Tìm thấy chất kháng loại nấm độc nguy hiểm nhất với con người

Tránh xa, không được ăn: Loại nấm thoạt trông tưởng như vô hại này là nguyên nhân gây tử vong cho 90 phần trăm các vụ ngộ độc nấm đối với người. Các nhà dược học đã nghiên cứu độc tố trong nấm mũ tử thần này và tìm ra chất có thể cứu mạng người với những điều kiện nhất định.

Loại nấm độc này trông rất giống với các loại nấm ăn phổ biến trong thiên nhiên. Tuy nhiên nấm mũ tử thần được coi là loại nấm độc nhất trên thế giới. Loại nấm này chứa một loại độc tố đặc biệt gây hại cho gan. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Úc hiện đã giải mã cấu trúc phân tử của nó và đã tìm ra một loại thuốc giải độc khả dĩ.

Death cap (Amanita phalloides) đúng là danh bất hư truyền: Nó được cho là nguyên nhân gây ra hơn 90% ca tử vong do ngộ độc nấm trên toàn thế giới. Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR) cũng ước tính nấm mũ tử thần là nguyên nhân của ít nhất 80% các vụ ngộ độc nấm gây tử vong ở Đức. Trên thực tế, nấm mũ tử thần chứa rất nhiều độc tố có tên là amatoxin và đặc biệt ở đây là alpha-amanitin (AMA) là chất nguy hiểm nhất đối với con người.

Những chất độc này có khả năng chịu nhiệt rất cao, vì vậy dù có nấu lâu độc tố của nấm không phân hủy. Các triệu chứng đầu tiên của ngộ độc, như tiêu chảy hoặc nôn mửa, thường chỉ xuất hiện sau vài giờ và do đó đã quá muộn để tống khứ nấm ra khỏi dạ dày, đặc biệt là thoạt đầu nạn nhân cảm thấy hoàn toàn bình thường. Người ta nói về một sự hồi tỉnh vờ: Trong thời gian này, độc tố của nấm làm tổn thương gan, gây rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa và cuối cùng là suy gan hoặc suy thận. Một chiếc mũ tử thần nặng 50 gam chứa trung bình 10 miligam amatoxin, thậm chí ăn một chút cũng có thể gây chết người.

Mặc dù có tác dụng nguy hiểm chết người nhưng vẫn chưa rõ phân tử nào làm cho alpha-amanitin trở nên độc hại như vậy và cho tới nay cũng không có thuốc giải độc đặc hiệu. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Úc dẫn đầu bởi nhà sinh học phân tử Qiao-Ping Wang từ Đại học Sun Yat-Sen đã đi sâu nghiên cứu về hai khía cạnh này.

Theo thông tin của nhóm nghiên cứu này, công bố trên tạp chí Nature Communications, phân tích di truyền cho thấy protein STT3B đóng một vai trò quan trọng đối với độc tính của alpha-amanitin. Ngoài ra, với sự trợ giúp của quá trình sàng lọc chất hữu hiệu các nhà khoa học đã phát hiện indocyanine green (ICG) có thể ức chế STT3B do đó làm giảm độ nguy hại của nó.

Điều này đáng chú ý là chất mầu huỳnh quang đã được sử dụng như một chất chỉ thị trong y học đối với các bệnh về tim, tuần hoàn, gan và mắt. Là một chất tương phản, ICG làm cho các mạch máu ở trong mắt dễ nhìn thấy hơn, hoặc được sử dụng trong các thủ thuật phẫu thuật để nhuộm các cơ quan và mô khối u.

Để xác nhận kết quả sàng lọc, các nhà dược học đã thử nghiệm hiệu quả của indocyanine green một mặt với nuôi cấy tế bào người và các chất hữu cơ trong gan, mặt khác qua các thí nghiệm trên động vật như với chuột. Trên thực tế, thuốc nhuộm có hiệu quả trong việc ngăn chặn tác dụng độc hại của AMA đối với tế bào người và cũng làm tăng cơ hội sống sót của chuột, nhưng chỉ khi được tiêm trong vòng 4 giờ sau khi tiêm độc tố nấm. Sau tám hoặc mười hai giờ, nó không còn tác dụng điều trị.

Các tác giả viết: “Điều này có thể do AMA gây tổn thương không thể phục hồi trong những giờ đầu tiên, tế bào bị ngộ độc mà không thể phục hồi thông qua điều trị bằng ICG. Điều này cho thấy indocyanine green nên được sử dụng càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị.

Tuy nhiên, cho đến khi có một phương pháp điều trị thực sự, cần nghiên cứu chuyên sâu để hiểu chính xác về cơ chế, về ức chế alpha-amanitin của indocyanine green và để đánh giá sự an toàn của nó khi sử dụng ở người. Bất chấp điều này, việc thiết kế nghiên cứu của các nhà khoa học, sự kết hợp giữa sàng lọc Crispr trên toàn bộ gen với sàng lọc thuốc ảo, có thể giúp nhanh chóng tìm ra thuốc giải độc mới cho các chất độc khác có liên quan đến y học ở người.

Xuân Hoài tổng hợp

Nguồn: https://www.welt.de/gesundheit/article245368534/Gruener-Knollenblaetterpilz-Moegliches-Gegenmittel-fuer-toedlichsten-Pilz-der-Welt.html

https://www.spiegel.de/wissenschaft/natur/gruener-knollenblaetterpilz-farbstoff-soll-gegen-toedlichsten-pilz-der-welt-helfen-a-b1860ac7-9153-477f-8397-cf767d2bff4a

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)