Trung Quốc đẩy mạnh dùng xe buýt điện

Trung Quốc khẩn trương đẩy mạnh điện khí hoá toàn bộ xe buýt trong hệ thống giao thông công cộng. Qua đó cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố và giảm nhu cầu về nhiên liệu.

Tuyến đường xe buýt số 1 ở thủ đô Bắc Kinh hoạt động từ năm 1950, gần như cùng tuổi với nước CHND Trung hoa. Xe buýt hoạt động trên tuyến số 1 này có hình dáng khác hẳn các xe buýt thông thường: sơn mầu đỏ-trắng, phía trước và phía sau xe thu hẹp lại trông như hình cá heo. Một con cá heo có bánh xe và hầu như không phát ra tiếng động. Vì xe buýt trên tuyến số 1 không dùng nhiên liệu diesel hay khí đốt mà dùng điện lấy từ pin Lithium-Titan. Khi hoạt động, xe chỉ phát ra tiếng động nhẹ.

Chiếc xe buýt chạy điện đầu tiên trên tuyến số 1 bắt đầu từ mùa thu 2017. Đến năm 2020, dự kiến sẽ có 10.000 xe buýt điện được đưa vào hoạt động, chiếm một phần ba trong tổng số xe buýt ở thành phố với 20 triệu dân này. Rất có thể điều này sẽ diễn ra sớm hơn. Hiện tại đã có trên 4000 xe buýt điện và xe Hybrid (sử dụng cả hai nguyên liệu) đang hoạt động.

Trung Quốc (TQ) buộc phải đưa xe buýt điện vào hoạt động, TQ cũng sẽ đi đầu trên thị trường tương lai đầy tiềm năng này. Bởi vì người dân Bắc Kinh không thể chịu đựng nổi bầu không khí ô nhiễm nặng nề và chính phủ TQ cũng muốn chấm dứt tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề này. Điện khí hoá mạng lưới xe buýt công cộng là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng này. Cho đến nay bình quân một xe buýt tiêu thụ một lượng nhiên liệu gấp 30 lần so với ô tô con.

Theo số liệu của Bloomberg New Energy Finance (BNEF) thì cả thế giới hiện có 385.000 xe buýt điện, và trên 99% ở TQ. Gần một phần năm xe buýt ở TQ hiện nay không dùng động cơ đốt trong, và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng mạnh.

TQ đang dẫn đầu thế giới về sự phát triển này trong khi các thành phố lớn ở phương Tây mới đang rục rịch bắt đầu. Trong khi TQ đang thúc đẩy mạnh mẽ xe buýt điện thì cuộc cách mạng điện khí hoá cho xe buýt ở châu Âu lại diễn ra khá ì ạch. London cũng có ý định điện khí hoá xe buýt nhưng lại dự kiến mãi tới năm 2030. Hiện tại mới có bốn tuyến xe buýt dùng điện. New York thậm chí dự kiến mãi đến năm 2040 mới thực hiện giao thông xe buýt không có khí thải.

Đối với nước Đức tình hình còn tồi tệ hơn. Năm 2017 trong số 78.345 xe buýt được phép lưu hành chỉ có 458 chiếc chạy điện hoàn toàn hoặc từng phần. Theo Hiệp hội doanh nghiệp giao thông Đức (VDV) thì xe bus điện có nhiều điều bất lợi: Giá một xe buýt điện (E-bus) là 750.000 Euro, đắt hơn gấp đôi xe cùng loại chạy bằng diesel với động cơ mới nhất – khoảng  350.000 Euro. Chi phí bảo trì cũng cao hơn, vì các trạm bảo hành phải cải tạo để bảo hành E-bus. So với buýt chạy bằng động cơ đốt trong, xe buýt điện có khả năng chạy xa thấp hơn nhiều, trong khi đó lại hay bị hỏng hóc. 

Các nhà chế tạo ô tô Đức cũng không mấy nhiệt tình với E-bus. Tại Châu Âu cho đến nay chỉ có duy nhất hãng Volvo quan tâm đến động cơ xe buýt bằng điện bên cạnh công nghệ diesel. Daimler, đứng đầu thị trường xe cũng mãi đến tháng ba vừa rồi mới giới thiệu mẫu xe buýt điện đầu tiên. Ở một số thành phố như Stuttgart: hiện chỉ có vài chục xe buýt Hybrid đang hoạt động. Loại E-bus đơn thuần hoàn toàn không có mặt ở thành phố nổi tiếng về ô nhiễm không khí này của nước Đức.

Gustav Tuschen, giám đốc phát triển của hãng Daimler nói “Vì những lý do chiến lược chúng tôi không muốn xuất hiện sớm trên thị trường bởi lẽ chúng tôi tin rằng, trước hết cần phải đạt được hiệu suất và tầm hoạt động nhất định”. 

Trong khi đó người TQ đã tiến nhanh hơn hẳn. Thẩm Quyến, thành phố công nghệ cao ở miền Nam TQ cách đây nửa năm đã hoàn thành điện khí hoá mạng lưới xe buýt ở thành phố này: toàn bộ 16.359 xe buýt đã dùng động cơ điện và mỗi ngày chạy được tổng cộng 2,85 triệu km.

Hãng chế tạo ô tô BYD phát đều đặn thông cáo báo chí về số lượng E-Bus mà hãng này bán ra ở mọi nơi trên thế giới. Tháng 12 bán 23 mẫu xe ở các thành phố Novara và Turin (Italia), tháng giêng BYD chuyển hai chiếc E-Bus sang Na uy.

Cách đây 7 năm BYD đã giới thiệu tại một hội nghị ngành ở Bỉ một chiếc  E-Bus. Khi đó nhiều nhà phê bình coi đây là một trò đùa. “Mọi người cười nhạo chúng tôi, họ cho rằng chúng tôi làm xe đồ chơi trẻ em”, bà Isbrand Ho, giám đốc châu Âu của BYD kể hôm tháng tư vừa rồi với tờ Bloomberg New Energy Finance. Ngày nay hầu như tất cả các hãng chế tạo đều có loại E-Bus tương tự.

So với các đồng nghiệp ở châu Âu, các doanh nghiệp ô tô ở TQ có thể thực hiện sự thay đổi dễ dàng hơn nhiều. Bởi vì họ nhận được sự trợ giá rất lớn từ phía chính phủ. Thí dụ chính phủ trang trải hơn một nửa chi phí phát sinh trong quá trình cải tạo mạng xe E-Bus ở Thẩm quyến.

Cuộc tổng tấn công của TQ còn có thuận lợi nhờ một hiệu ứng tích cực khác. Do chắc chắn có thị trường tiêu thụ nên nhà sản xuất yên tâm sản xuất hàng loạt. Theo một phân tích của Bloomberg New Energy Finance, hiện tại ở một số thành phố lớn của TQ, chi phí cho trên một km chạy xe E-Bus thấp hơn so với buýt chạy bằng năng lượng hóa thạch.

Người TQ đã đồng thời khẳng định sức mạnh thị trường của họ. Năm 2017 TQ đã tiêu thụ được 90.000 xe E-Bus, hầu hết do TQ sản xuất. Đứng đầu bảng là thương hiệu Yutong (25.000 xe), BYD (13.000 xe) và  Zhongtong (8000 xe). Hai nhà sản xuất lớn nhất không phải của TQ là Volvo và Proterra, chỉ xuất xưởng được vài trăm E-Bus.

TQ sẽ đẩy mạnh mở rộng mạng lưới E-Bus của mình. Nay mai ở Bắc kinh sẽ xuất hiện xe bus hai tằng chạy hoàn toàn bằng động cơ điện. Công suất 139,2 Kilowatt/giờ và thời gian nạp điện là 20 phút. Theo quảng cáo, loại xe E-Bus này: “vừa duyên vừa bền”.

Xuân Hoài dịch
Nguồn: http://www.spiegel.de/wirtschaft/soziales/elektrobusse-china-startet-ins-zeitalter-der-leisen-riesen-a-1211689.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)