Tìm công chúng khoa học ở… quán bia

Bia liệu có giúp nâng cao nhận thức của con người về sinh học phân tử? Chưa ai khẳng định được điều này nhưng các nhà khoa học Đức đang thực hiện một cuộc thử nghiệm trò chuyện về khoa học trong nhiều quán bia tại Hamburg.

Giáo sư vật lý thiên văn Marcus Bruggen ở ĐH Hamburg, một trong những nhà khoa học tham gia festival truyền bá kiến thức về khoa học

Nếu diễn ra ở phòng họp thì cuộc thảo luận về sinh học phân tử không khi nào bị ngắt quãng bởi câu hỏi “Có ai uống thêm bia nữa không?” nhưng đây lại là một phần của các cuộc nói chuyện khoa học trong khuôn khổ Festival Khoa học tại Hamburg. Ở lần thứ hai tổ chức, các nhà vật lý, sinh học và hóa học đã tắt máy tính, rời khỏi phòng thí nghiệm của mình, tới các quán bia để trò chuyện về vật lý, sinh học hoặc thiên văn với những người có mặt ở đó.

Heisenberg Bar là một trong số 46 điểm của FestivalKhoa học năm nay có tên Wissen vom Fass [tạm dịch: Kiến thức từ thùng bia] . Không nơi nào tốt hơn nơi này để giáo sư Bernhard Schmidt, nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia Synchrotron (DESY) nói về cỗ máy gia tốc hạt lớn 9Large Hadron Collider) và các hạt cơ bản.

Quán bar đông chật người uống bia và thi thoảng lại đặt ra câu hỏi. Giáo sư Bernhard Schmidt có sức hút như một thỏi nam châm khi mang đến nơi này những mô hình electron tự làm và say sưa nói về chúng. Thi thoảng miếng đế lót vại bia được dùng để minh họa về tốc độ vô địch của ánh sáng .

Cách diễn đạt dễ hiểu này khiến cho khoa học trở nên gần gũi hơn. Khẩu hiệu của festival là “Giải hạn cơn khát hiểu biết”, giáo sư Schmidt cho biết, “Tôi luôn ngạc nhiên về những câu hỏi đầy hiểu biết của cử tọa. Cuộc trò chuyện khoa học này đã góp phần tháo gỡ rào cản giữa khoa học hàn lâm và những người dân bình thường. Chúng ta cần mang khoa học ra khỏi các trường, viện, các phòng thí nghiệm tới những nơi như thế này”.

46 cuộc trò chuyện khoa học có các chủ đề về lỗ đen, khoa học của sự ngẫu nhiên, liệu cây cối có cảm giác, vụ nổ big bang ở mức độ nào…, ví dụ một chủ đề trong số đó là “Một cơ hội cho cây họ đậu” đã giải thích liệu các loại đậu phổ biến có hỗ trợ được con người chống lại ung thư hay không. Thật ngạc nhiên, phổ biến nhất và được nhiều người chú ý nhất lại là chủ đề về máy gia tốc hạt. Bar Heisenberg, nơi tổ chức các cuộc nói chuyện khoa học về máy gia tốc hạt, dẫn đầu các điểm với các câu hỏi và trả lời hết sức sống động. Tất nhiên cũng phải thừa nhận là câu hỏi cũng ít dần khi vào cuối ngày, đêm xuống.

Là một trong số những người hào hứng với chủ đề máy gia tốc hạt nhất, Carsten Koschmieder cho biết: “Tôi  vẫn thường có thói quen đến một quán gần nhà tên là Big Bang. Đêm nay ở đó có cuộc nói chuyện về loài ốc sên Madagasca, tôi không thích lắm. Tôi thích chủ đề ở đây hơn vì đây là lĩnh vực tôi đang quan tâm”.

Chủ quán bar, Andreas Deichert, đã đăng ký quán của mình tham gia vào mạng lưới các địa điểm tổ chức trong suốt các năm diễn ra Festival. “Ở Đức, giáo dục về khoa học mới chỉ phát huy tác dụng ở mức độ rất nhỏ. Khoa học chưa đến với tất cả mọi người. Do có nhiều người hay đến quán bar, từ người thất nghiệp đến luật sư, nên đây là chốn chia sẻ tốt”.  

Ở kỳ tổ chức trước mới chỉ có 30 quán bar tham gia, năm nay số lượng đông hơn bởi nhiều người muốn tham dự các buổi nói chuyện khoa học như năm ngoái. Ý tưởng đưa khoa học ra bên ngoài khuôn viên viện nghiên cứu để đến với các quán bar xuất phát từ Israel, TS. Thomas (Trung tâm gia tốc electron – DESY) cho biết như vậy. Xuất phát từ ý tưởng này,, DESY đã cùng với ĐH Hamburg tổ chức Festival. “Viện Weizmann cũng thực hiện điều tương tự và giáo sư Jan Louis của ĐH Hamburg cho rằng đây là ý tưởng tuyệt vời. “Tóm” mọi người tại những nơi họ không thể lường trước, chúng ta có thể thổi bùng niềm đam mê khoa học trong họ.”

Nguồn: http://www.dw.com/en/scientists-find-new-audiences-in-hamburgs-pubs/a-36441677

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)