Từ một vườn ươm đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho IOT?

Ngày 7/7 vừa qua đã diễn ra lễ khai trương Phòng Thí nghiệm Hòa Lạc IoT Lab (HIL) do bốn đơn vị thành lập bao gồm: Intel, Dell, DTT và Khu công nghệ cao Hòa lạc nhằm nhen nhóm một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT tại Việt Nam.


Intel đã thành lập một phòng thí nghiệm IoT mang tên Silicon Oasis IoT Lab tại Ấn Độ

 Tại sao lại cần một hệ sinh thái khởi nghiệp IoT tại Việt Nam? Và với các không gian làm việc chung (co-working space) và các không gian chế tạo (maker space) khang trang ở trung tâm Hà Nội đang mọc lên như nấm hỗ trợ các startup, tại sao lại cần HIL?

 Để hình dung một cách đơn giản, tạm chia một hệ thống IoT thành ba phần gồm: các thiết bị phần cứng (ví dụ các cảm biến để thu thập thông tin, dữ liệu từ các sự vật, cổng kết nối (gateway) để lưu trữ và lọc thông tin bước đầu, truyền về máy chủ;…); các ứng dụng phần mềm (để phân tích, sử dụng thông tin; để điều khiển các thiết bị phần cứng…) và hai thành phần này đều được chạy trên thành phần thứ ba là nền tảng IoT (đóng vai trò giống như một hệ điều hành của máy tính). Hiện nay, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp các giải pháp IoT ở Việt Nam chỉ tập trung viết các ứng dụng phần mềm và phát triển một số ít các thiết bị phần cứng. Những giải pháp IoT này hiện nay cũng ở mức đơn giản, chưa sử dụng nền tảng IoT và không theo một chuẩn giao tiếp chung, tức là các thiết bị của những hãng khác nhau sẽ không “nói chuyện” được với nhau, điều này sẽ tạo ra cản trở rất lớn khi cần tích hợp những thiết bị này để hình thành những giải pháp lớn, chẳng hạn như thành phố thông minh trong tương lai. 

 Hầu hết các startup cũng nhận thức được điều này nhưng với tiềm lực của một công ty khởi nghiệp, tạo ra một nền tảng hay chuẩn chung là điều không thể, bởi đầu tư ban đầu rất lớn và mất thời gian. DTT dành ra hàng triệu USD mỗi năm để xây dựng OIP – một nền tảng IoT nguồn mở dựa trên OIC (một cộng đồng do Intel thành lập bao gồm các tập đoàn lớn trên thế giới tham dự để xây dựng chuẩn giao tiếp chung cho các thiết bị IoT). OIP sẽ đóng vai trò giống như một hệ điều hành và các ứng dụng viết trên đó sẽ tương thích với phần cứng của tất cả các hãng công nghệ. 

Tầm nhìn của HIL

HIL có tham vọng thu hút những tập đoàn lớn trên thế giới, các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam, những nhà hoạch định chính sách, các công ty khởi nghiệp cùng đầu tư và phát triển chuẩn và nền tảng chung này, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ lẫn nhau. Với ảnh hưởng của mình, HIL hi vọng có thể thay đổi tư duy các công ty lớn, là hỗ trợ thay vì “lấn sân” của các công ty nhỏ: “Tôi nói thẳng là hiện nay, các nhà cung cấp hạ tầng lại nghĩ là mình làm ứng dụng. Những người làm ứng dụng lại nghĩ mình làm hạ tầng và những người cung cấp thiết bị cho hạ tầng thực ra chỉ nhập của nước ngoài và lắp ráp lại. Chúng tôi rất mong muốn làm việc với các công ty cung cấp hạ tầng và rất không muốn họ làm phần ứng dụng” – Anh Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc DTT cho biết. Hơn nữa, nhà nước có thể thấy HIL như một gợi ý để có một chiến lược hoặc các chương trình quốc gia phát triển IoT.  

 Trước mắt, Intel và Dell sẽ cung cấp các thiết bị phần cứng, trong đó, nhiều sản phẩm vẫn chưa tung ra thị trường và một số giải pháp của họ theo một chuẩn được các tập đoàn lớn nhất trên thế giới thừa nhận để startup có thể phát triển và thử nghiệm phần mềm ứng dụng hoặc một số phần cứng của mình dựa trên chúng. DTT sẽ mở mã nguồn của nền tảng OIP để các startup vừa có thể viết ứng dụng trên đó, vừa có thể đóng góp để nền tảng này hoàn thiện. Hai “hành động” này sẽ giúp các startup có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất, vừa tránh được trở ngại trong việc mở rộng thị trường và liên kết với các công ty khác vì không hợp chuẩn. 

 Mới lập được ban điều hành bao gồm bốn thành viên đến từ bốn cơ quan sáng lập và chưa có một cơ chế hoạt động cụ thể nhưng theo “phác họa” của ông Nguyễn Lâm Thanh, giám đốc KHCN của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, HIL sẽ hoạt động giống như một vườn ươm khởi nghiệp. Tức là, HIL sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng, các mentor, tổ chức sự kiện kết nối startup với các đối tác của những đơn vị sáng lập và các nhà đầu tư, đầu tư vào startup tiềm năng (DTT cho biết là họ có quỹ đầu tư cho khởi nghiệp)… Vườn ươm này chỉ thu phí đối với thành viên là các công ty lớn và các nhà đầu tư để duy trì hoạt động còn miễn phí đối với sinh viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, cũng theo ông Thanh, HIL cũng sẽ có đối tác tại các vườn ươm, co-working spaces tại các vị trí thuận lợi tại các thành phố lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, cho phép các startup “có thể ngồi thực ở những nơi khác còn ảo ở Hòa Lạc”. 

Nhưng trước tiên, làm thế nào để thu hút các startup?

Mặc dù được lập ra bởi các tập đoàn danh tiếng với những tham vọng và mong muốn lớn nhưng điều đáng tiếc là những gì HIL thể hiện ở buổi khai trương ngày 7/7 chưa gây ấn tượng đối với các doanh nghiệp IoT tham dự. Maker Hanoi, một công ty khởi nghiệp cung cấp các khóa học về IoT cho trẻ em và cũng sở hữu một maker space tại Hà Nội cho rằng, những gì được trưng bày tại triển lãm chủ yếu là mô phỏng các giải pháp IoT trong khi trang thiết bị (cái họ muốn xem) thì chưa có. Bên cạnh đó, địa điểm của vườn ươm tại Hòa Lạc, quá xa so với trung tâm thành phố Hà Nội cũng là lí do khiến nhiều doanh nghiệp thấy HIL không hấp dẫn. 

 Một lí do khác, mặc dù Dell và Intel là hai tập đoàn lớn trên thế giới về công nghệ nhưng trong lĩnh vực IoT, ảnh hưởng của họ rất hạn chế, đó còn chưa kể, Intel (vốn được biết đến với nhà sản xuất chip cho máy tính để bàn) vào tháng tư năm nay đã thông báo sẽ ngưng sản xuất dòng chip Antom tiết kiệm năng lượng dành cho các thiết bị di động, thể hiện một thất bại trong chiến lược bước chân vào lĩnh vực IoT. Nguyễn Đình Nam, giám đốc công ty NamVision (trước là VP9), sản xuất các camera có gắn các cảm biến âm thanh và hình ảnh, hướng tới ứng dụng trong lĩnh vực giao thông thông minh, thừa nhận rằng, anh chưa thấy giá trị mà HIL đem lại và lí do quan trọng là anh không có niềm tin vào Intel. Trước đây, khi chuẩn bị tung ra thị trường một dòng sản phẩm có sử dụng chip của Intel thì anh nghe tin Intel sẽ dừng sản xuất dòng chip này trong một vài năm tới, buộc anh dù đã sản xuất xong cũng phải bỏ dòng sản phẩm này, thiết kế lại. “Đối với tôi, Intel là người thua cuộc, “già cỗi” trong lĩnh vực IoT” – Anh cho biết. 

 Các doanh nghiệp khởi nghiệp thường chỉ bị thu hút khi vườn ươm đem lại lợi ích thiết thân mà họ có thể thấy ngay. Anh Nguyễn Đình Nam chia sẻ, một trong những điều để IoT Labs thành công là phải có nhiều linh kiện, thiết bị rẻ tiền nhưng cần thiết để làm ra các sản phẩm giá rẻ và bán với số lượng lớn. Mặc dù rẻ nhưng những linh kiện này cần rất nhiều để thử nghiệm và không sẵn có vì đa số đểu phải đặt mua từ nước ngoài. Anh Nam cũng cho biết: “Một công ty như VP9 thừa rất nhiều [thiết bị, linh kiện] và sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên cho cộng đồng, nhưng cần diện tích bày ra, giống như một thư viện để mọi người có thể tiếp cận”

 Một đơn vị khác, làm trong lĩnh vực nhà thông minh – Lumi, từng làm việc với nhiều nhà cung cấp thiết bị cho IoT trên thế giới cho biết, anh không cảm thấy vị thế của Intel trong lĩnh vực IoT ảnh hưởng lớn đến thành công của phòng Lab. Theo anh, việc hỗ trợ các startup trong việc xây dựng nền tảng để họ có thể tập trung phát triển phần mềm hoặc phần cứng để đưa ra thị trường là điều quan trọng nhất. “Việc hỗ trợ, thu hút các startup hay xây dựng nền tảng của Intel đều là để kinh doanh, cuối cùng các startup sẽ mua chip từ họ. Vấn đề là họ có thực sự giúp đối tác nhanh và thị trường và thành công hay không thôi”.   

Tác giả