Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất bột giấy

Nhằm đánh giá khả năng sản xuất bột giấy sinh học của một số chủng enzyme được phân lập và nuôi cấy trong nước, Công ty TNHH Viện Công nghệ giấy và Xenluylô đã tiến hành một số thí nghiệm xử lý nguyên liệu bằng chế phẩm enzyme.

Sản xuất bột giấy bằng phương pháp sinh học là quá trình sử dụng các loại vi sinh vật để xử lý nguyên liệu thực vật, phân hủy lignin và các chất vô cơ để thu được xơ sợi xenluylô.

Theo kỹ sư Lương Thị Hồng, Công ty TNHH Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, trong quá trình sản xuất bột giấy hiện nay ở Việt Nam, để phá vỡ cấu trúc của gỗ, giải phóng các xơ sợi, các phương pháp cơ học và hóa học được áp dụng phổ biến hơn cả. Tuy phương pháp hóa học cho bột giấy có độ bền cao nhưng hiệu suất thấp và đặc biệt là phát thải vào môi trường một lượng lớn các chất gây ô nhiễm. Phương pháp thu bột giấy bằng cơ học thì cho hiệu suất cao nhưng độ bền của giấy lại thấp và tiêu hao nhiều năng lượng.

Mới đây,
Công ty TNHH Viện Công nghệ giấy và Xenluylô đã tiến hành một số thí nghiệm xử lý nguyên liệu bằng chế phẩm enzyme được phân lập và nuôi cấy trong nước.

Nguyên liệu dùng để nghiên cứu là bột giấy hóa – cơ chưa tẩy trắng từ gỗ keo lai được sản xuất tại xưởng thực nghiệm của Công ty và rơm rạ lúa nếp thu hoạch vào vụ mùa năm 2013.

Kỹ sư Lương Thị Hồng cho biết, các kết quả thí nghiệm mang tính thăm dò sơ bộ bước đầu nhưng đã cho tín hiệu khả quan đối với việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất bột giấy, đặc biệt là từ nguyên liệu phi gỗ.

Viện cũng tiến hành phân tích bột giấy sinh học và bột giấy sinh học tẩy trắng từ cỏ Long Tu – Trung Quốc. Kết quả cho thấy, bột giấy sinh học từ cỏ Long Tu có thể sử dụng để sản xuất các loại bao bì công nghiệp như giấy làm lớp sóng, lớp đế của các-tông lớp mặt; bột giấy sinh học tẩy trắng từ cỏ Long Tu có thể sử dụng cho sản xuất giấy in và giấy viết.

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng KHCN và Các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN, khẳng định: “Sản xuất bột giấy ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên công nghệ hóa học, hiệu suất còn thấp và khả năng gây ô nhiễm môi trường còn rất cao. Do đó việc tìm ra phương pháp sản xuất bột giấy hiệu quả kinh tế và môi trường cao đã và đang trở thành nhu cầu bức thiết.”

Cũng theo ông Liễu, năm 2013, đoàn cán bộ của Bộ KH&CN đã có chuyến khảo sát công nghệ sản xuất bột giấy bằng công nghệ sinh học tại một số công ty ở Bắc Kinh và Vũ Hán – Trung Quốc. Thực tế cho thấy, sản xuất bột giấy được ứng dụng công nghệ sinh học cho hiệu quả kinh tế và môi trường cao hơn hẳn các công nghệ thông thường. Tại Trung Quốc, bột giấy cao cấp giấy đã được sản xuất bằng công nghệ sinh học. Với ngành sản xuất bột giấy tại Việt Nam nếu được ứng dụng công nghệ sinh học thì sẽ mang lại lợi ích lớn về cả kinh tế và môi trường.

GS. Trương Kiện, Tổng giám đốc, Tổng công trình sư Công ty TNHH Công nghệ Tiền Đạo – người đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất bột giấy tại Trung Quốc – cho biết, làm bột giấy từ rơm rạ theo phương pháp truyền thống không những gây ô nhiễm môi trường mà còn làm tiêu hao lượng lớn tài nguyên như nước, điện, than. Trong khi đó phương pháp sản xuất bột giấy bằng phương pháp sinh học có thể tiết kiệm lượng lớn năng lượng, quá trình xử lý chất thải, giá thành sản xuất thấp hơn nhiều so với công nghệ làm bột giấy bằng phương pháp truyền thống. Sản xuất bột giấy bằng phương pháp sinh học còn tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn một cách bền vững.

Hàng năm, nước ta tiêu thụ một số lượng lớn bột giấy để sản xuất giấy thành phẩm nhưng sản xuất bột giấy trong nước chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Hiện cả nước còn khoảng 35% doanh nghiệp sản xuất giấy nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và nước, gây ô nhiễm môi trường.

Tác giả