Tiền số của Facebook: Lo hơn là mừng

Ngày 18/6, Facebook thông báo rằng năm 2020 sẽ ra mắt “Libra”, một đồng tiền số mới. Tuyên bố này khiến cho giới tài chính toàn cầu quan tâm đặc biệt vì Facebook có khả năng quảng bá Libra tới 2,7 tỉ người dùng mạng xã hội này trên toàn thế giới (mặc dù các chuyên gia tin rằng con số 2,7 tỉ này là phóng đại bởi nó bao gồm cả một lượng lớn các tài khoản giả mạo). Để tiện so sánh, con số này gấp 8 lần số người dùng đồng USD làm tiền tệ chính.

Đặc điểm cơ bản của “Libra”

Ngày 18/6, Facebook thông báo rằng năm 2020 sẽ ra mắt “Libra”, một đồng tiền số mới. Tuyên bố này khiến cho giới tài chính toàn cầu quan tâm đặc biệt vì Facebook có khả năng quảng bá Libra tới 2,7 tỉ người dùng mạng xã hội này trên toàn thế giới (mặc dù các chuyên gia tin rằng con số 2,7 tỉ này là phóng đại bởi nó bao gồm cả một lượng lớn các tài khoản giả mạo). Để tiện so sánh, con số này gấp 8 lần số người dùng đồng USD làm tiền tệ chính. 

Mặc dù thông cáo về Libra dùng những từ như “tiền mã hóa” hay “blockchain”, thực tế, dự án của Facebook hầu như không giống với Bitcoin, Ethereum và những loại tiền mã hóa dựa trên blockchain. Đầu tiên, nó không thực sự phi tập trung. Hệ thống này sẽ được vận hành bởi Hiệp hội Libra, một tổ chức phi lợi nhuận, làm việc cho một nhóm những công ty lớn thân hữu với Facebook. Hiện tại, Facebook có 27 đối tác nhưng họ hi vọng con số này sẽ tăng lên 100 trước khi đồng Libra ra mắt. Nhóm công ty này sẽ vận hành tất cả các node (thiết bị trong mạng lưới block chain để duy trì dữ liệu giao dịch của đồng tiền) có nhiệm vụ xác thực các giao dịch. Nó không phải là một hệ thống ngang hàng (peer-to-peer) đích thực. 
Thứ hai, Libra kiểm soát tỉ giá chuyển đổi. Giá trị của đồng tiền này về cơ bản là trung bình cộng có trọng số của các đồng tiền pháp định chính trên toàn cầu (USD, euro, yen,…), và bởi vậy Libra bản thân nó cũng là một đồng tiền pháp định, không phải là một đồng tiền mã hóa thực sự. 
Thứ ba, các đơn vị cấp ví cho người dùng – ví dụ như Calibra, một công ty con của Facebook – sẽ có dữ liệu danh tính thực của tất cả người dùng, bởi vậy sẽ không hề có sự nặc danh – điều có thể được bảo đảm khi giao dịch bằng Bitcoin hoặc tiền mặt. 
Facebook có lý do để sử dụng một công nghệ truyền thống thay vì công nghệ blockchain ngang hàng như Bitcoin. Trong các hệ thống ngang hàng, tính hợp lệ của các giao dịch được xác thực bởi một số lượng lớn người dùng và khá chậm: Bitcoin chỉ có thể xử lý 7 giao dịch mỗi giây, với Ethereum là 15, trong khi Libra được thiết kế để xử lý tới 1000 giao dịch mỗi giây. Một lợi thế khác của Libra là các giao dịch được công nhận rất nhanh, trong khi với Bitcoin, người bán hàng phải chờ khoảng một giờ để chắc chắn giao dịch thanh toán là hợp lệ (vì khả năng xảy ra sự kiện “phân nhánh mềm” nếu các nodes tại các địa điểm khác nhau trên thế giới nhận được các bản tin khác nhau). 
Bên cạnh đó, tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum từ trước đến nay rất biến động: tỉ giá chuyển đổi sang USD nhảy lên xuống thất thường. Do vậy chúng chủ yếu hấp dẫn với những kẻ đầu cơ chứ không phải là với những người bán hàng, những người muốn được thanh toán bằng một loại tiền tệ ổn định. Ngược lại, Facebook hi vọng Libra sẽ trở thành một phương thức thanh toán tiêu chuẩn và không thu hút những kẻ đầu cơ.
Hơn nữa, vì tiền mã hóa có sự ẩn danh ở mức cao (mặc dù không phải là ẩn danh hoàn toàn), nên chúng bị lạm dụng bởi tội phạm. Ví dụ, trong cuộc tấn công ransomware, hacker khóa các dữ liệu của bệnh viện, chính quyền thành phố hay các tổ chức khác, và thông báo rằng họ phải chuộc lại những dữ liệu này bằng cách trả một khoản tiền Bitcoin lớn tới tài khoản nặc danh của hacker. Tội phạm sử dụng Libra sẽ khó hơn rất nhiều, vì Hiệp hội Libra sẽ xác thực danh tính thật của tất cả người dùng. Facebook đã nói rõ rằng họ sẽ tương thích với tất cả các quy định về “truy xuất khách hàng” (KYC) của quốc tế và tất cả các quốc gia, được đặt ra nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trốn thuế, khiêu dâm trẻ em và các loại tội phạm khác. 

Thiết kế của Libra giống với những hệ thống thanh toán trực tuyến truyền thống như PayPal hơn là với Bitcoin.
Thiết kế của Libra giống với những hệ thống thanh toán trực tuyến truyền thống như PayPal hơn là với Bitcoin. Chẳng có lí do gì để Facebook đưa Libra lên blockchain, vì một hệ thống tập trung, điều hành bởi một tổ chức nắm giữ dữ liệu của tất cả các giao dịch và danh tính thực của người giao dịch thì không cần cơ chế đồng thuận nào cả. Có vẻ như việc Facebook nhắc đến những thuật ngữ mật mã học như “blockchain”, “tiền mã hóa” và “hợp đồng Byzantine” chỉ là xu hướng các công ty Mỹ gần đây muốn sản phẩm của mình có vẻ đổi mới sáng tạo hơn bản chất thực sự. 
Những khác biệt quan trọng nhất giữa Libra và PayPal là (1) PayPal có trụ sở ở Mỹ và sử dụng đồng USD, trong khi đó Libra sẽ đặt trụ sở ở Thụy Sĩ và sử dụng một loại tiền tệ mới có giá trị bằng trung bình của các loại tiền pháp định của nhiều quốc gia và khu vực; và (2) Phí giao dịch sẽ thấp hơn rất nhiều. Thực tế, Facebook giải thích rằng lí do thu phí duy nhất chỉ là để ngăn chặn những vụ tấn công từ chối dịch vụ sẽ làm tê liệt hệ thống và khiến người dùng khó chịu. Nghĩa là, sẽ ít có khả năng hacker tạo 10 triệu giao dịch giả mạo nếu mỗi giao dịch phải trả 0,1 USD. 
Lợi ích tài chính cho nhóm các công ty tham gia cùng Facebook sẽ không đến từ các phí này. Thay vào đó, họ sẽ thu lợi theo cách sau: Người dùng sẽ mua các đồng Libra từ các đại lý được cấp phép của Hiệp hội Libra – nơi sẽ giữ tiền của người mua cho đến khi các đồng Libra được tiêu, thời điểm mà người nhận thanh toán có thể đổi sang tiền tiêu chuẩn. Nếu lượng người dùng Libra chiếm tỉ trọng lớn trong khoảng gần hai tỉ người dùng Facebook, thì bất kì lúc nào cũng sẽ có một lượng lớn tiền được lưu hành và bởi vậy Hiệp hội Libra sẽ nắm giữ một khối lượng tiền mặt khổng lồ. Số tiền này sẽ sinh ra lợi nhuận và cổ tức, được dùng cho nhiều mục đích như nghiên cứu, tài trợ, điều hành hệ thống và đem lại lợi ích tài chính cho nhóm công ty. 
Doanh thu từ tiền chuyển đổi không phải là lợi ích duy nhất đối với những công ty này. Họ có nhiều cách tận dụng hệ thống để mở rộng tập khách hàng, cụ thể là, vươn tới những vùng mà rất nhiều khách hàng tiềm năng ở đó không có USD, euro, yen, thẻ tín dụng hoặc thậm chí là thẻ ngân hàng. Họ cũng có thể đưa ra những ưu đãi đối với những khách hàng có khả năng tiếp cận với những đồng tiền chính trên thế giới dùng tiền Libra, và nhờ đó được Hiệp hội Libra “trao thưởng”. Hơn nữa, nếu người dùng Libra bị mặc định cho phép đưa các thông tin trên Facebook vào dữ liệu của Libra, thì Hiệp hội Libra cũng có thể bán quyền truy cập tới những thông tin này cho các nhà quảng cáo không phải là thành viên của nhóm công ty vận hành Libra, bởi vì người dùng được coi như đã đồng ý (và họ cũng muốn đồng ý vì nếu làm vậy, họ sẽ được nhận các ưu đãi mua hàng, như được khuyến mãi chẳng hạn).
Sức hút của Libra
Libra sẽ giúp cho những người bình thường tham gia vào các hoạt động thương mại toàn cầu dễ dàng hơn rất nhiều. Rất nhiều người, đặc biệt từ các quốc gia đang phát triển, không có tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng có thể sử dụng đồng Libra để mua hàng ở bất kì nơi nào trên thế giới. 
Chi phí giao dịch cực thấp thực sự quan trọng với những người đến từ những nơi kém phát triển. Libra sẽ đặc biệt hữu ích đối với những người nhập cư muốn gửi tiền về cho gia đình ở quê hương. Hiện nay, chi phí để gửi tiền như vậy (thông qua những công ty như Western Union) là 7% số tiền gửi. Libra sẽ giúp cho những lao động nhập cư có thể nuôi gia đình ở nhà mà không bị lợi dụng về tài chính. (Để Facebook làm được điều này không dễ như chúng ta nghĩ vì Hiệp hội Libra sẽ phải yêu cầu phải xác thực danh tính của tất cả người dùng, bất kể họ ở đâu).
Với những người buôn bán, Libra sẽ có rất nhiều ích lợi. Không giống như chi trả qua thẻ tín dụng, Libra không thu bất kì phí nào của họ. Cũng không phải trả tiền “bồi hoàn” (khi một khách hàng từ chối thanh toán vì lí do nào đó, các công ty thẻ tín dụng sẽ trả lại tiền cho họ nhưng người bán hàng phải chịu phạt). Tất cả các giao dịch mua bán sẽ nhanh chóng được chốt và được xác nhận. Và bởi vì nó quá dễ sử dụng, những người bán hàng có thêm khả năng tìm kiếm khách hàng mới. 

Mặt tối của Libra

 
Qua thừa nhận của chính Facebook, họ thiết lập một nhóm các công ty lớn kiếm lợi nhuận từ Libra thay vì tự mình làm điều đó (và có lẽ gọi luôn là Đồng Facebook thay vì Libra) với lí do chính là công chúng không tin Facebook. Việc xâm phạm thô bạo quyền riêng tư và sử dụng thông tin khách hàng sai mục đích trong vụ bê bối Facebook/Cambridge Analytica năm 2018 và lỗi bảo mật gây chấn động khiến thông tin cá nhân của nửa tỉ người dùng Facebook bị tung lên các máy chủ đám mây Amazon năm nay khiến nhiều người nghi ngờ về đạo đức cũng như năng lực của công ty này. 
Dẫu cho Facebook có nỗ lực tách xa khỏi việc điều hành trực tiếp Libra, người ta vẫn phân vân liệu việc chiêu mộ các công ty khác có phải chỉ là hành động che mắt. Trước hết, có bằng chứng gì cho thấy những tập đoàn lớn khác có sự tôn trọng quyền riêng tư khách hàng hơn Facebook, cẩn trọng hơn với an toàn dữ liệu hay ưu tiên các chuẩn mực đạo đức hơn là lợi nhuận? Thứ hai, nguồn người dùng Libra rõ ràng nhất chính là người dùng Facebook, cùng với người dùng Instagram và WhatsApp (là hai công ty Facebook đang sở hữu), và bởi vậy Facebook sẽ có cơ hội tốt nhất để tìm ra cách kiếm lợi nhuận từ Libra. Thứ ba, toàn bộ thiết kế đằng sau Libra được tạo ra bởi Facebook và tất cả phần mềm được viết bởi các kĩ sư Facebook. Rõ ràng là Facebook, mặc dù chỉ có “mỗi một phiếu bầu” (theo lời của người phát ngôn Facebook) trong Hiệp hội Libra, sẽ là công ty có kiểm soát áp đảo trong việc vận hành hệ thống. 

Facebook để Hiệp hội Libra kiếm lợi nhuận từ đồng tiền này vì công chúng không tin Facebook.
Facebook cho rằng họ sẽ bảo vệ quyền riêng tư của người dùng Facebook bằng cách không cho phép Libra truy cập chúng mà không có sự cho phép của người dùng. Tuy nhiên, Facebook và các công ty khác sẽ tự do trong việc cung cấp các ưu đãi để dụ dỗ người dùng cho phép điều đó. Lịch sử internet đã cho thấy rằng hầu hết người dùng không hiểu đầy đủ những nguy cơ khi từ bỏ quyền riêng tư.    
Ví dụ, một sinh viên từ bỏ quyền riêng tư để đổi lại một khuyến mại khi mua bằng đồng Libra. Anh này tin rằng dữ liệu của mình sẽ được dùng chủ yếu cho quảng cáo nhắm đích và anh không phản đối điều đó. Tuy nhiên, vài năm sau, dữ liệu này được bán cho một công ty thu thập thông tin các ứng cử viên tiềm năng cho những công việc ở các tập đoàn lớn. Họ đánh giá những giao dịch và bài viết của anh này trên Facebook và kết luận rằng anh đã tham gia vào những chiến dịch tuyên truyền và ủng hộ những khiếu nại của người mua hàng và những bất công đối với người lao động. Nói cách khác, anh này có khả năng cao sẽ phản ứng và tố cáo khi công ty thực thi những chính sách đáng ngờ với khách hàng và với công nhân. Kết quả là, anh ta sẽ không được các tập đoàn lớn tuyển dụng. 
Một quan ngại nền tảng hơn là Facebook đơn giản sẽ trở nên quá quyền lực. Về cơ bản, Facebook là một công ty độc quyền có khả năng hoặc là mua lại các đối thủ hoặc ép họ bật ra khỏi thị trường. Ngày 9/5 năm nay, Chris Hughes, đồng sáng lập Facebook viết một bài báo dài trên Thời báo New York với tiêu đề “Đã đến lúc chia nhỏ Facebook.” Sau thông báo về Libra vào ngày 18/6, các quan chức phụ trách tài chính ở nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu, bày tỏ lo ngại rằng Facebook đang tìm cách chiếm quyền của chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi giám đốc bảy ngân hàng Trung ương chuẩn bị một báo cáo về dự án tiền số của Facebook cho cuộc họp vào tháng 7, và Giám đốc Ngân hàng Anh Mark Carney nói rằng nó “sẽ phải tuân thủ những tiêu chuẩn luật pháp cao nhất.”
Rất nhiều người lầm tưởng rằng các cơ quan chính phủ là những bên dễ xâm phạm quyền công dân nhất. Nhưng ở nhiều quốc gia, cả Việt Nam và Mỹ – bên xâm phạm tồi tệ nhất là khu vực tư nhân. Ví dụ, ở Việt Nam, trường hợp ngược đãi phụ nữ – phân biệt đối xử và quấy rối tình dục – ở các công ty tư nhân nhiều hơn khối nhà nước. Ở Mỹ, đất nươc có tỉ lệ tù nhân cao nhất thế giới (dân số chỉ 4,4% nhưng chiếm tới 22% tù nhân toàn cầu), những điều kiện phi nhân đạo đối với tù nhân thường diễn ra trong những nhà giam điều hành bởi các công ty tư nhân hợp đồng với nhà nước (việc “tư nhân hóa” nhà giam đã diễn ra suốt 30 năm nay). 
Facebook vốn đã quyền lực – về sự giàu có, độ ảnh hưởng và số lượng “công dân” – hơn hầu hết các quốc gia. Tiền tệ mà nó tạo ra sẽ cho nó ảnh hưởng lớn hơn nữa lên đời sống của chúng ta. Một con người, Mark Zuckerberg, không phải tuân phục một quy trình chính trị nào, có tất cả quyền lực ra quyết định cuối cùng ở Facebook. Anh ta không thể bị phủ quyết hay thay thế. Những nhà phê bình Facebook lo ngại rằng việc tập trung sự giàu có và quyền lực quá mức như vậy sẽ dẫn đến một chuỗi những lạm dụng không ngừng. □
Hảo Linh dịch

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)