“Tiếng thét” bị nhạt màu, vì sao?
Thế giới nghệ thuật đang “nhờ cậy” đến các phân tích khoa học để làm sáng tỏ vấn đề: một số bức họa nổi tiếng đã thay đổi màu sắc theo thời gian như thế nào.
Một phiên bản vẽ năm 1910 của “The Scream” (Edvard Munch) đã được kiểm tra trên kính hiển vi để xem màu sắc bị phai nhạt như thế nào.
Không chỉ chuyện riêng của một bức họa
Phiên bản năm 1910 của bức “Tiếng thét” (The Scream) của Edvard Munch đã được đưa vào kính hiển vi để kiểm tra việc các màu vẽ của nó đã bị nhạt đi như thế nào, qua đó đem lại những bài học bảo tồn các bức vẽ cùng thời kỳ khác.
Ai cũng thấy rằng “Tiếng thét” đang nhạt dần. Và những mẫu bé tẹo của màu vẽ từ hình ảnh của nỗi sợ hãi nổi tiếng trong phiên bản năm 1910 của Edvard Munch đã được đưa vào tia X, chùm tia laser, và thậm chí cả kính hiển vi điện tử đầy chuẩn xác, khi các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật tiên tiến để cố gắng định hình nguyên nhân tại sao có những phần của tấm toan mang màu vàng cam sáng giờ lại chuyển sang trắng ngà.
Kể từ năm 2012, các nhà khoa học ở New York và chuyên gia tại Bảo tàng Munch ở Oslo đã cùng nhau nghiên cứu bức tranh này – một tác phẩm có số phận khá li kỳ khi bị đánh cắp vào năm 2004 và hai năm sau trở lại bảo tàng, để kể một câu chuyện về màu sắc. Nhưng không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu cũng đem đến một cái nhìn thấu suốt vào Munch và cách ông vẽ, đặt ra một bản đồ cho những nhà bảo tồn tranh để ngăn không cho màu vẽ thay đổi nữa, qua đó giúp cho người xem và nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật hiểu được một trong những bức tranh nổi tiếng bậc thế giới ban đầu như thế nào.
Thế giới nghệ thuật giờ đang được chuyển vào các phòng thí nghiệm để người ta có thể hiểu được các bức vẽ từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trước đây, các nhà khoa học đã từng nghiên cứu thế giới màu sắc của Vincent van Gogh và nhận thấy, các màu ông thường sử dụng như màu vàng crom là chì (II) cromat, một số đã chuyển sang màu nâu và màu tía, một số chuyển sang màu xanh lục. Tuy nhiên ít được biết đến hơn là màu sắc của Munch, vì thế các nhà khoa học với các công nghệ mới và các công cụ như kính hiển vi điện tử đang thiết lập một nền tảng mới.
Các nhà bảo tồn và các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Munch đã liên lạc với TS. Mass, người từng làm việc như một chuyên gia về mỹ thuật khi còn làm postdoc tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan vào năm 1995 và là chuyên gia về màu vàng cadmium khi nghiên cứu về các tác phẩm của họa sĩ Matisse. Nhờ vậy, các vật liệu mà Munch đã sử dụng trong bức vẽ được phân tích một cách đầy đủ hơn và công việc nghiên cứu dự kiến kết thúc vào mùa xuân này.
TS. Mass và nhóm nghiên cứu làm việc với các bảo tàng, các khách hàng riêng, các nhà đấu giá, các phiên chợ nghệ thuật và cả các nghệ sĩ về các loại tác phẩm nghệ thuật, từ điêu khắc ngoài trời quy mô lớn trong Hamptons đến tượng điêu khắc La Mã cổ đại. Họ là một phần của một thị trường ngách trong thế giới nghệ thuật – các phòng thí nghiệm nhỏ hoạt động bên ngoài các tổ chức lớn – và thi thoảng việc hợp tác giữa hai bên lại thắt chặt hơn khi có yêu cầu giám định tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ được biết đến nhiều nhất là Phòng thí nghiệm Phân tích Orion của James Martin, sau được Sotheby’s mua lại và trở thành phòng thí nghiệm trực thuộc một nhà đấu giá lớn.
Các nhà sưu tập hoặc người mua tiềm năng quan tâm đến những vấn đề như tác phẩm họ định mua có phải bản gốc không. “Đó thực sự là một bùng nổ trong lĩnh vực này”, Nicholas Eastaugh, người thành lập và phụ trách khoa học tại Art Analysis & Research, nói. “Có nhiều người đến với những cách tiếp cận, ý tưởng và cách nhìn mới”.
Nghệ thuật nhờ cậy khoa học
Dù vì để bảo tồn hay xác định sự nguyên bản của tác phẩm thì tác phẩm thường tiết lộ những thứ về chủ đề nghệ thuật mà mắt thường không thể thấy – một bức họa thực sự được vẽ năm nào, liệu nó có chứa những nét vẽ bên dưới bề mặt không, hoặc những yếu tố gì trong môi trường có thể là nguyên nhân làm giảm giá trị? Câu hỏi cuối cùng này đặc biệt quan trọng với các họa sĩ hoạt động cùng thời kỳ với Munch, khi việc nghiên cứu mới chỉ bắt đầu chiếu rọi đến thời kỳ này.
“Hiện có xu hướng quan tâm đến những cái tên nổi danh hơn bởi những nguyên nhân rõ ràng”, TS. Eastaugh nói. “Nhưng thông thường có những vấn đề sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nghệ sĩ cùng thời kỳ nếu họ cùng sử dụng các chất liệu đó”. Ông nói nhiều nghiên cứu sẽ giúp sáng tỏ “nhiều mẫu hình chung hơn” trong cơ chế làm nhạt màu sắc.
Màu sắc của cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đang nhạt đi một cách nhanh chóng bởi sự thay đổi diễn ra trong quá trình vẽ. Màu vẽ được làm thủ công bằng nghiền các chất khoáng tách chiết từ đất hoặc băng việc sử dụng màu từ cây cỏ và côn trùng. Cuộc cách mạng công nghiệp đã mang đến việc tạo ra các màu tổng hợp như cadmium hoặc vàng crom, vốn được các họa sĩ trộn với dầu hoặc phụ gia. Các họa sĩ bắt đầu thử nghiệm với các màu tổng hợp đó, thi thoảng được chuẩn bị và bỏ qua bước thử nghiệm cho những mục tiêu dài hạn nhưng lại có màu sắc rất sáng – có khả năng dẫn đến những màu vẽ sáng chói của trường phái Dã thú, hậu ấn tượng và Hiện đại.
Tại khoảnh khắc đó, nhiều họa sĩ đang từ bỏ các kỹ thuật vẽ truyền thống, Lena Stringari, phó giám đốc và nhà bảo tồn chính của Bảo tàng và Quỹ Solomon R. Guggenheim, người nghiên cứu về sự thay đổi màu sắc và màu vẽ của các tác phẩm của van Gogh. “Nhiều họa sĩ đã vẽ ngoài trời và họ đã thử rất nhiều loại sơn khác nhau và các lý thuyết pha màu khác nhau”, bà nhận xét. “Đó là một sự bùng nổ màu sắc mà không cần đến sự tham gia của giới hàn lâm. Điều đó khiến cho các màu vẽ mới trở nên phổ biến”, TS. Mass nói, nhưng các họa sĩ cũng không ngờ tới. “Chúng tôi không thể nói, ‘ồ đây là một cái cây’ bởi vì trong trường hợp Matisse hay Munch, không nhất thiết bức vẽ phản ánh sự thật, vì vậy chúng tôi cần đến khoa học”.
Việc làm sống lại những màu sắc ban đầu là không thể nhưng khoa học có thể đưa chúng ta tới gần hơn điều đó. Koen Janssens, một giáo sư khoa Hóa tại trường Đại học Antwerp đang nghiên cứu về bảng màu của van Gogh, Matisse và một số họa sĩ khác, nói “Ý tưởng của chúng tôi là cố gắng đảo ngược thời gian bằng cách số hóa”. Các nhà bảo tồn không thể áp dụng những màu vẽ mới nhưng việc tái cấu trúc số hóa có thể giúp họ hình dung ra được bức họa trước đây, khi nó mới được vẽ. TS. Mass dự đoán một bước chuyển về thực tế số tăng cường trong tái cấu trúc màu vẽ và bức họa khiến người ta có thể chỉ cần cầm điện thoại thông minh lên trước một bức vẽ và thấy những màu sắc cũ xếp lớp trên tấm toan.
Để làm được như vậy, cần có sự kết hợp giữa vật lý, hóa hữu cơ với thế giới nghệ thuật và đạt được điều này không dễ dàng, theo quan điểm của Kilian Anheuser, người phụ trách phần khoa học ở Geneva Fine Art Analysis. “Cho đến gần đây, các chuyên gia lịch sử nghệ thuật vẫn còn nắm vai trò thống trị. Sau đó đã có một số vụ bê bối về tranh giả, và mọi chuyện chỉ được phơi bày ra ánh sáng khi khoa học nhập cuộc, và bây giờ thì mọi người mới quan tâm một chút”.
Ronald Varney, một chuyên gia nghệ thuật độc lập, nói “Có lẽ đây là một chút tiếng nói của khoa học trên thị trường nghệ thuật. Đây vẫn là một công việc phụ thuộc rất lớn vào chuyên môn của các cá nhân hơn”.
Việc nghiên cứu đã làm thay đổi cách lịch sử nghệ thuật nhìn vào các tác phẩm của van Gogh. Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam và Metropolitan Museum đã thiết lập nhiều cuộc triển lãm về màu sắc ngày một phai nhạt của các bức tranh. Teio Meedendorp, một sử học nghệ thuật và nhà nghiên cứu chính tại Bảo tàng van Gogh cho rằng “đó là những gì chúng tôi đang nhận thấy trong 10 năm qua. Nghiên cứu bây giờ tập trung một cách đặc biệt vào các khía cạnh kỹ thuật đã thay đổi cách chúng tôi nghĩ”.
Thật thú vị là van Gogh đã nhận thấy cả những nguy hiểm của những màu mới. “Anh chỉ mới kiểm tra – tất cả những màu sắc thời thượng mà trường phái Ấn tượng tạo ra đều không bền”, van Gogh viết cho em trai Theo, trong năm 1888, “và thời gian sẽ chỉ làm cho chúng phai đi rất nhanh”.
Trong một bức thư khác, ông viết, “các bức họa đều phai nhạt nhanh như những đóa hoa”. □
Tô Vân lược dịch
Nguồn: https://www.nytimes.com/2020/02/07/arts/design/the-scream-edvard-munch-science.html