lực, nhưng chưa hề giải quyết cho thỏa đáng vấn đề: quyền lực ấy được đặt dưới sự giám sát và chế tài như thế nào.

Khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ được lý giải một cách chính tắc và hoàn chỉnh, nhưng chúng ta có thể tạm hiểu đó là nền kinh tế trong đó Nhà nước giữ cho mình quyền lực chỉ huy tập trung lớn hơn so với các nhà nước ở những nền kinh tế thị trường thông thường, nhằm cho phép Nhà nước tiến hành những can thiệp điều chỉnh sâu đối với nền kinh tế để đảm bảo lợi ích lớn nhất cho xã hội, quyền lợi công bằng và bình đẳng cho mọi người dân, đặc biệt là người lao động. Tuy nhiên, quyền lực càng lớn thì đòi hỏi về năng lực và trách nhiệm càng phải cao. Để có thể vận hành một nền kinh tế thị trường theo đúng những nguyên tắc, lý tưởng đề ra trên đây, Nhà nước phải đáp ứng được hai điều kiện cần tối thiểu. Một là Nhà nước phải trong sạch, ít tham nhũng, không để cho các cá nhân và nhóm lợi ích thao túng kiếm lợi riêng từ các khoản đầu tư công và các chính sách kinh tế vĩ mô của quốc gia. Hai là bộ máy quản lý phải có đầy đủ năng lực để điều hành nền kinh tế một cách ổn định và có hiệu quả. Thực tế cho thấy cả hai điều kiện cần này đều là những vấn đề nan giải đối với Nhà nước của chúng ta hiện nay. Tình trạng lãng phí, tham nhũng đã trở thành phổ biến và những cá nhân yếu kém năng lực hoặc lợi dụng quyền lực Nhà nước đã trở thành một bộ phận không nhỏ. Bên cạnh đó, nền kinh tế liên tục đối diện với những dấu hiệu bất ổn định, lạm phát thường trực cao hơn so với đa số các quốc gia khác trên thế giới, trong khi nguồn tiền mà Nhà nước bơm ra chưa phát huy được hiệu quả, khiến các doanh nghiệp chậm phục hồi sản xuất hơn so với các nước trong khu vực gần tương đồng về trình độ phát triển – từ chỗ tăng trưởng nhanh hơn Philippines và Indonesia, đến nay Việt Nam đã trở thành nước tăng trưởng chậm hơn1. Các dấu hiệu bất ổn kể trên không xuất hiện trong nhất thời mà kéo dài trong những năm gần đây, ảnh hưởng không nhỏ tới lòng tin của người dân cũng như toàn bộ nền kinh tế đối với các chính sách và công tác quản lý của Nhà nước. Bằng chứng rõ nhất gần đây là khi giá vàng quốc tế đã đi xuống phản ánh tâm lý các nhà đầu tư trên toàn cầu đã bắt đầu tin vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới, thì người dân trong nước vẫn tiếp tục thu gom vàng, thể hiện việc không tin tưởng vào sự khôi phục của nền kinh tế nội địa, giá trị của VND, cũng như chính sách quản lý vĩ mô của Nhà nước.

Nhưng điều đáng lo ngại là chúng ta chưa có một cơ chế điều chỉnh, sửa sai một cách hiệu quả. Điển hình là việc Chính phủ đề ra gói giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng việc triển khai thực hiện dường như là một quá trình tự biên tự diễn chậm chạp và thụ động, trong khi sự giám sát và tiếng nói tác động từ phía Quốc hội và dân chúng là rất hạn chế. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng đó là do chính chúng ta, khi đặt ra mệnh đề phát triển theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã nghiễm nhiên mặc định Nhà nước phải có trong tay thật nhiều quyền lực, nhưng chưa hề giải quyết cho thỏa đáng vấn đề: quyền lực ấy được đặt dưới sự giám sát và chế tài như thế nào?

Trong khi vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản, thì đương nhiên sẽ tiếp diễn những hiện tượng quyền lực của Nhà nước bị một bộ phận các cá nhân và nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng. Thậm chí, tình trạng đó có thể gia tăng cùng với xu hướng mở rộng quyền lực của Nhà nước – một Nhà nước thiếu sự giám sát hiệu quả thường luôn có xu hướng này. Điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ xã hội đi chệch khỏi mục tiêu công bằng và bình đẳng mà chúng ta luôn hướng tới.
       

1 http://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG

Tác giả