Từ cậu bé rửa bình thí nghiệm đến cha đẻ của Inox

Việc Harry Brearley được coi như người phát hiện ra thép không gỉ chủ yếu là do may mắn, nhưng việc ông được ghi nhận là cha đẻ của nó chính là do sự nỗ lực của ông.

Vào một ngày năm 1882, Harry Brearley – một cậu bé 11 tuổi gầy gò với mái tóc đen – lần đầu bước vào một xưởng sản xuất thép. Harry là một cậu bé nhút nhát, sợ bóng tối và kén ăn, nhưng đầy tò mò và cuộc cách mạng công nghiệp ở Sheffield (Anh) đã mở ra một cơ hội để thỏa mãn trí tò mò của cậu. Harry thích đi lang thang xung quanh thị trấn, xem người ta xây dựng đường, trát vữa, sơn tường, giao than, thái thịt, xay bột… Cậu có hứng thú đặc biệt với các xưởng: nếu cậu không thể nhìn rõ từ ngoài, cậu sẽ gõ cửa xin vào tận bên trong. Các nhà máy còn hấp dẫn cậu hơn nữa, và thậm chí Harry đã cố gắng tiếp cận bằng cách giao đồ ăn hoặc giả vờ giao đồ ăn cho thợ làm việc trong xưởng. Cậu ngồi hàng giờ trên những đống than lớn, say mê ngắm nhìn những người thợ đẩy nhiên liệu vào lò, đập những thỏi sắt trắng nóng và thử độ dẻo dai của thành phẩm, một công đoạn mà Harry đặc biệt thích. Sau phép thử, kim loại sẽ được quyết định là cực phẩm (darned good stuff – D.G.S) hay là phế phẩm. Mục tiêu của tất cả những người làm việc trong xưởng thép chính là sản xuất ra D.G.S – và đó là điều Harry luôn ghi nhớ.

Những lần dạo chơi trong xưởng thép thuở thơ ấu chính là điểm khởi đầu cho một cuộc đời dành trọn cho thép, mà không một chút phân tâm bởi các thú vui, các kì nghỉ hay các buổi lễ tại nhà thờ. Ông đã viết tám cuốn sách về kim loại, năm trong số đó có từ “thép” trong tiêu đề. Ông có thể dành cả đêm để tranh luận về việc chế tạo thép, và sự đam mê mà ông dành cho thứ kim loại này vượt quá cả tình cảm gắn bó mà ông dành cho bố mẹ, vợ hay con trai. Thép mới chính là tình yêu đích thực của Harry, và chẳng có gì lạ khi rồi chính ông sẽ phát hiện ra thép không gỉ.

Trợ lý khoa học từ năm 12 tuổi

Harry Brearley sinh ngày 18 tháng 2 năm 1871, và lớn lên trong một căn nhà nhỏ, chật chội trên đường Marcus, trên một ngọn đồi ở Sheffield. Thành phố là thủ đô sản xuất thép thế giới; năm 1850, các nhà sản xuất thép của Sheffield sản xuất một nửa số lượng thép ở châu Âu và 90% thép ở Anh.Trong nửa đầu thế kỷ 19, khi Sheffield nổi lên, dân số thành phố tăng gấp 5 lần. Ngôi nhà mà Harry lớn lên khá khiêm tốn với phòng khách rộng chỉ 10 feet vuông, và đôi khi những đứa trẻ phải đứng vì không có đủ ghế. Không có sách, hoặc hình ảnh, hoặc đồ chơi; không có chỗ cho bàn làm việc. Nhà Brearley rất nghèo, dù họ không phải chịu cảnh đói nhưng họ cũng không xa cái ngưỡng đó là bao. Sau giờ học, Harry phải đi làm việc phụ giúp gia đình, và nhặt những viên than rơi ra từ tàu hỏa mang về cho mẹ. Không có tiền mua sách, cậu phải mượn từ thư viện và sao chép toàn bộ bằng tay. Rời khỏi trường học năm 11 tuổi và theo luật là đủ tuổi làm việc (trừ những việc trong nhà máy), nhưng trí tò mò và tinh thần học tập của cậu bé sáng dạ vẫn còn nguyên vẹn.

Vì vậy Harry không hài lòng với những công việc đầu tiên của mình. Cậu dành ba ngày trong cửa hàng ủng của Marshalnd với việc bê đồ và đánh xi giày từ 8h sáng đến 11h tối, và căm ghét nó; dành một tuần trong xưởng đúc sắt của Moorwood, và sáu tuần khi làm phụ việc cho một bác sĩ, và ba tháng trong xưởng sản xuất thép Thomas Firth&Sons trước khi bị sa thải vì vi phạm quy định lao động.

Nhưng rồi bước ngoặt cũng đến khi Harry được thuê vào làm công việc rửa ống nghiệm trong phòng lab của nhà hóa học James Taylor. Cậu bé Harry choáng ngợp khi lần đầu tiên nhìn thấy nhiều chai lọ đến mức cậu tưởng đây là quán rượu. Mặc dù lúc đầu công việc khá tẻ nhạt với Harry, mẹ cậu đã thuyết phục được cậu ở lại và chẳng bao lâu sau, cậu trở thành đệ tử của Taylor khi 12 tuổi.

Taylor bắt đầu đào tạo Harry bằng cách dậy cậu về số học (cậu tự mua sách) và rồi đại số (Taylor tặng Harry cuốn sách này – cậu tự hào mang về khoe với cả nhà và không bao giờ quên ơn người thầy của mình). Dưới bàn tay của Taylor, Harry đã học được cách xử lý các loại gỗ, sơn hàn, thổi thủy tinh, đóng sách và làm việc với kim loại. Trong khi bạn bè còn đang rong chơi, Harry đã học được những kỹ năng mới. Chính điều đó đã truyền cảm hứng cho Harry để tự làm đồ nội thất, khâu giày cho riêng mình và viết báo, với bài đầu tiên được đăng trên tạp chí Windsor, mô tả đặc trưng của các loại mực khi viết trên giấy mà ông thử hàng trăm ví dụ, bài báo tiếp theo có tiêu đề “Tập thể dục bằng cách thổi bong bóng”. Ông cũng tham gia các lớp học ban đêm để học toán và vật lý, dưới sự khích lệ của Taylor.

Khi Harry 20 tuổi, anh thành thạo trong hầu hết các nghề thủ công, mặc dù về mặt chức danh, anh chỉ là một người thợ rửa bình. Phòng thí nghiệm phù hợp với Harry; tại nơi làm việc, một trợ lý thỉnh thoảng hát opera hoặc đọc thơ, trong khi Taylor thường xuyên thảo luận về thực phẩm, kinh tế, giáo dục, chính trị và phúc lợi xã hội. Trong bối cảnh này, Harry trở nên thoải mái với việc tiếp xúc với những người có học thức.

Say vì thép

Sau khi mẹ ông qua đời, Harry Brearley chuyển đến cùng với anh trai Arthur. Cùng năm đó, Taylor rời phòng thí nghiệm để làm việc tại Úc, và Brearley được thăng chức thành trợ lý phòng thí nghiệm. Suy ngẫm về cuộc sống phía trước, Harry quyết định việc học nhiều hơn không dành cho ông. Giống như thép, Harry rất cứng rắn và không hề khoan nhượng với những thứ ông không thực sự muốn.

Harry gặp gỡ và sau đó kết hôn với Hellen, ở tuổi 24. Ông được thăng chức trở thành nhà hóa học phân tích tại phòng thích nghiệm với mức lương 2 bảng một tuần. Gia đình nhỏ của Harry sống chủ yếu bằng bánh mỳ, hành tây và bánh táo, trong một ngôi nhà nhỏ kiểu nông thôn ở phía nam Sheffield, Nhưng trong cuốn tự truyện của mình, Harry hiếm khi nói đến gia đình (ông không nói về vợ, và chỉ thỉnh thoảng nhắc đến đứa con trai duy nhất Leo Taylor Brearley của mình, được đặt theo tên người thầy James Taylor của ông). Nhưng ông nhắc đến một cách say sưa về “tình yêu” của mình: “Tôi yêu công việc của mình, và tôi nghĩ chẳng mấy thứ có thể tốt hơn việc được sống để tiếp tục nó.” Ông đam mê công việc đến mức cảm thấy như say vì nó.

Không để lãng phí một chút thời gian nào, Harry đã dành sáu năm tiếp theo đọc mọi thứ liên quan đến luyện kim, bắt đầu với những tạp chí định kì về hóa học, hiếm khi dừng lại trừ phi để ăn trưa. Tiếp theo ông đọc về Mangan, và tất cả những quá trình mà kim loại này có thể được phát hiện trong thép. Sau đó ông lại đọc về các nguyên liệu khác trong ngành sản xuất thép, và ông ghi lại toàn bộ những gì đã học được. Ông tiếp thu kiến thức một cách cẩn thận và có phương pháp, tích lũy càng nhiều càng tốt. Trong phòng thí nghiệm, bất cứ ai “tiết kiệm” được thời gian có thể hưởng khoản tiết kiệm này theo ý muốn của mình, và do đó sau khi tốn vài giờ cho công việc, Harry dành phần còn lại của ngày vùi đầu vào sách và những thí nghiệm của riêng ông.

Vào cuối những năm 1920, Harry Brearley bắt đầu viết các bài báo kỹ thuật về hóa học và phân tích kim loại cho các ấn phẩm như tờ Tin tức hóa học (Chemical News). Taylor gửi thư từ Úc cho Brearley, đề nghị một công việc liên quan đến khảo nghiệm vàng và bạc. Ông từ chối do đã tạo dựng được danh tiếng về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thép nên ông muốn tiếp tục nó.

Vào mỗi thứ bảy, như một thú vui, ông lại gặp gỡ Fred Ibbotson, một giáo sư ngành hóa học kim loại. Khi đó, Ibbotson sẽ đưa ông vài mẫu kim loại, và thử thách ông trong vòng 10 phút, 20 phút, 30 phút chỉ ra những mẫu kim loại đó chứa các nguyên tố gì. Còn mỗi chủ nhật, ông lại cùng anh trai Arthur làm việc trong phòng thí nghiệm (Arthur phải đi bộ 3 dặm để đến được đó), cùng nhau phân tích đủ mẫu thép để có thể trở nên thành thạo, và đây chính là sự khởi đầu của một mối quan hệ công việc kéo dài đến suốt đời với anh trai của mình. Hai mươi năm sau, hai người cùng viết Thỏi và khuôn Thỏi (Ingots and Ingot Molds), cuốn sách mà Brearley coi như tác phẩm xuất sắc nhất của mình. Hai năm sau đó, khi ông đoạt huy chương vàng Bessemer, giải thưởng cao nhất được trao tặng bởi Viện sắt thép vì những đóng góp xuất sắc cho ngành công nghiệp thép, ông đã dùng cơ hội đó để vinh danh anh trai mình. Cuốn sách thứ sáu của ông được dành riêng cho Arthur, và trong đó, ông gọi anh trai mình là “một người làm việc tốt hơn, một người quan sát tốt hơn và một nhà thực nghiệm tài năng hơn tôi.”

Năm 1901, ở tuổi 30, Brearley được Kayser, Ellison & Co. thuê với tư cách là một nhà hóa học làm việc với các công cụ thép tốc độ cao được Frederick Winslow Taylor phát hiện ra 3 năm trước. Taylor đã nhận ra rằng, cùng một loại thép, nếu nung tới khi đỏ (như màu cherry), sẽ rất cứng, nhưng lại yếu nếu vượt quá nhiệt độ đó. Ông ngạc nhiên khi thấy nếu ông tiếp tục làm nóng cho đến khi chuyển sang màu vàng cá hồi, thép sẽ trở nên siêu cứng.

Năm 1902, Brearley đồng sáng tác cuốn sách đầu tiên của mình với Giáo sư Ibbotson, “Phân tích vật liệu trong nhà máy thép”. Cùng năm đó, ông hợp tác với người bạn cùng làm việc trong phòng thí nghiệm, Colin Moorwood, để tự thành lập một công ty tên là Amalgams Co. Họ phát triển một loại kim loại giống như đất sét độc đáo, và rồi bán cho một doanh nghiệp địa phương. Brearley thường dành hàng giờ với Moorwood để thử nghiệm vật liệu mới, và trong vòng một năm, Ông đã hoàn thành cuốn sách thứ hai của mình, Phân tích khía cạnh hóa học của Uranium (The Chemical Analysis of Uranium).

Khó khăn và tháo bỏ những định kiến

Ngành kinh doanh thép phát triển rất tốt, và Brearley quyết định về làm việc với cương vị một nhà hóa học cho người chủ cũ của mình, Thomas Firth & Sons, mới mua lại một tại nhà máy thép ở Riga- cảng lớn thứ hai của Nga, trên Biển Baltic – để sản xuất thép cho thị trường khổng lồ của Nga mà không phải trả tiền thuế xuất khẩu. Arthur Brearley cũng sẽ tham gia làm việc tại nhà máy, và Moorwood sẽ là giám đốc. Cả ba cùng đến đó vào một mùa đông lạnh giá năm 1904.

Moorwood để cho ông toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến kĩ thuật, và ông được thăng chức làm giám đốc kĩ thuật chỉ sau một năm. Ông chịu trách nhiệm xây dựng lò nung và cả việc bán những công cụ khoan cắt bằng thép. Brearley có thể khiến nhiều khách hàng của mình vô cùng ngạc nhiên khi có thể trút bỏ vẻ ngoài bảnh bao của một nhà kinh doanh và ngay lập tức làm việc trong lò, giống như bất kì người thợ nào khác, để chứng tỏ chất lượng sản phẩm của mình. Brearley là ai: Một giám đốc kỹ thuật hay là một người thợ? Với gương mặt thon dài, đôi mắt to, đen và sáng, Brearley trông vẫn giống như một thiếu niên. Ông lúc nào cũng cạo râu nhẵn nhụi, mái tóc ngắn đen để ngôi giữa và đeo kính gọng mảnh. Đôi tai ông lúc nào cũng ở trong tình trạng nghe ngóng. Nhưng tính cách của ông đã được định hình: Brearley là người làm việc chăm chú và tận tụy, tự tin nhưng không độc tài và chắc chắn không bao giờ tham lam. Kiếm được rất nhiều tiền nhưng ông vẫn tiết kiệm, không hề khao khát một ngôi nhà lớn, những chiếc xe bóng lộn hay những bữa ăn sang chảnh. Ông không thích khoe khoang, và không hề quan tâm đến chính trị. Ông chỉ đơn giản là một người giỏi công việc của mình.  

Cách mạng Nga nổ ra vào năm 1905. Cuộc nổi dậy về chính trị và văn hóa không làm Brearley bận tâm nhiều; thực tế, ông còn tham gia Đảng Lao động Quốc tế hồi ở Anh, nhưng các cuộc đình công khiến nhà máy không thể sản xuất thép, và điều này khiến ông khó chịu. Một cuộc mít tinh bất thường diễn ra trên một khu đất trống của nhà máy với hai nghìn người tham gia. Trước khi cuộc này diễn ra, súng lục được cấp cho mọi người. Và sau đó không lâu, một người thợ rèn bị sát hại bên ngoài căn hộ của anh ta, nửa tá công nhân nhà máy bị bắt vào tù. Sợ hãi, ba kĩ sư trốn khỏi đất nước, và Moorwood cũng vậy. Brearley tiếp tục công việc như là tổng giám đốc, thay thế chỗ của Moorwood. Ông ngồi ghế của Moorwood, bên cạnh chiếc bàn lớn hình móng ngựa của Moorwood, mặc trang phục của Moorwood và hút xì gà của ông. Đó là thứ xa hoa nhất mà ông từng làm từ trước đến giờ.

Khi Brearley nắm trọng trách, ông mua những thiết bị mới. Ông mua kính hiển vi, điện kế, cặp nhiệt điện và dành hàng tuần để mày mò với chúng trong một tầng hầm. Tầng hầm đó trở thành địa điểm cho những buổi gặp gỡ vào tối thứ Sáu giữa những người say mê nói về thép hơn là nói về cách mạng. Trong một cuộc đình công, không có việc gì khác tốt hơn, những nhân viên ở tầng hầm tự chế ra một thiết bị ghi nhiệt độ được làm từ một chiếc đồng hồ và vỏ hộp bánh quy. Họ thu thập những mẩu thép đã được tôi ở nhiệt độ khác nhau, thử đập vỡ chúng và so sánh chất lượng của chúng. Họ say sưa với những mẫu vật kì bí. Họ lao vào những gì mới mẻ để tạo ra những thảo luận có giá trị. Họ tranh cãi đến tận khuya. Bị tách biệt khỏi công ty mẹ ở Anh và nguyên liệu cung cấp cho nhà máy bị đình trệ trong suốt những mùa đông dài, họ phải tập thích nghi với điều đó, học cách đổi mới sáng tạo và dùng những vật liệu thay thế. Bằng cách này, họ thu nhận những kinh nghiệm mới, và những gì giáo điều về sản xuất thép trong con người Brearley không còn lại một chút gì nữa. 

Cha đẻ của Inox

Khi Brearley trở về Anh vào năm 1907, ông được mời làm việc trong một phòng thí nghiệm nghiên cứu Brown-Firth, một cơ quan được hai tập đoàn John Brown và Công ty, chuyên xây dựng tàu chiến và Firth, chuyên sản xuất tấm áo chống đạn vận hành. Là giám đốc nghiên cứu, Brearley được tự do quyết định nhận hay từ chối bất cứ dự án nào, và quan trọng hơn, với cổ tức của Brearley trong công ty Amalgams Co cũ, sếp của ông đồng ý chia quyền sở hữu với bất cứ khám phá nào.

Brearley thấy mình như vị cứu tinh của thép. Ông coi trọng chất lượng hơn số lượng, soi xét kĩ từng chi tiết của sản phẩm. Nhưng ông đã nhìn thấy cây mà không thấy rừng, ở Firth, họ có những ưu tiên sai lầm. Firth coi trọng số lượng. Quy mô. Biên lợi nhuận. Thị trường.

Brearley biết rằng, miễn là những tính chất vật lý của thép được đảm bảo, thì dù thành phần hóa học trong đó chiếm 0.035% lưu huỳnh hay 0.05% lưu huỳnh cũng không có gì khác biệt như theo quảng cáo của Firth với khách hàng. Nhưng điều khác biệt mà ông đã bỏ lỡ, một người quản lý nói với ông, chính là 2 bảng chênh lệch đối với một tấn thép họ bán ra nếu họ “lừa” được khách hàng. Đó là một bài học về chính trị cũng như thương mại: việc thép có tốt hơn hay không không quan trọng, quan trọng là mọi người nghĩ rằng nó là tốt hơn, và sẵn sàng trả nhiều hơn cho nó. Và ông cảm thấy đó là một sự sỉ nhục.

Vào tháng 5 năm 1912, Brearley di chuyển hơn 200 km đến miền Nam nước Anh, tới Nhà máy sản xuất Vũ khí nhỏ của Quân đội Hoàng gia để nghiên cứu về quá trình ăn mòn của thùng đựng vũ khí. Ông xem xét vấn đề và viết, vào tháng 6 “Có lẽ ta nên thử ăn mòn một vài mẫu thép có hàm lượng carbon thấp và hàm lượng crom cao cùng một lúc xem sao…”. Ông dành phần lớn thời gian thử nghiệm với các loại thép có hàm lượng crom khác nhau, từ 6 đến 15% nhưng không có kết quả gì. Ông thử nung trong lò bằng điện. Những mẫu đầu tiên không tốt, nhưng ông đã thành công ở lần thứ hai, với công thức 12,8% crom, 0,24% carbon, 0,44% mangan và 0,2% silicon. Ông tạo ra một thỏi vuông 3 inch và sau đó cuộn nó thành một thanh có đường kính một inch rưỡi. Từ đó, ông đã làm 12 thùng súng và gửi đến nhà máy

Nhưng nhà máy lại không thích chúng

Brearley nhận ra một tính chất thú vị ở mẫu kim loại của mình: chúng không hề bị nhơ hay gỉ dù để vào nước qua đêm. Ông đánh bóng nó, dùng axit nitric hòa tan để khắc và nhìn nó dưới kính hiển vi: nó không hề bị mòn, hay nói chính xác là quá trình bào mòn diễn ra rất chậm. Phản ứng với giấm và chanh cho ra kết quả tương tự. Ông so sánh một mẫu thép carbon được đánh bóng với một mẫu thép crom được đánh bóng, và ngạc nhiên khi tìm thấy sau 12 ngày, trong khi mẫu thép carbon đã rỉ sét, mẫu thép crom vẫn sáng bóng.

Brearley đã viết một bản báo cáo và đưa nó cho sếp của mình. Tuy nhiên, kim loại mới không hề khiến họ hào hứng. Brearley đã chỉ ra rằng kim loại này rất thuận tiện để làm dao kéo, mà vào thời điểm đó được làm bằng thép carbon hoặc bạc (chất liệu đầu tiên sẽ bị rỉ sét, và bạc thì quá đắt tiền và vẫn bị xỉn màu). Tuy nhiên chẳng mấy người mặn mà với ý tưởng dùng loại thép mới mà Brearley vừa chế tạo. Điều đó không làm ông nhụt chí, ông liên tục nói về tác dụng của nó trong việc làm dao kéo. Ông gửi mẫu thép cho hai thợ cắt dao ở Sheffield, George Ibberson và James Dixon. Vài tháng sau, họ gửi lại một bản báo cáo Thép sẽ không thể rèn, làm cứng hoặc đánh bóng — và sẽ không thể mài sắc. Sử dụng nó để làm dao là vô ích. Họ thậm chí còn gọi ông là  “người phát minh ra dao mà không thể cắt”.

Tuy nhiên, Brearley không từ bỏ: ông tin rằng những người làm dao đã sai. Ông đề nghị các ông chủ của mình sản xuất dao. Họ nói không. Ông tiếp tục đề nghị một bằng sáng chế và chỉ nhận được một cái lắc đầu từ chối.

Vào tháng 6 năm 1914, Brearley gặp một nhà quản lý của công ty dao kéo Robert F.Mosley, tên là Ernest Stuart, một người cũng có sự kiên trì chẳng kém ông. Chính Ernest Stuart là người đầu tiên nghĩ đến cái tên “thép không gỉ” (stainless steel). Lần thứ nhất, ông tạo ra một con dao cắt phô mai nhưng vấn đề là thép quá cứng, và làm hỏng hết các dụng cụ mài sắc của ông. Ở lần thử thứ hai, những con dao không chỉ cứng mà còn giòn nữa. Trong lần thử thứ ba, Brearley được mời đến xem, mặc dù ông không biết gì về việc làm dao. Nhưng ông biết nhiệt độ mà thép cứng lại, và do đó ông đã giúp Ernest tạo ra chục con dao.

Vào ngày 2 tháng 10 năm 1914, Brearley đã viết một báo cáo khác cho các ông chủ của mình khi ông nhận ra rằng thép không gỉ mới này ngoài làm dao, kéo, còn có thể hữu ích trong cọc, piston, pít-tông và van. Và chính sự bền bỉ này đã giúp ông làm được điều mà những người khác không thể.

Firth nhanh chóng nhận ra giá trị công nghiệp của thép của mà Brearley chế tạo để sử dụng trong các van xả động cơ, và đã bắt đầu tiếp thị nó dưới tên là F.A.S. — Firth’s Aeroplane Steel (Thép để chế tạo máy bay của Firth). Brearley đã nợ Stuart cách gọi tên này. Thép để chế tạo máy bay hẳn là nghe hay hơn cực phẩm. Stuart đã khiến thép của Brearley nghe như một phép màu, và phép màu đó là sự thực. Năm 1914, công ty sản xuất 50 tấn thép; trong hai năm tới, Firth đã sản xuất thêm 1.000 tấn nữa. Brearley mua 18 thanh thép và sử dụng chúng để làm dao rồi mời bạn bè (của cả ông và Stuart) dùng thử. Ông yêu cầu họ trả lại những con dao nếu, khi tiếp xúc với bất kỳ thức ăn nào, chúng bị nhuộm màu hoặc rỉ sét. Không có con dao nào được trả lại. Stuart biết ông đang nhìn thấy tương lai của ngành dao kéo, và ra lệnh mua thêm 7 tấn kim loại nữa.

Thành công mang lại sự thù địch ngay lập tức, bởi vì tầm nhìn của Brearley và Firth là hoàn toàn khác nhau. Họ đã bỏ qua tên của Brearley mà quảng cáo chúng như thể họ là người phát minh, nhà sáng chế của thép không gỉ. Sau nhiều tranh cãi, Brearley cảm thấy bị ngược đãi và ông từ chức vào năm 1914.  

Nhưng hơn nữa, Harry Brearley không hề biết được trước ông, có ít nhất 10 người khác đã tạo ra sản phẩm tương tự. Họ cũng được cấp bằng sáng chế và thương mại hóa nó. Ít nhất hai chục nhà khoa học ở Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Điển và Mỹ đang nghiên cứu các hợp kim thép bằng cách thay đổi lượng crom, niken và carbon trong đó. Faraday đã cố gắng gần một thế kỷ trước đó. Việc ông được coi như người phát hiện ra thép không gỉ chủ yếu là do may mắn, nhưng việc ông được ghi nhận là cha đẻ của nó chính là do sự nỗ lực của ông. Đó là bởi vì, thành công thương mại đòi hỏi phải pha trộn khoa học và tiếp thị; một nhà sản xuất thép không chỉ cần nhận ra giá trị của một hợp kim mới, mà còn cả khả năng đưa nó vào ứng dụng.

Minh Châu lược dịch
Nguồn và ảnh: http://nautil.us/issue/36/Aging/the-father-of-modern-metal

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)