TMĐT Việt Nam: Chờ có thêm những đại gia
Trừ nhóm hàng bán lẻ điện máy có những “đại gia” với hệ thống siêu thị thành viên phủ khắp cả nước với chi phí xây dựng tốn hàng ngàn tỉ đồng và doanh thu hàng chục ngàn tỉ đồng, còn trong ngành bán lẻ thương mại điện tử B2C (Business-to-Consumer - Doanh nghiệp với Khách hàng) lại chưa nhiều những mô hình lớn về vốn và độ phủ trên thị trường.
Theo thống kê của trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), hiện số người dùng internet cũng đã xấp xỉ 38 triệu người, chiếm 40% dân số, tỷ lệ truy cập internet đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Indonesia. Đó là những điều kiện giúp thương mại điện tử (TMĐT) phát triển.
Còn có nhiều ý kiến khác nhau về doanh số thực tế của hoạt động TMĐT B2C của Việt Nam. Theo báo cáo của cục TMĐT, doanh thu của TMĐT B2C trong năm 2013 là 2,2 tỉ USD. Trong khi đó, tại báo cáo TMĐT năm 2013 cũng của cục TMĐT công bố, ước tính bình quân mỗi người dân Việt Nam trong năm chỉ chi 120 USD cho hoạt động này. Nếu căn cứ vào mức chi tiêu này, với tổng số dân Việt Nam hiện nay là 96 triệu dân, kết quả có được chỉ là 1,15 tỉ USD. Theo ông Christopher Beselin, giám đốc điều hành của Lazada Việt Nam, khó có con số doanh thu chính xác nhưng trong vài năm gần đây, hoạt động bán lẻ TMĐT B2C trên hạ tầng internet ngày càng phát triển mạnh.
Xu hướng mua online
Cuối năm 2013, trong một khảo sát của cục TMĐT, khi tham gia mua bán trên mạng, những mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là mỹ phẩm, thời trang 62% số người được hỏi, điện tử 35%, điện gia dụng 32%, du lịch (vé máy bay, khách sạn…) 25%… Dù mua bán qua mạng nhưng thanh toán khách hàng lại chọn “tiền trao tay trực tiếp” nhiều nhất: 74%, kế đến là thanh toán qua ngân hàng: 41%, còn qua các weisite trung gian hoặc ví điện tử chiếm tỷ lệ rất thấp: 8%. Trong những hình thức kinh doanh bán hàng qua mạng, khách hàng tập trung nhiều nhất là các website bán hàng chuyên nghiệp: 61%, website bán hàng theo nhóm 51%, kế tiếp là mạng xã hội: 45%, sàn giao dịch điện tử: 19%… Nhóm khách hàng mua hàng trên mạng nhiều nhất là khối văn phòng: 41%, sinh viên học sinh: 37%, tiểu thương: 7%…, tỷ lệ nữ chiếm 59%.
Gần đây một số website của các kênh bán lẻ như: thegioididong.com, nguyenkim.com, fptshop.com.vn, vienthonga.vn cũng đẩy mạnh hình thức bán hàng qua mạng. Không chỉ mạnh ở hệ thống cửa hàng, thegioididong.com tập trung xây dựng kênh bán hàng trực tuyến. Ông Nguyễn Đức Tài, tổng giám đốc Thế Giới Di Động cho biết, hiện website này có 10 triệu truy cập/ tháng, nếu doanh thu qua kênh bán hàng trực tuyến của năm 2013 là 450 tỉ đồng, thì doanh số bình quân trong năm 2014 khoảng 70 tỉ đồng/ tháng. Bình quân hoạt động doanh thu online của FPT Shop là 30 tỉ đồng/tháng, chiếm khoảng 7% tổng doanh thu của hệ thống. “Bán hàng trực tuyến đang là xu thế, nhiều khách hàng vừa tìm kiếm thông tin vừa tìm những ưu đãi tốt nhất cho sản phẩm cần mua. Online còn là kênh tìm kiếm khách hàng cho hệ thống cửa hàng”, tổng giám đốc FPT Shop Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ.
Thiếu những đại gia
Trừ nhóm hàng bán lẻ điện máy có những “đại gia” với hệ thống siêu thị thành viên phủ khắp cả nước với chi phí xây dựng tốn hàng ngàn tỉ đồng và doanh thu hàng chục ngàn tỉ đồng như Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, FPT Shop, Viễn Thông A… còn trong ngành bán lẻ TMĐT B2C lại chưa nhiều những mô hình lớn về vốn và độ phủ trên thị trường. Trong vài năm trở lại đây, các website bán hàng trực tuyến nở rộ lên hàng ngàn nhưng điểm mặt, chỉ có một vài tên tuổi được đánh giá là hàng đầu trong kinh doanh TMĐT như: lazada.vn, tiki.vn, chotot.vn, chodientu.vn, vatgia.com… nhưng chỉ là những “cột cờ” trong “bó đũa”. Những website trên xen lẫn hình thức kinh doanh B2C (như lazada.vn, tiki.vn…) và sàn giao dịch điện tử như chotot.vn, chodientu.vn, vatgia.com… Gần đây, lazada.vn vừa áp dụng mô hình B2C và sàn giao dịch.
Cục TMĐT dự báo, với tốc độ sử dụng internet tăng, hàng hoá xuất hiện trên môi trường internet ngày càng nhiều, doanh thu của TMĐT Việt Nam sẽ tăng trưởng, đạt khoảng 4 tỉ USD vào năm 2015. Nhưng hoạt động này còn nhiều cản trở từ chính sách nhà nước, chất lượng kinh doanh của các nhà kinh doanh đã dẫn đến thái độ “quay lưng” của người tiêu dùng. Vì tham gia thị trường là những doanh nghiệp nhỏ nên chất lượng hàng hoá không cao, chưa có chiêu thức bán hàng hấp dẫn, chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu khi mở website bán hàng trực tuyến, chưa có giải pháp thanh toán linh hoạt và tiện lợi cho khách hàng…
Trong khi chờ chương trình phát triển TMĐT quốc gia với các giải pháp như triển khai hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia (KeyPay.gov.vn), gắn nhãn uy tín cho các website TMĐT… doanh nghiệp và người tiêu dùng tìm cách gặp nhau trên mạng từ những sản phẩm nhỏ nhất, rẻ tiền nhất nhưng phù hợp với nhu cầu của cả hai bên.
Theo số liệu của cục TMĐT, năm 2013, bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố doanh thu của hoạt động TMĐT B2C của quốc gia này là 264 tỉ USD, tăng 17% so với năm 2012. Tính ra, trong năm 2013, mỗi người dân Hoa Kỳ đã chi 2.466 USD để mua hàng qua mạng. Còn theo số liệu của cục Chính sách thương mại và thông tin Nhật Bản (bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp – METI), doanh thu TMĐT B2C trong năm 2013 ước chừng 101,5 tỉ USD. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu kinh doanh trực tuyến eMarketer, doanh thu TMĐT B2C của Trung Quốc trong năm ngoái là 181,6 tỉ USD. Úc cũng là một quốc gia có doanh số TMĐT B2C nằm trong top 10 các quốc gia có hoạt động kinh doanh qua môi trường internet. Năm 2013, doanh thu TMĐT B2C của Úc khoảng 31,24 tỉ USD, trong đó nhóm hàng may mặc chiếm 25%. Năm 2013, bình quân mỗi người dân Indonesia đã chi 390 USD để mua hàng trên mạng. Cũng theo eMarketer, năm 2014, con số này sẽ tăng lên 440 USD/người. Năm 2013, Indonesia là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu về TMĐT B2C cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương – 71,9% dù doanh số còn khiêm tốn so với nhiều quốc gia trong khu vực, chỉ 1,79 tỉ USD.
Năm 2013 cục TMĐT (bộ Công thương) ước tính doanh số TMĐT B2C Việt Nam khoảng 2,2 tỉ USD. Cục trưởng cục TMĐT Trần Hữu Linh cho rằng, doanh số này chưa xứng với thực trạng sử dụng internet và nhu cầu mua sắm trên mạng tại Việt Nam. |