Toàn cầu hóa có giảm được đói nghèo?

Quan điểm chủ yếu của những người chống toàn cầu hóa là: toàn cầu hóa làm các nước giàu càng giàu hơn và các nước nghèo càng nghèo hơn. Còn những người ủng hộ thì cho rằng toàn cầu hóa sẽ đem lại lợi ích cho các nước nghèo. Nhưng nếu nhìn vào những bằng chứng thực tế, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề này phức tạp hơn khá nhiều.

Nói chung, trong các cuộc tranh cãi, những người khác nhau vẫn thường gọi những thứ khác nhau bởi cùng một từ. Một số người hiểu “toàn cầu hóa” nghĩa là công nghệ viễn thông và sự huy động vốn đầu tư vươn ra toàn cầu, số khác nghĩ rằng đó là sự mở rộng chi nhánh của các công ty lớn ở các nước giàu nhằm khai thác nguồn lực giá rẻ từ các nước đang phát triển. Và những người khác thì lại xem toàn cầu hóa là từ dùng để chỉ chủ nghĩa tư bản liên kết (corporate capitalism) hay sự thống lĩnh về kinh tế và văn hóa của Mỹ.
Toàn cầu hóa rõ ràng là bao hàm rất nhiều vấn đề, cho nên tôi phải nói rõ ngay từ đầu là bài viết này chủ yếu nói về sự toàn cầu hóa kinh tế – cụ thể là sự mở rộng buôn bán và đầu tư quốc tế. Quá trình đó ảnh hưởng đến cuộc sống của những người nghèo nhất trên thế giới như thế nào? Câu hỏi này là một trong những vấn đề quan trọng nhất của khoa học xã hội hiện nay.
Dựa trên các số liệu điều tra được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, Ngân hàng Thế giới ước đoán rằng, chỉ còn một phần không lớn dân số ở các nước đang phát triển nằm ở dưới mức nghèo đói 1USD/ngày. Đánh giá này cho thấy, sự nghèo đói cùng cực nhìn chung là đang giảm.
Mặc dù về toàn thể, những người nghèo nhất không trở nên nghèo hơn nhưng cũng chưa ai chứng tỏ được một cách thuyết phục rằng đời sống của họ được cải thiện chủ yếu dựa trên kết quả của sự toàn cầu hóa. Ở Trung Quốc, nạn nghèo đói có thể được đổ lỗi cho những nguyên nhân nội tại như sự bành trướng cơ sở hạ tầng, cải cách đất đai quy mô lớn, thay đổi giá thu mua ngũ cốc và sự nới lỏng những hạn chế đối với việc di cư từ nông thôn ra thành thị.
Trên thực tế thì, từ giữa những năm 1980, tức là trước khi có sự bùng nổ đầu tư và buôn bán quốc tế, Trung Quốc đã bắt đầu giảm được đói nghèo. Trong giai đoạn 1981-2001, có hơn 400 triệu người Trung Quốc vượt trên được mức nghèo đói mà quốc tế đặt ra. Tương tự như thế, Ấn Độ cũng đã giảm được đói nghèo vào thập kỷ 1990 dựa trên Cách mạng Xanh trong nông nghiệp, các chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ và những chính sách xã hội chứ không phải dựa vào sự tự do hóa thương mại. Tất nhiên là việc toàn cầu hóa cũng đã đem lại thêm những việc làm trong nền sản xuất chuyên môn hóa cũng như giúp nhiều người Ấn Độ và Trung Quốc thoát nghèo. Nhưng cách đây 25 năm, toàn cầu hóa đã không phải là nhân tố nổi bật giúp phát triển kinh tế, bởi vì còn rất nhiều nhân tố quan trọng khác.
Người ta có thể nghi ngờ về lợi ích của toàn cầu hóa trước thực tế là nghèo đói vẫn còn đeo bám dai dẳng các nước vùng sa mạc Sahara ở châu Phi. Trong giai đoạn 1981-2001, tỷ lệ người châu Phi ở dưới chuẩn nghèo đói quốc tế đã tăng từ 42% lên 47%. Thực ra thì việc toàn cầu hóa khó mà có hiệu quả gì được đối với các nước bất ổn về chính trị. Chính trị bất ổn làm trầm trọng thêm sự cô lập về địa lý, bệnh tật, xung đột quân sự, và kết quả là các nước này rất khó thu hút đầu tư quốc tế.
Ở các nước châu Á nghèo như Bangladesh, Việt Nam và Cam-pu-chia, có một số lớn phụ nữ làm việc trong các nhà máy dệt may xuất khẩu. Lương của họ thấp so với chuẩn thế giới nhưng còn cao hơn nhiều so với những công việc khác mà họ có thể làm. Những người vốn lo ngại về nạn bóc lột công nhân cũng đã phải thừa nhận sự cải thiện tương đối về điều kiện sống của những phụ nữ này. Rahana Chaudhuri, một bà mẹ 23 tuổi làm trong ngành dệt may Bangladesh nói: ” Công việc thì nặng nhọc, chúng tôi lại bị đối xử không tốt. Người ta không coi trọng phụ nữ chúng tôi. Nhưng cuộc sống còn khổ hơn nhiều nếu làm việc khác. Dĩ nhiên là tôi muốn những điều kiện tốt hơn nhưng làm gì có sự lựa chọn nào khác. Với công việc đang làm, tôi mới có thể nuôi những đứa con tôi đủ ăn và cải thiện đời sống cho chúng”.
 

Sự liên kết kinh tế quốc tế mang lại những cơ hội nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề. Ngay cả khi những việc làm mới là tốt hơn việc làm cũ thì những biến chuyển trong đời sống xã hội vẫn bị méo mó. Hầu hết các nước nghèo đều hạn chế trong việc đem lại sự bảo trợ xã hội cho những người bị mất việc. Thêm vào đó, có quá nhiều điều bất cập ngay trong nội bộ các nước nghèo, chẳng hạn như sự thiếu lòng tin, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, nạn tham nhũng của quan chức và những quyền lợi đất đai không được đảm bảo. Việc mở cửa thị trường mà không giải quyết được những tiêu cực và hạn chế nội bộ thì sẽ dẫn đến hậu quả xấu là kìm hãm lực lượng lao động. Thành ra, “toàn cầu hóa” theo kiểu đó thì chỉ khoét sâu thêm sự nghèo đói.   
Những cuộc tranh luận về toàn cầu hóa sẽ không bao giờ kết thúc nếu người ta thống nhất những
tiêu chí đánh giá cụ thể. Trên khía cạnh kinh tế, chúng ta có thể có một số tiêu chí đánh giá sau đây:
Kiểm soát vốn. Đầu tư quốc tế bao gồm vốn dài hạn và vốn ngắn hạn. Vốn ngắn hạn có thể được
chuyển đi chỉ bằng một cái bấm chuột trên máy tính, thành ra chúng có thể chạy lung tung khắp nơi trên thế giới và gây ra sự phá hoại nghiêm trọng đối với các nền kinh tế yếu. Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 chính là một ví dụ. Nhiều nhà kinh tế hiện nay đã thấy được sự cần thiết phải có một số hình thức kiểm soát sự luân chuyển của vốn ngắn hạn. Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia sở dĩ đã thoát khỏi bóng đen của khủng hoảng tài chính châu Á là bởi vì họ có sự kiểm soát chặt chẽ đối với sự bay nhảy của vốn.
 

Giảm sự bảo hộ. Rào cản chính mà nhiều nước nghèo phải đối mặt lại không phải là toàn cầu hóa quá nhiều mà là toàn cầu hóa quá ít. Những người nghèo rất khó thoát nghèo nếu ở các nước giàu họ hạn chế nhập khẩu để bảo hộ cho những người nông dân và nhà sản xuất của họ. Các chính sách bảo hộ đó khiến các nước đang phát triển mỗi năm thiệt hại khoảng 45 tỷ USD; riêng trong lĩnh vực dệt may là khoảng 25 tỷ USD. Sự thiệt hại này vượt quá cả sổ tiền mà các nước giàu trợ giúp cho các nước nghèo.
Chống độc quyền. Các nhà sản xuất nhỏ ở các nước nghèo thường quá yếu về mạng lưới thị trường và thương hiệu để có thể tìm đường đến các thị trường giàu có. Mặc dù các công ty bán lẻ đa quốc gia có thể giúp họ, nhưng chi phí cho việc đó thường rất cao. Vấn đề là các tập đoàn bán lẻ ăn chặn rất nhiều của các nước nghèo. Chẳng hạn, trên thị trường cà phê thế giới có 4 tập đoàn thống trị. Đầu thập kỷ 1990, các nước xuất khẩu cà phê kiếm được 12 tỷ USD, nhưng các tập đoàn bán lẻ cà phê lại kiếm được những 30 tỷ USD. Lỗi không phải là do các thị trường toàn cầu, mà lỗi chính là ở việc ngăn chặn sự tiếp cận các thị trường này và sự ép giá đối với các nước xuất khẩu. Một số tập đoàn bán lẻ hưởng lợi từ chuyện này với ưu thế độc quyền của họ. Nhiều nhà kinh tế đã đề xuất việc thành lập một cơ quan điều tra chống độc quyền. Ngay cả khi cơ quan này không mạnh lắm thì nó vẫn có thể cổ vũ và nâng cao ý thức cho hoạt động chống độc quyền. Thêm vào đó, việc triển khai các chương trình chứng nhận chất lượng quốc tế cũng có thể giúp cho sản phẩm của các nước nghèo được chấp nhận trên thị trường toàn cầu.         
Các chương trình xã hội. Nhiều nhà kinh tế khẳng định rằng, để việc buôn bán thực sự đem lại lợi ích cho một quốc gia thì quốc gia đó phải tái phân bố lại của cải cho toàn cộng đồng của họ. Tức là những người được lợi từ chính sách mở cửa kinh tế phải chia sẻ lợi lộc của họ cho những người bị thiệt hại tới một mức độ nào đó. Tất nhiên là cái cụm từ “tới một mức độ nào đó” vẫn còn gây ra nhiều bất đồng, nhưng một số chương trình nhất định vẫn tỏ ra là có ích. Chẳng hạn như chương trình giúp các công nhân mất việc được đào tạo lại và có việc làm trở lại. Các chương trình học bổng giúp những gia đình nghèo có thể cho con em họ đến trường, đây cũng là một biện pháp rất hiệu quả để làm giảm số lao động trẻ em.

        Pranab Bardhan
Trung Trung (lược dịch từ Scientific American)

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)