TPHCM: Xây dựng hệ thống quản lý các ca bệnh, khu vực có dịch bệnh

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc kiểm soát dịch bệnh lây truyền trực tiếp tại thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực và hiệu quả Hệ thống kiểm soát các bệnh lây truyền trực tiếp tại TPHCM”.

TPHCM là vùng trọng điểm kinh tế, dân số đông, mật độ cao, khí hậu nóng ẩm… – những yếu tố thuận lợi cho sự xâm nhập và bùng phát các bệnh lây truyền trực tiếp. Mỗi năm thành phố có hàng chục nghìn trường hợp bệnh tay chân miệng. Bệnh sởi dù đã có vắc xin trong tiêm chủng mở rộng nhưng vẫn xảy ra dịch mỗi 3 – 4 năm. Các bệnh lây truyền trực tiếp khác như thủy đậu, quai bị, rubella… hằng năm vẫn gây ra những ổ dịch trong trường học, các cơ quan, công sở, nhà máy, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch làm việc, sản xuất, kinh doanh của các đơn vị này.

Biện pháp kiểm soát của từng bệnh có thể có những điểm khác nhau, nhưng đều theo một nguyên tắc chung là phát hiện ca bệnh sớm, áp dụng kỹ thuật điều tra “theo vết” để tìm kiếm và theo dõi các ca tiếp xúc. Qua đó xác định được chuỗi ca bệnh lây truyền nhau, để có biện pháp xử lý đúng, hiệu quả, ngăn chặn được sự lây truyền của bệnh.

Hệ thống kiểm soát bệnh truyền nhiễm hiện nay tại TPHCM được thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, tất cả các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn, phải thực hiện báo cáo thông tin từng ca bệnh của các bệnh truyền nhiễm vào phần mềm trực tuyến được gọi là Hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, cách vận hành hiện tại của hệ thống này chủ yếu vẫn còn thủ công, hạn chế ở việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị liên quan trong hệ thống phòng chống dịch vì qua nhiều bước, nhiều đơn vị. Từ đó, không kịp thời phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, không đánh giá được diễn tiến thực của dịch. Đặc biệt tại TPHCM, nơi có sự giao lưu và biến động dân cư rất lớn, việc lần theo dấu vết trong kiểm soát ca bệnh lây truyền trực tiếp luôn là thách thức đối với hệ thống y tế.

Ngoài ra, hệ thống hiện tại cũng chưa đáp ứng được yêu cầu theo dõi sự hình thành và diễn tiến của chuỗi lây truyền từ một ca chỉ điểm, để từ đó đánh giá được chính xác tình hình bệnh tại một thời điểm và hiệu quả kiểm soát bệnh.

Theo đó, nhóm thực hiện đề tài đã thiết kế, xây dựng quy trình tổ chức vận hành hoạt động của Hệ thống kiểm soát các bệnh lây truyền trực tiếp, trên cơ sở kết hợp giữa cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý (GIS) và nền tảng công nghệ blockchain.

Hệ thống gồm các thành phần chính như Cơ sở dữ liệu để lưu trữ và cập nhật dữ liệu dùng chung của hệ thống, nhằm quản lý ca bệnh và tất cả các hoạt động trong qui trình kiểm soát bệnh diễn ra trong thực tiễn; Phần mềm quản lý Qui trình hoạt động. Ngoài ra, Hệ thống ứng dụng GIS, để thể hiện dữ liệu không gian địa lý, trên các lớp và mô hình thực tế, cho người sử dụng nhìn rõ số liệu của việc kiểm soát dịch bệnh. Đối với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu và lưu vết các hoạt động của mỗi người dùng trong hệ thống.

Thực nghiệm vận hành Hệ thống tại Quận 3, Tân Bình và Tân Phú cho thấy, Hệ thống đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn của dịch tễ học như thể hiện trực quan sự hình thành chuỗi lây nhiễm, khả năng lây lan bệnh theo từng đặc điểm địa lý – kinh tế – xã hội, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh,… Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý trong theo dõi tiến độ của việc xử lý dịch tại 1 địa điểm bất kỳ trên toàn Thành phố.

Hệ thống cũng đánh giá việc tuân thủ quy trình của tất cả thành viên trong hệ thống, đảm bảo thông tin được chia sẻ ngay lập tức đến các bộ phận liên quan, trong điều kiện đảm bảo tính bảo mật.

Nhờ sự trao đổi thông tin nhanh chóng và đến đúng nơi cần đến, Hệ thống giúp giảm thiểu thời gian thao tác cho từng vị trí, do các thông tin về ca bệnh, ổ dịch cần theo dõi luôn được chia sẻ ngay lập tức đến những cá nhân có liên quan.

Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Chủ nhiệm đề tài, Hệ thống giúp cán bộ y tế phường xã tiết kiệm thời gian và quản lý tốt ca bệnh, khu vực phát hiện ổ dịch, lãnh đạo có cái nhìn tổng quát về các ca bệnh và các ổ dịch trên bản đồ theo thời gian. Hệ thống còn có thể mở rộng cho quản lý cho các bệnh khác, đồng thời cũng có thể được chia sẻ, nhân rộng cho các tỉnh thành khác có nhu cầu nhằm nâng cao năng lực kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp ở các cơ sở y tế.

Ngọc Đỗ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)