Tìm khách hàng trước khi xong sản phẩm

Zinmed chủ trương xây dựng giải pháp phần mềm và cộng đồng khách hàng trước khi hoàn thiện sản phẩm phần cứng.


Anh Chử Đức Hoàng trong buổi Demo Day của IPP2. Zinmed được IPP2 hỗ trợ 30.000 Euro vào năm 2015.

Một cách đo đường huyết không đau đớn

Để giữ lượng đường huyết ổn định, những người bị mắc bệnh tiểu đường được khuyến cáo là cần mua thiết bị đo đường huyết cá nhân khoảng trên dưới 1 triệu đồng và tốn vài chục nghìn tiền mua que thử đường huyết mỗi ngày khiến chi phí điều trị bệnh tiểu đường không hề nhỏ. Đó còn chưa kể, trên thị trường hiện nay chủ yếu chỉ bán các thiết bị xâm lấn – cả một khó khăn với những người sợ vật nhọn và sợ chích máu.

Thiết bị mà Zinmed đang nghiên cứu và phát triển là thiết bị đo đường huyết không xâm lấn, tức là không cần chích máu, không cần que thử, nhỏ gọn và giá tiền dự kiến bán ra nằm trong khoảng 1-2 triệu. Thiết bị này sử dụng nguyên lý quang phổ Raman, vốn được dùng để phân tích thành phần cấu tạo của một mẫu vật (chẳng hạn như đá quý) nên cũng có thể dùng để phân tích cấu trúc mô cơ thể, trong đó có glucose. Theo đó, khi người dùng đặt đầu ngón tay vào thiết bị, một chùm tia laser đa bước sóng sẽ xuyên qua da, đi vào tương tác với các tế bào và sẽ bị tán xạ ra bước sóng khác. Thu nhận và xử lý các tín hiệu tán xạ này sẽ đánh giá được mức độ tương quan của nồng độ glucose với các tham số vật lý đo đạc được. Ngoài ra, để đo chính xác hơn, Zinmed còn kết hợp đo thêm tham số nhiệt độ chính xác đến 0.010C để hỗ trợ phương pháp Raman và căn chỉnh các ảnh hưởng tín hiệu từ môi trường, điều kiện đo. Anh Chử Đức Hoàng cho biết, “có một nghiên cứu mà chúng tôi từng thử nghiệm thành công cho thấy sự thay đổi của cấu trúc cơ thể có chứa máu, bao gồm glucose phụ thuộc vào sự biến đổi của nhiệt độ”.

Công nghệ ứng dụng nguyên lý quang phổ Raman không quá mới mẻ, có hàng chục patent đã được đăng ký trên toàn thế giới liên quan đến việc sử dụng phương pháp này trong việc đo đường huyết không xâm lấn. Ngoài ra, thiết bị y tế đeo trên người (wearables) nói chung cùng với các thiết bị đo tiểu đường không xâm lấn nói riêng đã trở thành một xu hướng mà nhiều công ty công nghệ lớn và cả các startup đều đang nghiên cứu phát triển. Năm 2012, Google thông báo dự án phát triển thiết bị đo đường huyết dưới dạng kính áp tròng và đầu năm nay có thông tin cho rằng Apple watch đang phát triển ứng dụng theo dõi đường huyết của người bị tiểu đường.

Tuy nhiên, chưa có sản phẩm nào ra đời do công nghệ chưa hoàn thiện, kể cả công nghệ Raman: “Bài toán sử dụng công nghệ Raman vẫn đang dừng lại ở mức độ phòng thí nghiệm, chưa đạt được kỳ vọng của thị trường khi cần cải thiện độ nhạy lên hơn 70%, độ đặc hiệu hơn 90%, và độ ổn định >95%, thậm chí người ta còn chưa xác định một mức giá kì vọng được” – Anh Chử Đức Hoàng chia sẻ. Cách thức ứng dụng công nghệ Raman phức tạp hơn cách đo huyết áp không xâm lấn nhiều lần: lõi của phần cứng là cảm biến ánh sáng và cảm biến nhiệt độ rồi thuật toán của thiết bị sẽ xử lí dữ liệu do cảm biến thu nhận được để đưa ra thông tin về đường huyết sau khoảng 10-15 giây. Zinmed đang phải cải tiến rất nhiều từ cảm biến đến thuật toán vì họ tham vọng thiết bị của mình sẽ dành cho tất cả giai đoạn và đối tượng của bệnh tiểu đường. “Mỗi loại bệnh nhân thì có những đặc thù khác nhau. Ví dụ như yếu tố đầu tiên liên quan đến da chẳng hạn, bệnh nhân type 1 thường là người trẻ có da rất mềm mại, type 2 là những người già 70-80 da nhăn nheo sần sùi, khi đó sai số rất lớn. Bọn tôi đang cố gắng cải thiện, loại bỏ sai số thì bây giờ độ chính xác đang dừng lại ở 70%.” – Zinmed dự định sẽ tung ra sản phẩm vào cuối năm 2017.

Tuy vậy, sản phẩm này lại là bước cuối cùng trong việc hoàn thiện giải pháp hỗ trợ người bị mắc bệnh tiểu đường. Còn bước đầu tiên? Xây dựng mạng lưới khách hàng đã.

Ý định ban đầu của đội ngũ sáng lập Zinmed là xây dựng một mạng xã hội về y tế nhưng sau đó nhận thấy nguồn lực của mình không đủ, họ phân chia ý tưởng này thành các ứng dụng nhỏ cho các loại bệnh khác nhau. Zinmed tập trung vào ứng dụng dành cho bệnh nhân tiểu đường còn phát triển các ứng dụng cho tám loại bệnh liên quan vừa phải vì họ cho rằng các bệnh nhân tiểu đường cần chăm sóc lâu dài (hơn 20 năm). Cộng đồng sử dụng ứng dụng chính là những khách hàng tiềm năng. Ứng dụng di động này được cấp miễn phí cho người dùng để theo dõi và kiểm soát điều trị bệnh tiểu đường theo các chỉ định của bác sĩ.

Ứng dụng này bao gồm sáu nội dung chính: Tin tức về bệnh được cung cấp bởi các chuyên gia, bác sĩ về các trường hợp bệnh cụ thể; Thông tin dinh dưỡng cho phép người dùng chỉ cần đánh tên và lượng của món ăn hoặc nguyên liệu chế biến và trả về kết quả hàm lượng các chất trong đó; Theo dõi vận động của người dùng (đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ và giờ tiêm insulin); Nhắc nhở giờ uống thuốc, giờ tiêm, lịch hẹn với bác sĩ…;Thông tin về địa chỉ, liên lạc của các phòng khám, bác sĩ khu vực lân cận và theo đánh giá của cộng đồng; Thông tin về sản phẩm, dịch vụ chăm sóc điều trị bệnh tiểu đường cùng các khuyến mãi. Trong quá trình làm việc với người dùng, anh Chử Đức Hoàng cho rằng, đây là nội dung mà các bệnh nhân tiểu đường “không có không chịu được” và người nhà của họ cũng quan tâm. Ngoài ra, cứ ba tháng một lần, họ lại lập một chiến dịch trên mạng xã hội kêu gọi người dùng xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ và các chiến dịch nhỏ lẻ khác về việc ăn uống điều độ và khỏe mạnh.

Ban đầu, Zinmed làm việc với các bác sĩ để họ giới thiệu cho bệnh nhân sử dụng ứng dụng (bệnh nhân sẽ tự nhập dữ liệu về quá trình điều trị của mình thay vì bác sĩ nhập tay vào máy tính hoặc ghi chép) để bác sĩ theo dõi và tư vấn tốt hơn. Thông qua mạng lưới bác sĩ, Zinmed đã có 1700 người sử dụng ứng dụng của họ.

Zinmed chủ trương tự đầu tư cho đến khi hoàn thành phần cứng. “Thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đang tự chi trả kinh phí và đầu tư nghiên cứu chứ chưa quan tâm đến các nguồn lực bên ngoài.” – Anh Đức Hoàng cho biết.

Nguồn thu của Zinmed hiện nay đến từ việc chia sẻ doanh thu với các phòng khám và phần trăm doanh số bán hàng online. Thông qua ứng dụng và các chiến dịch của mình, Zinmed hỗ trợ các phòng khám lấy máu và xét nghiệm tại nhà và được hưởng 20% giá trị mỗi đơn hàng như vậy. Bên cạnh đó, nếu ứng dụng của Zimmed giới thiệu mỗi bệnh nhân mới đến một phòng khám, công ty này cũng nhận được 50 – 200 ngàn đồng. Tới nay, họ đã kết nối được 7000 trường hợp. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)