Ứng dụng camera để quản lý, bảo vệ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Lắp đặt camera chuyên dụng để quản lý, bảo vệ rừng, biển và khu vực bãi bồi, đã giúp tiết kiệm chi phí quản lý, bảo vệ cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; đồng thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc khai thác thủy sản trái phép, chặt phá cây rừng.

Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước cả nước. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế, điểm dừng chân của nhiều loài chim di cư trú đông. Tổng diện tích đất của VQG Mũi Cà Mau khoảng 41.862ha. Vườn có địa hình phức tạp, có hệ thống sông ngồi, kênh rạch chằng chịt thông ra biển, gây khó khăn cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và biển.

Mặc dù lực lượng quản lý rừng và biển của VQG Mũi Cà Mau có nhiều cố gắng, nhưng nguồn lực về con người và kinh phí tuần tra, kiểm soát có hạn. Mặc khác, lực lượng tuần tra, kiểm soát di chuyển trên địa phận VQG Mũi Cà Mau chủ yếu bằng phương tiện thủy, mỗi lần di chuyển khó khăn, chậm và chi phí rất lớn so với lưu thông bằng các phương tiện trên đường bộ, nên việc tuần tra, kiểm soát không thể thực hiện 24/24. Do vậy, tình trạng chặt phá cây rừng, khai thác nguồn lợi thủy sản tuy có giảm, nhưng vẫn còn xảy ra.

Để thuận lợi cho công tác giám sát, quản lý, bảo vệ khu vực bãi bồi, VQG Mũi Cà Mau đã triển khai dự án “Lắp đặt camera chuyên dụng để quản lý, bảo vệ rừng, biển và khu vực bãi bồi VQG Mũi Cà Mau”.

Theo đó, nhóm thực hiện dự án xây dựng bảy trụ, mỗi trụ cao khoảng 40m, trong đó sáu trụ lắp camera và một trụ hỗ trợ truyền dữ liệu. Địa điểm xây dựng các trụ gồm: Kinh Ranh (xã Ðất Mới), Biện Trượng (xã Lâm Hải), bãi bồi (xã Viên An), Khu Du lịch Mũi Cà Mau và rạch Trương Phi (xã Ðất Mũi), đảm bảo khép kín địa bàn quản lý.

Sau khi hoàn thành lắp đặt, nhóm thực hiện dự án đã tiến hành theo dõi và kiểm tra phạm vi hoạt động của camera. Phương pháp thực hiện được xác định bằng cách, một nhóm sử dụng cano di chuyển đến các khu vực có camera và một nhóm ở trung tâm điều khiển để xem mức độ quan sát ở các cấp độ: thấy rõ mặt người, thấy rõ người và phương tiện, thấy phương tiện,… Tiếp theo, nhóm ngoài thực địa bấm tọa độ tại vị trí để tính khoảng cách quan sát của camera.

Kết quả, phạm vi hoạt động của camera khá lớn, với bán kính trung bình là 8km (camera quay 360 độ, nên quan sát được đường kính trung bình 16km). Ở bán kính này, camera cho phép quan sát rõ phương tiện đang hoạt động và thấy người trên phương tiện. Tổng diện tích quan sát được khoảng 29.043 ha, trong đó, diện tích trên đất rừng là 12.072 ha và trên biển là 16.971 ha.

Ngoài ra, camera được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, xử lý, phân tích hình ảnh và cảnh báo giải pháp. Công nghệ thay thế một phần phương pháp tuần tra giám sát thủ công, cho phép thiết lập hàng rào ảo, thông qua camera giám sát theo hướng do người dùng chỉ định. Hệ thống sẽ tự động cảnh báo khi có đối tượng xâm nhập, hoặc có phương tiện tàu thuyền đi vào vùng cần giám sát bảo vệ, thông qua còi báo động hoặc thông qua App di động, gửi email có trích xuất hình ảnh kèm theo.

Trên thực tế, hệ thống camera đã kiểm tra, theo dõi và phát hiện 27 vụ vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, từ tháng 5 – 9/2023. Riêng trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 7/2023, đã phát hiện hơn 2.382 phương tiện với hơn 4.088 người khai thác nghêu giống trái phép tại khu vực từ Hang Mai đến Trương Phi trên địa phận VQG Mũi Cà Mau.

Theo nhóm thực hiện dự án, có thể nhân rộng hệ thống camera để triển khai thực hiện bảo vệ những khu vực khác ngoài địa phận của VQG Mũi Cà Mau.

Ngô Thành

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)