Ứng dụng phần mềm nguồn mở: Vẫn nhích từng bước
"Với cách làm hiện nay thì kết quả đạt được của việc phát triển ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) tại Việt Nam sẽ chỉ nhúc nhích từng năm một. Cần cách làm mới để đạt được những kết quả đột phá".
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc Hội thảo “PMNM trong cơ quan, tổ chức Nhà nước” diễn ra sáng nay, 15/6 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, cộng đồng đều biết tới những lợi ích của PMNM như tiết giảm chi phí sử dụng phần mềm cho hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức; đảm bảo tốt hơn về an toàn an ninh thông tin, làm chủ về bản quyền, sở hữu trí tuệ… Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển PMNM nhưng kết quả vẫn khiêm tốn.
Với mong muốn tìm bài giải cho câu hỏi: Tại sao dù có rất nhiều lợi điểm nhưng PMNM vẫn chưa thể vượt qua được ngưỡng để phát triển, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo PMNM trong cơ quan, tổ chức Nhà nước. Hội thảo là một phần của Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi về những tồn tại của cơ chế chính sách cũng như hoạt động thúc đẩy PMNM, chỉ rõ những rào cản chưa thể vượt qua được.
Đặc biệt, nhiều giải pháp cụ thể đã được đề xuất với Bộ TT&TT. Điển hình như đại diện Liên danh tư vấn C3S – DTT (đơn vị tư vấn cho Bộ TT&TT về Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam) nêu tới 8 giải pháp để thúc đẩy ứng dụng PMNM gồm:
Thứ nhất, Nhà nước cần có quan điểm rõ ràng và thống nhất về ứng dụng PMNM, phổ biến thông điệp về quan điểm này cho cộng đồng người sử dụng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Ví dụ, để đảm bảo vấn đề an ninh dữ liệu, cần sử dụng PMNM cho các hệ thống back-end (DBMS, OS cho Server…) để tránh bị phụ thuộc hạ tầng thông tin vào các hãng cung cấp giải pháp back-end mã đóng.
Thứ hai, bổ sung hình thức mua sắm phần mềm như mua dịch vụ trong các cơ quan Nhà nước, phù hợp với xu thế điện toán đám mây (cloud computing).
Thứ ba, các cơ quan Nhà nước lập dự toán hàng năm mua sắm các sản phẩm dịch vụ phần mềm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện như kinh phí chi thường xuyên; tạo điều kiện để doanh nghiệp thấy đã có thị trường và tăng cường đầu tư cho việc ứng dụng, phát triển và cung ứng các dịch vụ cạnh tranh.
Thứ tư, xây dựng hướng dẫn tính tổng chi phí đầu tư (TCO) cho những giải pháp phần mềm đáp ứng yêu cầu, xây dựng hướng dẫn chi tiết, trong đó có đánh giá về chức năng, hiệu quả đầu tư trong ít nhất 5 năm.
Thứ năm, xây dựng biểu thuế suất thuế nhập khẩu cho phần mềm đóng gói, thu thuế để đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Thứ sáu, phê duyệt các dự toán chi ngân sách cho những giải pháp PMNM xây dựng theo yêu cầu không dựa trên định mức kinh tế – kỹ thuật, không cố định tổng mức đầu tư. Chỉ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho ứng dụng các PMNM thông dụng.
Thứ bảy, đưa PMNM vào các trường đại học bằng cách đưa chỉ tiêu máy tính/sinh viên như một chỉ tiêu đánh giá chất lượng đào tạo, trên cơ sở chỉ tiêu đó, kiểm soát số lượng license của các phần mềm thương mại nhằm đưa PMNM vào đào tạo song song với phần mềm thương mại.
Thứ tám, ứng dụng hoàn toàn PMNM cho các kiosk dịch vụ công, bảng điện tử.
Với tinh thần tranh luận tích cực, một số đại biểu đã đưa ra ý kiến trái chiều về những giải pháp trên. Chẳng hạn, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục & Đào tạo khuyến nghị không nên dùng biện pháp đánh thuế phần mềm nhập khẩu mã nguồn đóng khi chưa có giải pháp PMNM thay thế; không nên đưa ra chỉ tiêu máy tính/sinh viên vì chỉ tiêu này đã lỗi thời, các sinh viên đang có xu hướng tự mua sắm laptop để phục vụ cho việc học tập.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung thảo luận về chủ đề ứng dụng PMNM trong quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công.