Tiếp tục triển khai dự án Nhân Cơ, thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều

Trước tiên cần nói rõ, vì dự án Tân Rai đang trong giai đoạn chờ chạy thử để nghiệm thu các thông số bảo hành (Perfomance Test), nên chưa có nhà khoa học nào “dám” đề xuất dừng dự án Tân Rai (Tân Rai đã có tổng mức đầu tư lên tới 15.118 tỷ VND, đã ra sản phẩm). Nhưng đối với dự án Nhân Cơ, căn cứ vào các số liệu do TKV công bố tại cuộc hội thảo ngày 9/5 vừa qua, thì “mọi con đường (số liệu) đều dẫn đến thành Rome (dừng dự án)”.

Cụ thể như sau (xin nhắc lại là căn cứ vào số liệu của TKV):

1/ TKV tuyên bố đã triển khai 72/73 hạng mục. Mặc dù, đây chỉ là những hạng mục trong hàng rào nhà máy, nhưng khối lượng hoàn thành mới chỉ đạt 51%. Trong khi đó, những hạng quan trọng khác thuộc hạ tầng của nhà máy đã được Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh thì đến nay vẫn chưa được triển khai, đó là các hạng mục về GTVT và cấp nước.

Về GTVT, những hạng mục có liên quan đến Nhân Cơ gồm: xây dựng mới 40km đường để nối QL14 với QL 28 từ Nhân Cơ đến Quảng Sơn; nâng cấp khoảng 20 km đường công vụ của thủy điện Đồng Nai 4 về Bảo Lâm; và làm đường tránh phía tây thị xã Bảo Lộc. Tổng mức đầu tư phải tăng thêm khoảng 100 triệu U$.

Về cấp nước, với công nghệ tiêu hao nhiều nước (giống như Tân Rai), để cấp đủ nước cho dự án Nhân Cơ, chủ đầu tư cần nâng cao đập nước của 2 hồ Nhân Cơ và cả hồ Cầu Tư (2 hồ này có dung tích chứa tổng cộng khoảng 2 triệu m3 nước đang còn thiếu cho cây công nghiệp, đòi hỏi phải nâng cao đập để nâng thêm dung tích chứa để dùng cho alumina). Việc nâng cấp cả 2 hồ này là bắt buộc (giống như dự án Tân Rai dùng nước của hồ Cai Bảng).

2/ Từ tháng 2/2010 đến 3/2013, sau 25 tháng, tổng mức đầu tư (trước thuế VAT) của dự án Nhân Cơ đã tăng thêm 3.523 tỷ đồng (sau thuế VAT là 4.394 tỷ đ). Như vậy tổng mức đầu tư đã tăng lên với tốc độ bình quân 1,3%/tháng, tương đương với 141 tỷ đ/tháng. Dự án Tân Rai trước đây cũng có tăng nhưng tốc độ thấp hơn. Trong khi đó, TKV đã công bố “… do nhiều nguyên nhân, dự án dự kiến chậm khoảng 1,5 năm”.

Như vậy, nếu TKV tiếp tục triển khai, và không thay đổi cách tổ chức quản lý dự án Nhân Cơ thì tổng mức đầu tư sẽ còn tiếp tục tăng thêm (do chưa triển khai các hạng mục hạ tầng và do quản lý dự án kém) ít nhất 5.000 tỷ đồng nữa.

3/ Về hiệu quả kinh tế: Cũng theo số liệu của TKV, mặc dù đã có “kinh nghiệm” của dự án Tân Rai, các kết quả phân tích của dự án Nhân Cơ xấu hơn nhiều so với của Tân Rai. Cụ thể, so với Tân Rai: Chi phí xây dựng tăng 1,35 lần, chi phí quản lý dự án tăng 1,66 lần; chi phí dự phòng tăng 1,56 lần; tổng giá trị lỗ tăng 2,4 lần; số năm lỗ là 7 năm, tăng hơn 1,4 lần; tổng giá trị lỗ tăng 2,4 lần v.v.

Ngoài ra,

a/ TKV còn chưa tính hết chi phí: Cũng theo số liệu của TKV, mặc dù cung độ vận chuyển cấp than và xút cho Nhân Cơ dài hơn so với Tân Rai (khoảng 100-120km nữa), nhưng “đơn giá cho 1 tấn nguyên liệu đầu vào” cho Nhân Cơ cũng bằng cho Tân Rai và chi phí vận chuyển tiêu thụ alumina (đầu ra) của Nhân Cơ (chỉ có 528.500 đ/t) chỉ cao hơn của Tân Rai (478.500 đ/t) có 50.000 đ/tấn. Nếu tính đúng và tính đủ, các chỉ tiêu kinh tế của dự án Nhân Cơ còn xấu hơn nhiều so với Tân Rai.

b/ TKV chưa tính đúng doanh thu: Theo tính toán của TKV, “số năm lỗ kế hoạch” là 7,00 năm, “tổng giá trị lỗ” là 2.479 tỷ đồng, và “thời gian thu hồi vốn (kể từ sau khi đi vào hoạt động)” là 12,99 năm.

Như vậy, theo giải trình của TKV, trong vòng 5,99 năm, để “thu hồi vốn”, dự án Nhân Cơ phải có lãi ít nhất (trước thuế TNDN) để “thu hồi” 14.889 tỷ vốn đầu tư (trước VAT và đã trừ giá trị thu hồi) + 2.479 tỷ “tổng giá trị lỗ” = 17.368 tỷ đồng. Tức, bình quân 1 năm lãi trước thuế của Nhân Cơ phải là 3.449 tỷ đ/năm. Trong khi, tại hội thảo, TKV chỉ “vẽ” ra được “lợi nhuận trước thuế” của Nhân Cơ bình quân có 1.033 tỷ/năm, còn “thiếu” -2.416 tỷ/năm để hoàn được vốn trong vòng 12,99 năm.

Tóm lại, báo cáo tại Hội thảo 9/5 của TKV cho thấy rõ:

(i) So với dự tính trước đây của TKV, kết quả phân tích hiệu quả kinh tế của cả 2 dự án đã xấu đi rất nhiều. Trong đó, dự án Nhân Cơ xấu hơn so với Tân Rai;

(ii) So với báo cáo của Bộ Công Thương tại kỳ họp thứ 5 của Quốc Hội khóa XII, rủi ro không thu hồi được vốn đã tăng lên: chỉ tiêu IRR của dự án Tân Rai giảm từ 11,4%/năm xuống còn 8,21%, và dự án Nhân Cơ giảm từ 10,6%/năm xuống còn 7,62%/năm;

(iii) Càng sớm dừng dự án Nhân Cơ, càng giảm được tổn thất.

(iv) Số liệu của cả 2 dự án còn nhiều mâu thuẫn, cần được kiểm toán sớm để có căn cứ xác định chính xác hiệu quả kinh tế hay mức độ thiệt hại.

Tác giả