Trung tâm học tập cộng đồng: Chờ ngày lột xác

Là một thiết chế quan trọng để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở và đã có mặt ở hơn 80% xã, phường, thị trấn ở khắp Việt Nam nhưng tác động của các trung tâm học tập cộng đồng còn hết sức mờ nhạt. Vậy làm thế nào để thiết chế này có thể lột xác và trưởng thành? Một mô hình mới được đề xuất thử nghiệm ở Hà Giang có thể đem tới một phần câu trả lời.


Lớp học tiếng Anh miễn phí của Vi-Mickey English Center tại nhà cho các hộ làm du lịch cộng đồng tại bản Nưa, Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Vi-Mickey English Center

Nhân tố mới: Các nhóm xã hội

Cuối tháng Ba vừa qua, tôi được tham dự Hội thảo về thực trạng và giải pháp phát triển trung tâm học tập cộng đồng ở tỉnh Hà Giang. Điều đặc biệt là, đến với Hội thảo có các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực: tâm lý lâm sàng, tiếng Anh, khuyến đọc, STEM, giáo dục đặc biệt, tâm lý giáo dục… Chính vì thế, mọi khía cạnh về thực trạng và toàn cảnh tương lai lâu dài, bền vững của mảng giáo dục cộng đồng được phân tích mổ xẻ tương đối kỹ lưỡng.

Nói về các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), được hiểu như sáng kiến của UNESCO về việc xây dựng “những mô hình nhằm thúc đẩy giáo dục cộng đồng, giáo dục thường xuyên và giáo dục suốt đời cho các cộng đồng và nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục cho những cá nhân thiệt thòi trong xã hội”, thì hiện nay, những trung tâm như thế đã có trên hầu hết các xã, phường, thị trấn trong cả nước, nhưng chưa thể gọi là những mô hình giáo dục mang ý nghĩa thiết thực. Nó vẫn là một hình ảnh mờ nhạt và hình thức bên cạnh những hoạt động phong trào của các hội đoàn như Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi… vì nó ít có sự tham gia thực chất của cộng đồng. Theo Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng tỉnh Hà Giang, 100% người dân được hỏi ở đây không hiểu chức năng và nhiệm vụ của các TTHTCĐ. Ngay ở Hà Nội, tôi cũng cho rằng, không nhiều người biết về sự tồn tại của những trung tâm này. Số tiền ngân sách chi cho việc vận hành các trung tâm mỗi năm từ 2017 trở đi sẽ là khoảng 30 triệu, khó có thể đủ để triển khai hiệu quả những nội dung đề ra, đồng thời nếu không hoạt động đúng cách thì số tiền ấy sẽ được chi vào những phong trào, những khóa học nhất thời vài ba ngày rồi lại nằm im – đó lại là một cách tiêu tiền phí phạm.

Một đề xuất táo bạo nhưng khả thi được Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng tỉnh Hà Giang1đưa ra ngay ở Hội thảo, là xây dựng mô hình một TTHTCĐ cấp thành phố dưới hình thức như một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Giang. Điều khác biệt của mô hình này là có sự hợp tác của nhà nước, tư nhân và các nhóm xã hội, trong đó, vai trò của chuyên gia nắm vững chuyên môn được đề cao. Tại hội thảo, ông Miyazawa Inchiro, chuyên gia về học tập suốt đời và TTHTCĐ thuộc Văn phòng UNESCO châu Á Thái Bình Dương đóng tại Bangkok, cũng ủng hộ sáng kiến này, và khuyến nghị, việc xây dựng một mô hình TTHTCĐ cấp thành phố tại thành phố Hà Giang sẽ là một thử nghiệm tốt theo cách làm của Indonesia, Thái Lan và một số nước khác. Những TTHTCĐ của Việt Nam ở cấp xã, phường chất lượng còn thấp vì chưa có được hỗ trợ chuyên môn từ cấp cao hơn. Từ một cách làm khai phá, ta có thể chia sẻ phương pháp cho các trung tâm cấp thấp hơn một cách hiệu quả.

Mô tả ngắn gọn về mô hình này: Không gian của Trung tâm sẽ được sử dụng triệt để, tích cực với hai hình thức song song: dịch vụ giáo dục miễn phí và dịch vụ giáo dục thu phí để có kinh phí tự hoạt động. Trung tâm được hỗ trợ đào tạo và quản lý bởi một đội ngũ có chuyên môn, có kế hoạch xây dựng mạng lưới truyền thông và mạng lưới tình nguyện viên rộng khắp. Đội ngũ tham gia điều hành sẽ được tập huấn kỹ lưỡng. Các nội dung học tập và dịch vụ giáo dục được thiết kế chu đáo, dài hơi và phong phú. Các hợp phần về công nghệ, STEM, nghệ thuật, tiếng Anh, tâm lý, thư viện, khuyến đọc đều được lên ý tưởng, quy trình và lộ trình hoạt động rõ ràng… Đã qua rồi cái thời làm được mọi việc chỉ bằng ý chí, chủ trương, phong trào. Với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay thì chính những người quản lý các loại hình giáo dục cộng đồng và khuyến đọc càng cần biết kết nối và tận dụng mọi nguồn lực xã hội, bao gồm cả các hội đoàn và các tổ chức phi chính phủ, và đặc biệt là những chuyên gia, trên cơ sở phát triển hài hòa trách nhiệm và lợi ích mỗi bên, tận dụng chứ không “lợi dụng” nhau. Tôi tin rằng, nếu Hà Giang đồng ý đưa vào thí điểm và thí điểm thành công thì chúng ta có cơ hội có được những mô hình học tập thường xuyên và suốt đời thật sự hiệu quả.

Những ý tưởng khác


Lớp học tiếng Anh miễn phí của Vi-Mickey English Center tại nhà cho các hộ làm du lịch cộng đồng tại bản Nưa, Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Vi-Mickey English Center

Trong nhóm đi thực tế Hà Giang của chúng tôi có Vi Thị Thắm, một cô gái trẻ hoạt động trong lĩnh vực du lịch và là người sáng lập, điều hành Vi-Mickey English Center tại Con Cuông, Nghệ An. Trở về sau những năm du học về Phát triển và Văn hóa tại Úc, Thắm nung nấu một cách đóng góp cho cộng đồng của mình: phát triển ngành du lịch ở quê hương. Cách làm của Thắm rất nhỏ nhẹ nhưng bền bỉ và bắt đầu từ việc… dạy tiếng Anh cho các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng. Thắm cũng chia hoạt động của mình thành hai mảng: mảng hỗ trợ cộng đồng (miễn phí hoặc thu phí rất thấp đối với những cá nhân và hộ gia đình khó khăn) và duy trì mảng thu phí dịch vụ nhưng không cao, để có kinh phí triển khai những ý tưởng táo bạo khác mà cô đang theo đuổi. Cô tham gia Hội thảo, lắng nghe và ghi chép nghiêm túc, rồi bối rối thổ lộ: “Ban đầu, em chỉ muốn đơn giản là tạo môi trường và cơ hội học tiếng Anh cho các em nhỏ ở miền núi Con Cuông. Sau đó, trong quá trình làm việc, em mới thấy có thể mở rộng cơ hội việc làm cho bà con qua việc học tiếng Anh và phát triển du lịch… Chỗ em mới chỉ phục vụ được cho… 200 người đều đặn tham gia học tại Vi-Mickey và câu lạc bộ tiếng Anh định kỳ hằng tháng!” 200 học viên – một con số không nhỏ khiến nhiều TTHTCĐ mơ ước! Đến Hà Giang, thăm công viên địa chất Đồng Văn, cô phát hiện một việc có thể làm “ngay và luôn”: tổ chức dạy tiếng Anh cho đội ngũ… xe ôm ở đây!


Buổi đọc truyện “Những chiếc áo ấm” của Võ Quảng tại trường THCS Quảng Ngần (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) trong chương trình tập huấn quy trình tổ chức CLB Đọc sách thuộc dự án Tủ sách Tri thức và Ước mơ, tháng 10/2014. Ảnh: CLB Đọc sách cùng con.

Nhân câu chuyện của Thắm ở Con Cuông, tôi cũng muốn chia sẻ đôi chút về mô hình câu lạc bộ Đọc sách cùng con mà chúng tôi theo đuổi đã bảy năm nay. Mục đích của CLB: hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trong gia đình, tạo cảm xúc và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ từ 12 tháng tuổi thông qua phương pháp đọc-kể tương tác; xây dựng những “cộng đồng đọc” nhỏ, khuyến khích và cổ vũ từng người đọc; từ đó chăm sóc cho một “thế hệ người đọc mới” được trang bị kỹ năng đọc, kỹ năng tự học và được trau dồi năng lực rung động với cuộc sống, với văn chương. CLB còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục gia đình và cho rằng, mỗi gia đình cũng là một môi trường “học tập thường xuyên, trọn đời” cho mỗi cá nhân. Ở một góc độ nào đó, CLB cũng là một mô hình học tập cộng đồng xuất phát từ sáng kiến của “tư nhân” như Vi-Mickey English Center tại Con Cuông, hoạt động phi lợi nhuận với hai mảng: miễn phí và thu phí để vận hành. Mảng miễn phí là hoạt động đọc sách, mỹ thuật… diễn ra đều đặn mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật tại các phòng đọc của CLB. Các bạn nhỏ tham gia chỉ đóng phí thành viên, tính ra khoảng 10 nghìn đồng/buổi, chi vào việc chuẩn bị học phẩm. Những buổi đọc sách lớn, các gia đình tham gia hoàn toàn miễn phí. Song song với các buổi hướng dẫn đọc sách, CLB chăm lo cho mảng giới thiệu sách tới các bố mẹ và các con. Mỗi tuần, ít nhất có từ 5 đến 7 cuốn sách được các cô giáo và các cộng tác viên CLB đọc kỹ và viết bài giới thiệu, trong đó có những bài viết mô tả kỹ cách đọc cuốn sách, cung cấp các bài tập, trò chơi đi kèm…

Mô hình này không tạo thành phong trào lớn mạnh mà chỉ là một hiệu ứng xã hội cũng tương đối “nhỏ nhẹ”, nhưng bền vững. Sau ba năm hoạt động (từ 2010 đến 2013) và thử nghiệm nhiều phương pháp, chúng tôi đã đúc kết được một quy trình vận hành mô hình ngắn gọn, đơn giản, dễ làm và từ năm 2014, chúng tôi bắt đầu chia sẻ và nhân rộng mô hình hoạt động câu lạc bộ đến nhiều tỉnh thành thông qua các dự án do các tổ chức và cá nhân khởi xướng: Quy trình được đưa vào tập huấn cho giáo viên, phụ huynh các trường, hướng dẫn viên các câu lạc bộ ở thôn bản, trường học của hầu hết các huyện thuộc các tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Giang, Thái Bình v.v. và những thành phố nhỏ lẻ khác thông qua các dự án của Tầm nhìn thế giới (World Vision), Không gian đọc (Rooms to Read), Cơm có thịt, Tri thức và ước mơ, Sách cho em… trong những năm qua. Chỉ trong vòng một năm, từ tháng 10/2014 đến 10/2015, CLB đã tập huấn cho 368 thầy cô giáo ở Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh (Hà Giang). Quy trình này ngày càng được hoàn thiện và được chia ra làm nhiều cấp độ: cấp độ tạo động lực; cấp độ cung cấp kỹ năng để duy trì động lực học-đọc; cấp độ nâng cao tạo niềm yêu thích lâu bền, tự đào tạo, tự giáo dục và có ảnh hưởng tới những cá nhân khác trong cộng đồng. Chúng tôi đang có ý định trao lại quy trình này cho mô hình TTHTCĐ kiểu mới ở Hà Giang nói trên nếu trung tâm này được phép thử nghiệm hoạt động.

Để phát triển các TTHTCĐ, dường như chúng ta đã có đầy đủ mọi nguồn lực: nhà nước cho ngân sách (dù không nhiều nhưng vẫn có giá trị nhất định), cơ sở vật chất, tư cách pháp nhân; các đơn vị tư nhân thì có chuyên môn và giải pháp – nhưng mỗi người chạy theo một hướng, ai cũng có khó khăn nhưng không bao giờ ngồi lại để tính bài toán hợp tác hiệu quả. Ở đây còn có một barie lớn: đó là nỗi lo ngại về sự tư lợi. Trong công việc, ở nhiều nơi, tôi luôn phải đối mặt với hai vấn đề – một là đối tác luôn chăm chăm muốn có được quy trình – cũng là sản phẩm trí tuệ của một cá nhân, một tập thể mà không muốn chi trả; hoặc, hai là, ở chiều ngược lại, nếu có ý định “cống hiến” thì sẽ bị đặt câu hỏi về “động cơ”, từ đó có nhiều cản trở ngay từ mặt tâm lý, khiến việc hợp tác khó diễn ra mà không có xung đột. Chính vì vậy, một cách tổ chức mới, trung dung như “TTHTCĐ thành phố Hà Giang” được đề xuất trong Hội thảo vừa qua cho tôi le lói niềm tin vào một sự kết nối hiệu quả giữa nhà nước và các đối tác bên ngoài được nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện tham gia như những đối tác quan trọng và thiện chí.

Tại Việt Nam, từ năm 1988 đã có những TTHTCĐ đầu tiên được thành lập và hoạt động. Năm 2005, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 112/2005/QĐ-TTg đề ra mục tiêu đến năm 2010, 80% xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ. Tuy nhiên, mục tiêu này đã được hoàn thành trước thời hạn hai năm. Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ tại xã, phường, thị trấn tại Quyết định 09/2008/QĐ/BGDĐT, tạo hành lang pháp lý cho các TTHTCĐ này hoạt động. Theo đó, TTHTCĐ do Ủy ban Nhân dân cấp xã quản lý trực tiếp và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của phòng GD&ĐT và có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

——–
1 Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng tỉnh Hà Giang, thành viên Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang, gồm các chuyên gia ở một số lĩnh vực được đào tạo bài bản ở nước ngoài, trong đó Giám đốc Trung tâm là thạc sĩ Phát triển và Văn hóa Hoàng Diệu Thúy, một trí thức trẻ ở Hà Giang.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)