Ứng dụng trên điện thoại giúp theo dõi tác động của trầm cảm
Theo một nghiên cứu mới từ dự án RADAR-CNS của Sáng kiến Y tế Sáng tạo (IMI), việc sử dụng điện thoại thông minh để tự báo cáo và theo dõi các khó khăn trong kỹ năng tư duy có thể giúp kiểm soát chứng trầm cảm.
Với những người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng, bên cạnh tâm trạng buồn bã, họ còn có thể gặp phải vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, gần một nửa số người được chăm sóc ban đầu vì trầm cảm vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi suy nghĩ ngay cả khi tình trạng trầm cảm đã được cải thiện. Đây là vấn đề có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài trong cuộc sống hằng ngày, công việc và cơ hội phục hồi cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, hầu như không có bác sĩ tâm thần nào cho biết họ thường xuyên đánh giá các kỹ năng tư duy để giúp điều trị hoặc theo dõi bệnh nhân của mình. Trong khi đó, việc yêu cầu bệnh nhân tự báo cáo các triệu chứng lại không đáng tin cậy vì các thông tin tự nhớ lại có thể không chính xác. Người bệnh có thể được theo dõi ở các phòng khám và phòng thí nghiệm, tuy nhiên những địa điểm này cũng lại không phải là môi trường thực tế và do đó có thể làm sai lệch kết quả.
Hai nghiên cứu gần đây do dự án RADAR-CNS của IMI tài trợ cho thấy việc sử dụng các công nghệ mang được trên người (wearable technologies) và ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể khắc phục những hạn chế này.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Psychological Medicine, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một ứng dụng có tên THINC-it® để theo dõi hơn 500 bệnh nhân được chẩn đoán mắc trầm cảm ở Vương quốc Anh, Hà Lan, và Tây Ban Nha. Nghiên cứu hướng đến mục tiêu đánh giá xem liệu ứng dụng có thể phát hiện được các dấu hiệu cảnh báo một giai đoạn trầm cảm hay không – điều có thể giúp ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống của người bệnh.
“Ý tưởng ở đây là thay vì chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân – cách mà hầu hết mọi người vẫn làm, ứng dụng sẽ dự đoán và ngăn chặn bệnh – phương pháp có thể mang lại hiệu quả hơn”, giáo sư Til Wykes – nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học King’s College London ở Vương quốc Anh – cho biết.
Ứng dụng này giúp người tham gia có thể tự báo cáo mức độ khó khăn về khả năng tổ chức suy nghĩ, tập trung và sự hay quên dựa trên thang điểm từ 0 (không bao giờ) đến 4 (thường xuyên) mà họ gặp phải sau mỗi sáu tuần.
Ứng dụng cũng đo lường hiệu suất của người tham gia thông qua các nhiệm vụ trong ứng dụng với tần suất sáu tuần một lần. Những nhiệm vụ này đánh giá sự tập trung, trí nhớ, tốc độ xử lý và chuyển đổi sự chú ý. Cả hai phép đo được thực hiện trong hai năm và sau đó được sử dụng để tính toán xem những khó khăn mà người tham gia gặp phải kéo dài bao lâu.
Kết quả cho thấy, những người tự báo cáo là gặp phải tình trạng khó khăn khi suy nghĩ trong thời gian dài (hơn 75% thời gian được khảo sát) cũng cho biết họ có mức độ trầm cảm nặng hơn so với những người gặp khó khăn trong thời gian ngắn hơn. Điều thú vị là, một số triệu chứng khó khăn cũng có mối tương quan với những ảnh hưởng nhất định của các giai đoạn trầm cảm. Chẳng hạn, những người gặp khó khăn về tốc độ xử lý thông tin cũng là những người có triệu chứng trầm cảm nặng hơn.
Được công bố trên Journal of Affective Disorders, nghiên cứu thứ hai đã đánh giá xem những yếu tố nào có nhiều khả năng giúp cho công nghệ mHealth được áp dụng để kiểm soát trầm cảm nhất.
Nhóm nghiên cứu đã yêu cầu 171 người có tiền sử trầm cảm chọn công nghệ ưa thích của họ từ bốn yếu tố: quyền riêng tư, hỗ trợ lâm sàng, lợi ích và khả năng phát hiện các triệu chứng của thiết bị.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp có tên ‘mô hình logit hỗn hợp” để tìm ra yếu tố nào có khả năng ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ nhất. Nhìn chung, người dùng coi “độ chính xác” là yếu tố quan trọng nhất, và chỉ chấp nhận độ chính xác thấp hơn một chút nếu như những yếu tố khác như quyền riêng tư được cải thiện.
“Tôi nghĩ hướng đi tiếp theo trong việc trị liệu là đảm bảo ‘người dùng cuối’ của ứng dụng được tham gia vào mọi giai đoạn, bao gồm cả việc chọn giám sát các thuật toán.”□
Kim Dung lược dịch
Nguồn: https://www.ihi.europa.eu/news-events/newsroom/imi-research-shows-how-smartphone-apps-can-help-monitor-effects-depression