Tìm vi nhựa trong bụi phóng xạ khí quyển ở TPHCM

Liệu vi nhựa trong bụi phóng xạ khí quyển ở TPHCM, một đô thị lớn với chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa có gì đặc biệt? Với câu hỏi này, một nhóm các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu về nước khu vực châu Á (CARE-Rescif), ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Tài nguyên và môi trường TPHCM và Viện Hải dương học, ĐH Toulon, Pháp, đã dành một năm để đi tìm câu trả lời.

Kết quả nghiên cứu của họ, “Microplastic in atmospheric fallouts of a developing Southeast Asian megacity under tropical climate”(Vi nhựa trong bụi phóng xạ khí quyển ở một siêu đô thị đang phát triển của Đông Nam Á dưới khí hậu nhiệt đới) được xuất bản trên tạp chí Chemosphere của NXB Elservier 1.

Theo một số nghiên cứu trước thì nồng độ ô nhiễm vi nhựa đã được đo đạc ở sông Sài Gòn cho thấy có tập trung nhiều mức ô nhiễm nhựa, vi nhựa và sợi tổng hợp khác nhau 2. TPHCM lại chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa và khô rõ rệt. Vì vậy, các tác giả đã hướng tới mục tiêu quan sát những biến thiên nhiệt khác nhau của sự phân hủy nhựa trong bụi phóng xạ khí quyển trong điều kiện nhiệt đới và trong sự quản lý thiếu hiệu quả của một siêu đô thị với giả thuyết là sự biến thiên theo mùa có thể ảnh hưởng mạnh đến các dòng tích tụ vi nhựa theo năm. Cụ thể hơn là giám sát các dòng tích tụ vi nhựa trong bụi phóng xạ khí quyển ở TPHCM và thảo luận về ảnh hưởng tiềm năng của các hoạt động con người và hình thái của vi nhựa và đánh giá hiệu quả của khí hậu nhiệt đới gió mùa lên những dòng tích tụ và hình thái của vi nhựa.

Để làm điều đó, họ đã dành một năm để thu các mẫu bụi phóng xạ khí quyển vào mùa mưa và mùa khô tại ba địa điểm khác nhau dựa theo mật độ dân số, mục tiêu sử dụng đất… Theo kết quả xử lý và phân tích, các dòng tích tụ vi nhựa phong phú, dao động từ 71 đến 917 mảnh m−2 d−1 với kích thước các mảnh từ 300 đến 5000 μm. Các dòng chảy tích tụ vi nhựa này ở TPHCM có phạm vi dao động cao hơn những dòng chảy tương tự đã được ước tính ở Paris (Pháp), Đông Hoản, Yên Đài (Trung Quốc) và Hamburg (Đức)…

Bên cạnh đó, không gian và thời gian phân bố của các dòng chảy vi nhựa cũng như các hình thái của nó cho thấy các dòng chảy có mật độ cao thường gồm các mảnh có kích thước trung bình nhỏ nhất và ngược lại, dòng chảy mật độ cao gồm các mảnh có kích thước trung bình dài hơn. Các nhà nghiên cứu giả định là có những yếu tố liên quan như mật độ dân số, không gian và điều kiện thời tiết như mưa và gió chi phối.

Khi so sánh TPHCM với những nơi đã từng được nghiên cứu như Paris, Đông Hoản, Hamburg…, các nhà nghiên cứu thấy đều liên quan đến bối cảnh công nghiệp và mật độ dân số cao. Các quá trình chế biến cũng như các hoạt động dân sinh đã làm phát sinh các mảnh vi nhựa. Do phơi lộ trước ánh nắng mặt trời, nên quá trình phân rã các kết cấu tổng hợp thành vi nhựa… càng được tăng cường. Mặt khác một số hoạt động xử lý chất thải cũng góp phần vào phát thải vi nhựa. Mặt khác, tác động con người như tạo ra các khu vực chứa chất thải, địa điểm xây dựng ở các địa điểm có mật độ dân cư lớn, hoạt động của con người có thể làm cho các mảnh vi nhựa có kích thước nhỏ hơn so với vùng nông thôn.

Vậy chế độ khí hậu có ảnh hưởng như thế nào đến các dòng chảy chứa vi nhựa? Bụi phóng xạ khí quyển vùng đô thị và nông thông hay khu vực có nhiệt độ cao, mưa và gió mùa đều đóng vai trò đáng kể lên nó. Theo mẫu thu thập được, các nhà nghiên cứu nhận thấy, không có sự khác biệt trong các dòng chảy tích tụ vi nhựa theo mùa. Vậy còn ảnh hưởng của chế độ gió lên vi nhựa, đặc biệt là hướng gió, tốc độ gió và các sự kiện bão? Thực tế cho thấy ảnh hưởng của chế độ gió với hai hướng gió thịnh hành không có gì khác biệt trên tất cả các địa điểm. Các tác giả lý giải, có thể tốc độ gió không tương quan với các dòng chảy tích tụ vi nhựa. Do đó, gió nhiệt đới và chế độ mưa cùng cường độ của nó dường như không ảnh hưởng đến vi nhựa trong vùng khí hậu nhiệt đới. Dẫu vậy, họ cũng chỉ ra trong những nghiên cứu họ tham khải đều có bằng chứng tích cự về ảnh hưởng của gió và lượng mưa lên các dòng chảy tích tụ vi nhựa mới chỉ được quan sát kích thước của các mảnh vi nhựa và đặt giả thuyết là việc loại đi ảnh hưởng lên vi nhựa của chế độ gió là do hiện tượng kết tủa và các ảnh hưởng của gió, hiện tượng kết tủa có thể còn phụ thuộc vào kích thước vi nhựa. Trong tất cả các địa điểm nghiên cứu, khi có gió theo hướng đông đông tây thổi, kích thước trung bình của các vi nhựa dạng sợi đều dài hơn so với khi gió mùa theo hướng bắc đông bắc. Đây là lý do khiến các nhà nghiên cứu cho rằng cần có nghiên cứu đi sâu hơn để xem xét sự ảnh hưởng của chế độ gió, lượng mưa lên các dòng chảy tích tụ vi nhựa theo các lớp kích thước khác nhau.

Hoàng Anh Vũ

————-

  1. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S004565352100343X#!
  2. http://tiasang.com.vn/tin-tuc/song-sai-gon-luong-vi-nhua-ti-le-thuan-voi-toc-do-do-thi-hoa/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)