Từ ý tưởng sáng tạo đến thị trường – một quá trình gian nan

Các nghiên cứu ứng dụng do chúng tôi tự triển khai và thương mại hóa được kể dưới đây đều là những sản phẩm có vòng đời ngắn và dễ dàng bị sao chép cạnh tranh, nên hiệu quả rất thấp, qua đó cho thấy sự cần thiết liên kết giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp. “Cân thử vàng dùng vi tính”


PGS. TS Phạm Hồng Dương (phải) trong phòng thí nghiệm của Trung tâm R&D Rạng Đông

Trong những năm 1988-1989, tất cả các giao dịch mua bán lớn đều sử dụng vàng dưới dạng các chiếc nhẫn với hàm lượng gọi là tuổi vàng, được các nghệ nhân nhìn bằng mắt và tuyên bố 96, 97 tuổi, nhưng khi chúng tôi đo lại, hàm lượng chỉ khoảng 94%, 95%. Phương pháp chúng tôi sử dụng là dùng một cân phân tích “bốn số”, phổ biến là Nagema của Đông Đức, sau đó dùng 2 quang cân khô (trong không khí) và cân ướt (trong nước cất), sau đó tính ra hàm lượng. Trọng lượng cân khô và cân ướt (với độ chính xác 1 mg) được xử lý bằng chương trình dùng ngôn ngữ Basic và máy tính Apple 2, phần lớn là quà tặng của GS Cooperman sau khi đã sử dụng hết date, cất vào kho. 

Rào cản đầu tiên khi thương mại hóa phương pháp đo vàng là các nghệ nhân nhìn vàng. Họ không công nhận phương pháp đo này và tác động đến khách hàng nhiều kiểu, từ việc nhuộm nhẫn vàng thành đen, đến việc đo lại liên tục các chiếc nhẫn đã được đo và niêm phong theo phương pháp của chúng tôi.


Phải: Nhẫn vàng – phương tiện giao dịch thay tiền. Trái: cân hai lần,khô và ướt. 
                                                                  
Điểm dịch vụ cân thử vàng đầu tiên của chúng tôi mở tại 40 Lê Văn Hưu Hà Nội dưới danh nghĩa Công ty Vitecen. Sau một tháng hoạt động, khách hàng cân thử vàng đến rất đông, phần vì nhu cầu, phần vì tò mò vì hầu hết người Hà nội đều chưa biết đến vi tính là gì, đến mức phải phát tích kê cho đỡ phải xếp hàng. Mỗi ngày cửa hàng thu được tiền công từ 1 đến 2 chỉ vàng (thời đó 1 m2 nhà mặt phố khoảng 1 cây vàng). Lo lắng của chúng tôi về công nghệ đo đạc bị sao chép đã thành sự thật, dù hệ đo đầu tiên của chúng tôi đã được ngụy trang kín đáo, bao gồm một chiếc cân phân tích được che kín có nút vặn để dìm chiếc nhẫn vào trong nước, và phần mềm với công thức tính từ tỷ trọng sang hàm lượng. Khi chuyển từ vi tính Apple II sang vi tính XT, chúng tôi đã phải nhờ chuyên gia phần mềm cũng là người trong Viện Vật lý viết chương trình mới có phần hiệu chỉnh theo nhiệt độ và giao diện đẹp hơn. dù bảo vệ bản quyền bằng đăng ký thì không làm, một phần vì không biết viết, một phần thì sợ bộc lộ quá sớm giải pháp. Do vậy, nguyên lý và công thức đã được lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Sau khoảng 1 năm, riêng ở Hà nội đã có trên dưới 10 điểm cân thử vàng, nên chúng tôi đã quyết định là bán các hệ cân thử vàng cho bất cứ ai quan tâm, mỗi hệ giá khoảng 2 cây vàng, lợi nhuận 1 cây. Khoảng 50 hệ đo đã được chúng tôi đưa ra thị trường trong khoảng 3 năm, lợi nhuận chia cho chuyên gia lắp cân phân tích, chuyên gia phần mềm và người chế tạo là chúng tôi.                                      

Nhìn lại quá khứ hoạt động, trải nghiệm đầu tiên này cũng đem lại cho chúng tôi hiệu quả kinh tế, nhiều bạn bè, đối tác và nhiều kỷ niệm đẹp.    

Dự án chế tạo sửa chữa laser He-Ne công suất nhỏ

Sau nhiều năm được đào tạo ở Nga và phương Tây, các nghiên cứu cơ bản của chúng tôi cũng chỉ là các cố gắng kéo dài các hướng do các thày khởi xướng, gần như không tạo ra giá trị gì khác biệt. Tình cờ trong những năm thực tập bên Pháp, tôi được biết đến tổ chức CCFD, một tổ chức sẵn sang tài trợ cho các dự án liên quan đến người nghèo và người khuyết tật. Năm 1991, một dự án do chúng tôi đề xuất với CCFD dự án “Xây dựng một phân xưởng sủa chữa và chế tạo laser He-Ne công suất nhỏ”, có trị giá 300.000 FF dùng để hỗ trợ điều trị vết thương. Ý định của chúng tôi là sẽ cung cấp laser loại nhỏ này cho các cơ sở y tế thông qua hoạt động của phân xưởng nhỏ này đã không thành công: cả nước Pháp không còn cơ sở khoa học nào dạy chúng tôi chế tạo được laser He-Ne, tất cả công nghệ đã chuyển về các hãng (như Thomson); số laser hỏng cần sửa chữa ở Việt nam quá ít. Sau đó ít lâu, một đơn vị trong Viện ứng dụng Công nghệ đã thành công hơn chúng tôi: họ đã nhập ống và nguồn laser He-Ne, lắp ráp rồi thương mại hóa. Bài học chúng tôi rút ra là đã lựa chọn mục tiêu dự án không đúng với hoàn cảnh Việt nam.  

Đo đạc và tính toán chỉ số sức mạnh cho vận động viên võ thuật.

Nước Việt nam có truyền thống đào tạo vận động viên võ cổ truyền và đã sử dụng trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm cung như đạt được nhiều thành tích trong thi đấu SEAGAMES. Tuy nhiên, các phương pháp huấn luyện đều rất định tính, các võ sư sử dụng các thuật ngữ cổ như nội lực, đòn âm, đòn nổi… để đánh giá sức mạnh của học viên. Trong huấn luyện thể thao, huấn luyện viên phương Tây sử dụng bàn đo lực để đo lực dậm nhảy của Vận động viên, hay lực va chạm của quả đấm. Bàn đo lực là một tấm thép cứng gắn với cảm biến bán dẫn, có tác dụng chuyển tín hiệu va chạm cơ học thành tín hiệu điện để xử lý. Vận động viên đấm bốc cần đeo găng khi đấm vào bàn đo lực. Kết quả đo thể hiện bằng giá trị KG lực hoặc Newton. Phương pháp này không sử dụng được cho các môn võ tổng hợp sử dụng đấm, đá, cùi trỏ hoặc gậy gỗ. Hơn nữa, lực va chạm không thể hiện được các khía cạnh khác của sức mạnh đòn đánh, ví dụ như thời gian phát đòn, độ dài cú đánh. Chúng tôi đã phát minh ra một thiết bị dưới dạng một áo giáp mềm nối với một cảm biến áp suất, kết nối với phần mềm thu thập và xử lý số liệu. Khác với bàn đo lực, tín hiệu ghi nhận là một mảng các giá trị lực va chạm biến đổi theo thời gian, bắt đầu từ thời điểm ra lệnh đấm đá. Kết quả đánh giá chỉ số sức mạnh tỷ lệ thuận với đỉnh lực, động lượng của đòn đánh và tỷ lệ nghịch với thời gian ra đòn. Kết quả này có tương quan mạnh với các thành tích của các võ sỹ trong thi đấu và được dùng cho 2 luận văn tiến sĩ về huấn luyện võ thuật. Rất nhiều chuyên gia Trung quốc và huấn luyện viên Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị cho Seagames 22 đã tranh thủ quay phim các buổi vận hành thiết bị này. Tuy nhiên, vì nguyên lý tính toán hoàn toàn mới và không có một thiết bị nào giống với thiết bị của chúng tôi, việc đưa ra thị trường quốc tế vẫn chưa thực hiện được. 

Công nghệ làm tranh, ảnh và thiết bị chiếu phim 3D

Năm 2003, Viện Khoa học Vật liệu được thành lập trong đó có phòng Cooperman. Năm 2003, ý  tưởng đổi mới sản phẩm của chúng tôi là công nghệ tạo ra tranh ảnh 3D, tích hợp cả công nghệ thông tin, quang học, cơ khí và công nghệ phun phủ, chúng tôi đã không tìm được chương trình tài trợ nghiên cứu nào phù hợp. Đây là làn sóng thứ 3 về công nghệ 3D nổi lên trên thế giới, khi mà các vật liệu quang học và phần mềm kỹ thuật số trở nên phổ biến hơn. Đơn vị chúng tôi là một trong các nhóm dẫn đầu trong việc tạo ra các bức ảnh, tranh 3D chất lượng cao, kích thước lớn trên thế giới. Năm 2010, phim Avatar 3D gây sốt trên toàn thế giới về công nghệ 3D cũng như doanh thu. Là đơn vị dẫn đầu về công nghệ 3D ở Việt nam chúng tôi đã chế tạo và lắp đặt khoảng 80 phòng chiếu phim và phòng mô phỏng 3D, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng. Với kết quả thu được, chúng tôi đã được tặng giải nhì Vifotec  2014 từ tiểu ban Công nghệ thông tin, được cấp 1 bằng bảo hộ Giải pháp hữu ích.Tuy nhiên đến năm 2014 vòng đời sản phẩm đã sang chặng cuối, doanh số đã sụt giảm nhanh chóng do bị sao chép và cạnh tranh bởi các sản phẩm nhập ngoại. 

Công nghệ chế tạo nguồn sáng và chiếu sáng trên cơ sở đèn LED

Từ năm 2011, một lĩnh vực nghiên cứu mới theo mô hình hợp tác ba bên, trong đó doanh nghiệp Rạng Đông là trung tâm, đã được chúng tôi thực hiện. Năm 2012, chúng tôi được giao chủ trì nội dung công nghệ một dự án IPP, mục tiêu là nâng cao tuổi thọ đèn CFL từ 6000 giờ lên 10000 giờ. Giải pháp công nghệ chính là thay thế chấn lưu sáng ngay bằng chấn lưu sáng nhanh có dự nhiệt cho đèn CFL công suất 18W. Tuổi thọ của đèn tăng lên, nhưng chi phí cũng tăng theo nên doanh số không cao lắm. Nhưng chúng tôi lại thu được những tri thức quan trọng về quản trị quá trình đổi mới sáng tạo thông qua việc giao lưu với các đối tác khác trong chương trình IPP. 

Từ năm 2011, sự phát triển của nguồn sáng trên cơ sở công nghệ LED trắng đi vào giai đoạn đột phá, đe dọa thị trường nguồn sáng truyền thống như bóng đèn huỳnh quang và đèn compact CFL. Công ty Rạng Đông thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển trên cơ sở hợp tác với các chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Việt nam, trường Đại học Bách khoa và một số đơn vị khác. Năm 2013, chúng tôi đã đề xuất 10 sản phẩm đổi mới sáng tạo trên cơ sở công nghệ LED, dựa vào đó chúng tôi đã nộp đơn xin bảo hộ 9 sáng chế và giải pháp hữu ích, 5 kiểu dáng công nghiệp. Công ty Rạng đông là chủ đơn của 5 đơn xin bảo hộ mà chúng tôi là tác giả. Một số laoij đèn LED mới như đèn Đài sen đã được lắp đặt để chiếu sáng nội thất nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng trên khu K9. Các sản phẩm mới đều đã được thương mại hóa, nhưng quy mô chưa được như kỳ vọng, có lẽ bởi khâu tiếp thị chưa đồng bộ được với đổi mới kiểu dáng và tính năng sản phẩm quá mới.  Một cách tiếp cận khác mà chúng tôi đang thực hiện là không đổi mới sản phẩm, mà chỉ đổi mới công nghệ: thay đèn sợi đốt tròn, đèn CFL bằng đèn LED tròn để tận dụng hạ tầng chiếu sáng cũ. Nhu cầu bóng đèn LED thay thế rất cao, nhưng cạnh tranh rất khốc liệt do thiết kế chủ đạo đã được xác định, quen thuộc với khách hàng cũ. Kinh nghiệm rút ra là, đổi mới sản phẩm đột phá đồng nghĩa với việc phải tạo ra phân khúc khách hàng mới, một việc làm không mấy quen thuộc với các nhà nghiên cứu khoa học công nghệ. Mục tiêu đạt được doanh thu 400 tỷ đồng bán đèn LED cho năm 2015 của Công ty Rạng Đông là một thách thức vô cùng lớn mà mỗi cá nhân, đơn vị cũng khó mà đạt được.

Kết luận

Ý tưởng đổi mới có thể xuất phát từ bất cứ một cá nhân hay đơn vị, cho bất cứ lĩnh vực nào, hướng tới việc sáng tạo ra các giải pháp khác biệt và ưu việt hơn. Tuy nhiên, để ý tưởng đổi mới biến thành sản phẩm, dịch vụ đứng vững được trên thị trường, rất nhiều công đoạn khác cần được thực hiện với các thách thức mới. Đây là một quá trình đầy rủi ro, tuy nhiên sức hấp dẫn của các cơ hội mới lại là động lực để chúng ta vượt qua các khó khăn đó.  

* PGS.TS. Phạm Hồng Dương và Th.S. Phạm Hoàng Minh thuộc Phòng Cooperman, Viện KH Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)