Từng chán nản khi nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam

Phát biểu tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu 2017 sáng 18/5/2017 tại Hà Nội, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết, anh từng chán nản khi làm nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam sau khi trở về từ khóa thực tập sinh sau tiến sĩ tại Hoa Kỳ, nhưng nhờ những cơ chế đầu tư mới cho nhà khoa học, anh đã có cơ hội sống lại niềm đam mê của mình.


GS. Phan Thanh Sơn Nam trong lễ khai giảng Chương trình Đào tạo Quốc tế – Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. – Ảnh: Thi Ca/http://oisp.hcmut.edu.vn

Dưới đây là toàn văn phát biểu của GS.TS Phan Thanh Sơn Nam*.

Kính thưa toàn thể quý vị,

Trong buổi lễ trang trọng ngày hôm nay, trước hết cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các thành viên của Hội đồng khoa học ngành Hóa học, các thành viên của Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao cho tôi vinh dự này.

Cám ơn các bạn học trò và đồng nghiệp, gồm có NCS Đặng Huỳnh Giao, SV Đặng Trường Thịnh, TS Lê Thành Dũng, và TS Trương Vũ Thanh đã cùng nhau chia sớt vui buồn với tôi trong suốt thời gian thực hiện công trình khoa học này.

Tôi cũng không quên nói lời cám ơn đến ĐH Quốc gia TP.HCM đã cấp kinh phí nghiên cứu và đầu tư trang thiết bị, cũng như Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi hoàn thành công trình khoa học này.

Kính thưa toàn thể quý vị,

Dĩ nhiên nghiên cứu ứng dụng là quan trọng, và cho dù đó là các phát minh cải tiến của những người nông dân thì cũng cần phải được trân trọng. Thường thì người ta dễ dàng ũng hộ nghiên cứu ứng dụng vì nó phục vụ cho những nhu cầu của xã hội ngay trước mắt. Tuy nhiên, chắc chắn nghiên cứu cơ bản là tối quan trọng, có sứ mệnh sáng tạo ra những tri thức mới cho nhân loại. Phải có một nền khoa học học cơ bản vững chắc mới đủ sức nâng khoa học ứng dụng lên một tầm cao mới.

Năm 2006, sau khi hoàn thành khóa thực tập sinh sau tiến sĩ tại Hoa Kỳ trở lại Trường Đại học Bách Khoa công tác, tôi thật sự chán nản khi triển khai nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam. Phải mất gần 4 năm, nhờ có sự ra đời của Quỹ NAFOSTED, nhờ có ĐHQG TP.HCM đầu tư phòng thí nghiệm cũng như ưu tiên kinh phí cho hoạt động nghiên cứu cơ bản mang tầm quốc tế, nhờ có Sở KH&CN TP.HCM thời còn cấp kinh phí cho nghiên cứu cơ bản, tôi mới có cơ hội tiếp tục sống lại niềm đam mê của mình.

Trong buổi lễ trang trọng này, cho phép tôi có 3 kiến nghị:

1. Mô hình Quỹ NAFOSTED của Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải được phát triển hơn nữa, và cần phải mở rộng hơn nữa đến nhiều đơn vị quản lý khoa học các cấp. Có như vậy, chúng ta mới không đứng ngoài cuộc chơi hội nhập với thế giới. Có như vậy, hoạt động nghiên cứu của Việt Nam mới có thể nhanh chóng bắt kịp và “sánh vai” cùng các hoạt động nghiên cứu tiên tiến ở các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, để từ đó có thể đưa khoa học – công nghệ của Việt Nam bước qua một trang sử mới.

2. Giới khoa học chúng tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn nữa, đặc biệt là trong việc tiếp tục đổi mới các quy chế quản lý khoa học – công nghệ và quản lý tài chính. Hơn 10 năm khá vất vả với các quy định tài chính, tôi thật sự mong muốn Việt Nam sớm có một cơ chế tài chính thật gọn nhẹ mà hiệu quả, để các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian vào các hoạt động chuyên môn.

3. Khi đánh giá hiệu quả hoạt động của một nhà khoa học, một nhóm nghiên cứu, một phòng thí nghiệm, cần phải sử dụng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế mà không nên “sáng tạo” ra những chuẩn mực riêng. Ngoại trừ những đề tài cơ sở mang tính thăm dò hoặc những đề tài phục vụ cộng đồng rõ ràng, nghiên cứu cơ bản phải cần các bài báo quốc tế ISI chất lượng, còn nghiên cứu ứng dụng thì cần những patent quốc tế.

Ngày hôm nay, có cơ hội được phát biểu ở nơi đây, với tất cả lòng chân thành, tôi thật sự biết ơn những nhà quản lý và những nhà khoa học đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam trong thời gian qua. Nhờ vậy, tôi mới có cơ hội được sống trọn vẹn với niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình ngay trên chính quê hương này.

Sau cùng, kính chúc toàn thể quý vị nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

* Tiêu đề do Tia Sáng đặt.

Tác giả