Từ điện thoại cố định đến di động

Chào đời mới 40 năm nhưng điện thoại di động (ĐTDĐ) đã lập được một kỷ lục lịch sử: cho tới nay chưa một thiết bị điện tử nào sánh được với nó về mức độ phổ cập sử dụng - 7 tỷ con người trên Trái đất hiện đang dùng 6 tỷ chiếc ĐTDĐ.

Nhiều thế rồi mà các hãng sản xuất ĐTDĐ vẫn liên tục đưa ra những sản phẩm mới có nhiều tính năng khôn ngoan hơn, bền hơn, pin dùng lâu hơn, nhẹ hơn, nhỏ hơn. Hầu như cứ cách vài tháng, các hãng sản xuất đồ điện tử Apple, Samsung, Nokia, Motorola… lại tung ra sản phẩm mới.

Cách đây hơn chục năm, ai trong chúng ta có ĐTDĐ thì oách lắm. Giữa thập niên 90 nhiều người phải bỏ ra 2 triệu đồng, tức gấp bốn lần lương trung bình hồi ấy để sắm một cái NOKIA to gấp mấy lần cái NOKIA bây giờ bán với giá nửa triệu bạc!

Dù sao cái NOKIA thập niên 90 ấy vẫn chỉ nhỏ bằng một góc cái ĐTDĐ đầu tiên của nhân loại – chiếc Motorola DynaTAC 8000x mà cách nay chẵn 40 năm, sáng ngày 3/4/1973 Martin Cooper dùng để thực hiện cuộc gọi đầu tiên bằng ĐTDĐ khi ông đang đứng giữa Đại lộ số 6 ở Manhattan, New York, Mỹ.

Đó là cuộc gọi cho Joel Engel, một đối thủ cạnh tranh cùng nghiên cứu về ĐTDĐ, làm việc ở Phòng Thí nghiệm Bell Labs. Martin Cooper nói vào chiếc điện thoại cầm tay: “Joel, tôi là Martin đây. Tôi gọi cho ông từ điện thoại di động của tôi, một thiết bị cầm tay thực thụ.”

Cuộc gọi lịch sử ấy đã đặt nền móng cho sự phát triển sau này của loại hình thiết bị liên lạc di động – phải gọi như thế mới đúng, vì điện thoại chỉ là một trong nhiều chức năng của loại thiết bị này.

Thiết bị Cooper dùng để gọi cú điện thoại ấy có tên đầy đủ là Dynamic Adaptive Total Area Coverage, một mẫu ĐTDĐ thử nghiệm của hãng Motorola. Nó thật sự là một cục gạch theo đúng nghĩa đen: nặng 1,1 kg, dài tới 25 cm. Ngay cả các kỹ thuật viên của Motorola cũng gọi nó bằng hai biệt danh là “chiếc giày” hoặc “cục gạch”, do kích thước tương đương nhau.

Gần 100 năm trước cuộc gọi ấy của Martin Cooper từng xảy ra một cú “call” có ý nghĩa lịch sử hơn tại thành phố Boston nước Mỹ. Đó là cuộc gọi tình cờ qua đường dây điện thoại từ căn phòng của Alexander Graham Bell (đang làm thí nghiệm phát minh điện thoại) sang phòng bên, nơi người giúp việc của ông là thợ cơ khí Watson đang làm việc. Bell nói: “Anh Watson! Sang đây nhé, tôi muốn gặp anh!” Watson lúc ấy đang dí tai vào chiếc ống nghe bằng gỗ. Mọi lần hai người chẳng ai nghe thấy gì, nhưng lần này Watson nghe rõ thấy mấy câu ấy; anh chạy sang báo ngay cho Bell biết: Thí nghiệm của họ đã thành công! Đó là ngày 10/3/1876.

Trước đó ít lâu Cơ quan Sáng chế Mỹ nhận được đơn xin cấp bằng sáng chế điện thoại do Bell gửi tới. Hai tiếng đồng hồ sau họ lại nhận được đơn của Elisha Gray, một đối thủ cạnh tranh của Bell. Hai bản thiết kế điện thoại có cùng nguyên lý, nhưng rốt cuộc chỉ Alexander Graham Bell được cấp Bằng Sáng chế – đó là tấm bằng số 174465 cấp ngày 7/3/1876 – còn tên tuổi Elisha Gray thì rơi vào quên lãng. Năm đó Bell mới 29 tuổi. Năm 1877 anh lập Công ty điện thoại Bell, nhanh chóng giàu lên một cách chính đáng.

Do sáng chế ra điện thoại, năm 1880, Bell được Chính phủ Pháp tặng giải thưởng Volta trị giá 50.000 francs (tương đương 10 nghìn USD thời ấy hoặc 250 nghìn USD hiện nay). Ông dùng số tiền đó lập Phòng Thí nghiệm Volta, tiền thân của Phòng thí nghiệm Bell (Bell Labs) khổng lồ sau này. Bell Labs ngày nay có kinh phí nghiên cứu hằng năm khoảng 1 tỷ USD, tập hợp khoảng 10 nghìn chuyên gia làm việc trong hơn 100 phòng thí nghiệm trên toàn nước Mỹ, một số người trong số gần 3000 nhà khoa học của Bell Labs từng nhận 7 giải Nobel khoa học.

Năm 1888, Bell cùng bạn bè sáng lập Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society). Hội này xuất bản tạp chí National Geographic cho tới nay vẫn rất nổi tiếng. Bell trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử loài người.

Martin Cooper năm nay 84 tuổi không được vinh danh cao như Bell, tuy phát minh ĐTDĐ của ông đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội không thua gì Bell.

Cooper sinh năm 1928 trong một gia đình Ukraine gốc Do Thái di cư sang Mỹ, sống tại Chicago, bang Illinois. Từ bé ông đã say mê với các thiết bị điện. Năm 1950 Cooper tốt nghiệp Viện công nghệ Illinois (IIT) rồi tham gia lực lượng dự bị Hải quân Mỹ, là sĩ quan phục vụ trên một chiếc tàu ngầm tham gia Chiến tranh Triều Tiên.

Sau khi xuất ngũ, Cooper lấy bằng thạc sĩ tại IIT rồi làm việc tại công ty Motorola, phụ trách nhóm nghiên cứu thiết bị liên lạc di động.

Thực ra từ năm 1946 công ty AT&T đã phát minh ra loại điện thoại dùng cho ô tô, có thể nối vào hệ thống điện thoại toàn nước Mỹ, từ trên ô tô có thể gọi về máy cố định. Đây cũng là một dạng ĐTDĐ, nhưng có hạn chế ở chỗ nếu rời khỏi ô tô thì không thể gọi được. Cooper nghĩ xa hơn, cuối thập niên 1960 ông nêu ý tưởng chế tạo một loại điện thoại mang theo người, có thể thực hiện cuộc gọi từ bất kỳ chỗ nào, lúc nào tùy thích. Loại điện thoại như vậy mới đại diện cho cá nhân; số điện thoại không nói lên một địa điểm nào đó, một văn phòng làm việc nào đó, một gia đình nào đó, mà đại diện cho một cá nhân nào đó. Dân Mỹ vốn trọng chủ nghĩa cá nhân, cái gì đề cao được vai trò cá nhân thì họ rất ưa chuộng

Công ty Motorola ủng hộ ý tưởng ấy và đầu tư tới 100 triệu USD – một số tiền cực lớn hồi đó cho dự án nghiên cứu của Cooper. Tháng 2/1973, nhóm nghiên cứu đưa ra mẫu điện thoại di động thử nghiệm DynaTAC. Nhưng chẳng ai mua “cục gạch” ấy. Nghiên cứu cải tiến mãi, 10 năm sau Motorola mới sản xuất được sản phẩm ĐTDĐ đích thực bán ra thị trường. Cooper cho đài BBC biết: series ĐTDĐ đầu tiên bán với giá mỗi cái 3.500 USD, vì thế hồi ấy ông cho rằng ĐTDĐ khó có thể trở thành sản phẩm tiêu dùng của đông đảo khách hàng.

Giờ đây ĐTDĐ đang tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm trên toàn thế giới. Người sử dụng luôn luôn sẵn sàng sắm một chiếc ĐTDĐ mới thông minh hơn cái đang dùng, vì thế công nghiệp ĐTDĐ luôn luôn phát triển với tốc độ kinh khủng và giá cả ngày một hạ cho vừa túi tiền của số đông.

Mike Short, Phó Tổng Giám đốc công ty Telefónica Europe nói: “Trong 40 năm qua, ĐTDĐ từ một công cụ thương mại đã nhanh chóng trở thành một mặt hàng tiêu dùng liên lạc tất cả mọi người lại qua mạng Internet.” Ông dự đoán: trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến những sản phẩm ĐTDĐ phổ cập hơn, rất nhiều cái sẽ trở thành một phần trong phục sức của mỗi người. “Sản phẩm phục sức như đồng hồ thông minh sắp sửa ra đời. Ngoài ra còn áo khoác có chức năng đo lường các chỉ tiêu sức khỏe của bạn, nó nối với chiếc ĐTDĐ trong túi bạn, sau đó nối tới bác sĩ riêng của bạn.” Nghĩa là khi sức khỏe bạn có vấn đề nguy hiểm, ĐTDĐ sẽ lập tức tự động báo các số liệu đo được cho bác sĩ biết để ông ấy gọi di động tư vấn ngay cho bạn, hoặc gọi cảnh sát tới giúp đỡ bạn! Như thế thì ai còn tiếc tiền không sắm cái áo và loại ĐTDĐ ấy?

Martin Cooper nói: ông rất mừng khi thấy mình có chút ảnh hưởng nhỏ bé tới đời sống của nhân loại. ĐTDĐ thực sự làm cho người ta sống tốt hơn. Nó cũng thúc đẩy sức sản xuất, làm cho mọi người sống thoải mái hơn, an toàn hơn v.v… Cooper đặc biệt vui khi thấy ông đã đi trước một bước trong cuộc cạnh tranh sáng chế ĐTDĐ.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)