Trả lại thần tình yêu cho bức tranh của Vermeer

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra: nhiều thập kỷ sau cái chết của họa sỹ bậc thầy Hà Lan Johannes Vermeer, một bàn tay bí ẩn đã vẽ phủ lên một phần bức tranh “Cô gái đọc thư bên cửa sổ mở” (Girl reading a letter at an open window) và mất đi phần nào ý nghĩa bức tranh.

Công việc của các nhà nghiên cứu mới hoàn tất một nửa. Nguồn: Staatliche Kunstsammlungen Dresden

“Cô gái đọc thư bên cửa sổ mở” là một trong những bức tranh nổi tiếng bậc nhất của Johannes Vermeer – họa sỹ Hà Lan sống vào thời kỳ Baroque. Bức tranh này có số phận khá long đong bởi phải mất một thời gian dài, các chuyên gia mới có thể xác định ai là tác giả bức tranh. Đầu tiên, người ta cho nó là của danh họa Rembrandt nhưng sau đó lại quy cho Pieter de Hooch. Họ chỉ được xác định chính xác bức tranh do Vermeer vẽ vào năm 1862. Trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ hai, khi thuộc về bộ sưu tập ở thành phố Dresden, nó đã được cứu khỏi sự tàn phá của bom đạn rồi rơi vào tay những người lính Soviet. Mãi đến năm 1955, bức tranh mới được trả về Gemäldegalerie ở Dresden.

Giờ đây, công việc phục chế bức tranh đang được diễn ra lại mở ra thêm một trang mới của câu chuyện về lịch sử bức tranh: Staatliche Kunstsammlungen Dresden, một viện nghiên cứu văn hóa ở Dresden đã loan báo: các nhà phục chế đã phát hiện ra ở phía góc trên bên phải của bức tranh có vị thần tình yêu Cupid ẩn sâu dưới lớp toan nhưng một người khác, nhân vật này đã “nhúng tay” vào bức họa, xóa hình ảnh vị thần đi nhiều thập kỷ sau khi ông qua đời. Thực ra, từ năm 1979, thông qua kỹ thuật X quang, các nhà nghiên cứu lịch sử hội họa đã biết về sự tồn tại của thần tình yêu Cupid trong bức họa nổi tiếng này nhưng họ vẫn nghi ngờ là do chính Vermeer đổi ý và quyết định xóa nhân vật đó đi, vì thế họ quyết định không phục hồi bức tranh theo đúng nguyên tác, Uta Neidhardt – một nhà phục chế của Gemäldegalerie cho biết.  

Công việc bảo tồn bức tranh đã được thực hiện vào mùa xuân năm 2017. Christoph Schölzel, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Staatliche Kunstsammlungen đã sử dụng tia X, hình ảnh phản xạ hồng ngoại và phân tích trên kính hiển vi để kiểm tra từng lớp vẽ của bức tranh. Các cuộc kiểm tra được thực hiện với việc tham khảo dữ liệu từ những lần phục chế trước đó. Cuối cùng, anh và đồng nghiệp đã đưa ra kết luận: Vermeer không phải là người vẽ phủ lên hình ảnh Cupid. Và thật ngạc nhiên khi phát hiện ra là lớp sơn đó được bồi thêm nhiều năm sau khi họa sĩ qua đời. “Thậm chí còn có một lớp bụi bẩn phía trên lớp sơn ban đầu trên vị thần. Nó cho thấy, bức tranh đã ở trạng thái ban đầu trong nhiều thập kỷ trước khi bị xóa hình ảnh thần tình yêu”, Neidhardt nói và cho biết thêm, lớp sơn phủ lên vị thần này có màu đậm hơn lớp sơn vẽ màu tường mà Vermeer từng sử dụng, do đó bức tranh có màu sắc tối tăm hơn bức tranh gốc.

“Đây là trải nghiệm bất ngờ nhất mà tôi thấy trong quá trình phục chế các tác phẩm nghệ thuật. Nó tạo ra một bức tranh hoàn toàn khác”, Neidhardt nói về ấn tượng của cô khi phát hiện ra sự thật.

Thật thú vị là hình ảnh vị thần Cupid cũng từng có mặt trong “A Young Woman Standing at a Virginal”, một bức vẽ vào năm1670 – 1672 của Vermeer, hiện treo ở Phòng tranh London, Anh (từng được cho là  do Cesar van Everdingen vẽ). Bức tranh này miêu tả một phụ nữ trẻ đứng bên cây đàn Virginal – một nhạc cụ đàn phím phổ biến ở châu Âu vào cuối thời kỳ Phục Hưng và đầu thời kỳ Baroque, và phía trên tường có một bức tranh thần tình yêu có đóng khung. Có thể cả hai tác phẩm này đều có cùng một điểm chung: cảm hứng từ một bức vẽ khác cũng do Vermeer vẽ, vốn nằm trong kho đồ của người vợ góa của ông, cũng vẽ thần tình yêu.

Việc có thêm thần tình yêu Cupid vào bức “Cô gái đọc thư bên cửa sổ mở” đã mở ra một cấp độ ý nghĩa mới cho bức tranh. Trong khi cảnh trước đó không đưa ra manh mối nào về nội dung bức thư thì sự hiện diện của thần tình yêu trong bức tranh sẽ đưa câu chuyện vào một bối cảnh cụ thể hơn, một câu chuyện tình, và bức thư nhàu nát trong tay cô gái là bức thư tình.

Các nhà nghiên cứu khôi phục lại bức tranh ban đầu với những kỹ thuật hiện đại. Nguồn: Staatliche Kunstsammlungen Dresden

Sau khi xác định lớp sơn phủ được vẽ sau khi Vermeer qua đời, các nhà bảo tồn quyết định để nhân vật này xuất hiện trở lại như nó vốn có. Để công việc này không ảnh hưởng đến lớp sơn mỏng manh ban đầu, Schölzel loại bỏ lớp sơn bồi thêm sau bằng dao mổ. Đến nay, công việc xong được một nửa và người ta ước tính sẽ cần thêm một năm nữa. Bảo tàng đã quyết định trưng bày bức tranh trong quá trình bảo tồn với khoảng thời gian hơn một tháng để người xem có thể thấy quá trình này diễn ranhư thế nào, trước khi nó được đưa lại xưởng phục chế để chuẩn bị cho giai đoạn cuối.

Khi công việc hoàn thành, có thể những người đã quen thuộc với bức tranh “cũ” sẽ thấy kinh ngạc về ánh sáng và màu sắc tươi tắn, tinh tế của lớp sơn nguyên bản. Schölzel cho rằng nó sẽ khác với bức tranh hiện giờ và đó cũng là điều thú vị.

Dresden có hai bức họa của Vermeer – những bức quan trọng bậc nhất và giá trị bậc nhất trong bộ sưu tập của thành phố. Bức thứ hai “The Procuress” (1656) đã được phục chế giữa năm 2002 và 2004.

Thanh Phương tổng hợp

Nguồn: 

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/restoration-reveals-long-lost-cupid-painted-over-after-vermeers-death-180972143/

https://news.artnet.com/art-world/vermeer-girl-reading-letter-window-1539199

https://www.theartnewspaper.com/news/hidden-cupid-resurfaces-in-one-of-vermeer-s-best-known-works

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)