TP Hà Giang thử nghiệm mô hình giáo dục cộng đồng mới

Tới đây, Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang sẽ đi vào hoạt động có sự tham gia quản lý của một tổ chức khoa học-công nghệ tư nhân và đóng góp chuyên môn của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, nhằm thử nghiệm một mô hình giáo dục cộng đồng hoàn toàn mới, thực chất hơn và tự chủ hơn.


Khám sàng lọc cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt tại Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang. Ảnh do Trung tâm cung cấp.

Trung tâm học tập cộng đồng đã có mặt ở hơn 80% xã, phường, thị trấn ở khắp Việt Nam với mục đích xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Các trung tâm này có giám đốc là phó chủ tịch xã/phường, phó giám đốc là hiệu trưởng một trường học trên địa bàn và một cán bộ xã/phường kiêm nhiệm. Trung tâm nhận sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của phòng GD&ĐT và được cấp ngân sách vận hành khoảng 30 triệu đồng/năm.

Với Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang, có thể nói thành phố “tột bắc” đang thử nghiệm một mô hình chưa có tiền lệ dựa trên cơ sở một đơn vị sự nghiệp công lập hợp tác chặt chẽ với các nhóm xã hội, trong đó, vai trò của chuyên gia được đề cao.

Các hoạt độngchính của Trung tâm bao gồm dạy tiếng Anh, giáo dục STEM, giáo dục đặc biệt (dành cho trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, chậm đọc), chăm sóc sức khỏe tâm trí (tư vấn tâm lý các lứa tuổi), thư viện… được thiết kế, theo dõi, đánh giá và điều chỉnh nội dung trong trường hợp cần thiết bởi 14 chuyên gia, hầu hết đang nghiên cứu, học tập ở nước ngoài – theo chị Hoàng Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm, một người trẻ sống ở Hà Giang, từng học thạc sĩ ngành văn hóa và phát triển ở Úc. Ví dụ, mảng giáo dục STEM của Trung tâm có sự hợp  tác  của  chuyên  gia  Nguyễn  Thành  Hải  từ  Viện  Nghiên  cứu  giáo  dục  STEM  (Đại  học Missouri, Mỹ). Với sự ra đời của Trung tâm, lần đầu tiên các bậc cha mẹ có con tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, chậm đọc ở tỉnh Hà Giang không còn phải đưa con sang Tuyên Quang hay về Hà Nội để được hỗ trợ chăm sóc và giáo dục.

Đặc biệt, Trung tâm sẽ hoạt động như một trung tâm mẹ, hỗ trợ kỹ  thuật, nhân  lực và chương trình  hoạt động cho các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch thôn bản và hộ gia đình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố và huyện Vị Xuyên . 

Cũng theo chị Thúy, Trung tâm được TP Hà Giang hỗ trợ cơ sở vật chất và chi phí hoạt động cho đến hết năm nay. Từ năm 2018, Trung tâm sẽ tự chủ về tài chính thông qua các hoạt động có thu phí và hoạt động gây quỹ theo quy định mới của nhà nước về hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.

Trung tâm là một dự án phi lợi nhuận, ra đời từ sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Cộng đồng tỉnh Hà Giang (HCA), một tổ chức khoa học – công nghệ tư nhân hoạt động tại Hà Giang do chị Thúy và một số cựu du học sinh thuộc Chương trình Học bổng Chính phủ Úc, thành lập. Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ của nhiều du học sinh các nước khác như Mỹ, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ là bạn bè của chị Thúy. Tuy nhiên, điều khiến chị cảm kích nhất là “các lãnh đạo TP Hà Giang đã tin tưởng vào thiện chí của chúng tôi và giao cho chúng tôi quyền quản lý mô hình do chúng tôi đẻ ra”. Được biết, từ lúc chị đề xuất sáng kiến lên các lãnh đạo thành phố cho đến khi Trung tâm được ký quyết định thành lập hôm 26/7 vừa qua chỉ mất bảy tháng. “Nếu chỉ kêu gọi bạn bè lập một kế hoạch kinh doanh rồi gọi vốn mở một trung tâm tiếng Anh hay dạy trẻ khuyết tật thì đơn giản quá vì nó chỉ giải quyết vấn đề của một nhóm người, một địa phương. Với Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang, chúng tôi muốn hợp tác với chính quyền thử nghiệm ý tưởng ở phạm vi rộng hơn một tổ chức tư nhân để nếu thành công, nó có thể sẽ được áp dụng cho những khu vực có điều kiện tương tự như thành phố Hà Giang,” chị Thúy chia sẻ với Tia Sáng.

Ngày 8/8 tới, Trung tâm sẽ có lễ ra mắt chính thức tại tổ 1, phường Trần Phú, TP Hà Giang.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)