Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ sàng lọc ung thư vú
Những kết quả ban đầu từ một thử nghiệm lớn cho thấy trí tuệ nhân tạo có thể sàng lọc ung thư vú với độ chính xác tương đương hai bác sĩ X quang làm việc cùng nhau, và không làm tăng số lượng kết quả dương tính giả.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu, với hơn 2,3 triệu phụ nữ mắc bệnh mỗi năm. Sàng lọc có thể cải thiện tiên lượng và giảm tỷ lệ tử vong bằng cách phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm hơn, do đó dễ điều trị hơn.
Một nghiên cứu mới, với sự tham gia của hơn 80.000 phụ nữ và đã được công bố trên tạp chí Lancet Oncology, cho thấy dùng AI để sàng lọc cho độ chính xác tương đương với hai bác sĩ X quang làm việc cùng nhau. AI cũng không làm tăng số lượng kết quả dương tính giả.
Các nghiên cứu trước đây về việc AI có thể chẩn đoán chính xác ung thư vú qua ảnh chụp X quang hay không thường được thực hiện hồi cứu, đánh giá hiệu suất của AI dựa trên các bản quét đã được các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán xong. Nhưng nghiên cứu mới, theo dõi phụ nữ từ Thụy Điển ở độ tuổi trung bình là 54, đã so sánh trực tiếp kết quả chẩn đoán của AI với kết quả chẩn đoán thông thường do các bác sĩ đưa ra.
Một nửa số bản chụp X quang của 80.000 phụ nữ được đánh giá bởi hai bác sĩ X quang. Nửa còn lại được đánh giá bởi AI. (Sau khi AI đã đánh giá, các kết quả vẫn được đưa cho một hoặc hai bác sĩ X quang để kiểm tra lại.)
28% số bản chụp mà AI đánh giá là đáng nghi (tương đương với 244 phụ nữ) thực sự là các ca ung thư. Ở nhóm hai bác sĩ đánh giá, tỷ lệ này là 25% (203 phụ nữ). Nhìn chung, AI không tạo ra nhiều kết quả dương tính giả (bản chụp bình thường bị đánh giá là bất thường) hơn so với hai bác sĩ. Tỷ lệ dương tính giả là 1,5% ở cả hai nhóm.
“Sàng lọc chụp nhũ ảnh do AI hỗ trợ dẫn đến tỷ lệ phát hiện ung thư tương tự so với quy trình đọc kép tiêu chuẩn, cho thấy việc sử dụng AI trong sàng lọc chụp nhũ ảnh là an toàn”, theo nghiên cứu.
Các tác giả cho biết, khối lượng công việc của các bác sĩ X quang trong nhóm có hỗ trợ của AI giảm 44% so với nhóm tiêu chuẩn, cụ thể, giảm gần 37 nghìn lần đọc.
Tác giả chính – Tiến sĩ Kristina Lång, Đại học Lund ở Thụy Điển – cho biết: “Tiềm năng lớn nhất của AI hiện nay là giúp các bác sĩ X quang bớt gánh nặng hơn do phải đọc quá nhiều”. “Hệ thống sàng lọc bằng AI của chúng tôi yêu cầu ít nhất một bác sĩ X quang phụ trách kiểm tra lại, nhưng sẽ không cần quy trình đọc kép bởi hai bác sĩ, giảm bớt áp lực về khối lượng công việc và cho phép các bác sĩ X quang tập trung vào các chẩn đoán nâng cao hơn và rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân”.
Tuy nhiên, Lång lưu ý, riêng kết quả này vẫn chưa đủ để xác nhận rằng AI đã có thể dùng được trong sàng lọc chụp nhũ ảnh và vẫn cần tìm hiểu tác động đối với hiệu quả điều trị cũng như hiệu quả chi phí của công nghệ.
Ngô Thành