Vai trò của các nhà khoa học nữ giữa những sáng chế

Số lượng các nhà sáng chế nữ quá ít so với các nhà sáng chế nam, và hóa ra điều này ảnh hưởng đến những người phụ nữ khác trên toàn thế giới.

Giáo sư Đại học MIT Linda Griffith, người từng đoạt giải thưởng “Genius” McArthur, đã gây dựng được một sự nghiệp thành công với tư cách là nhà khoa học và nhà sáng chế, mà tiêu biểu nhất là công trình cấy ghép tai người trên chuột. Hiện tại, cô dành cả ngày để giải mã các cơ chế sinh học cơ bản của bệnh lạc nội mạc tử cung, một tình trạng xảy ra khi các tế bào nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung của phụ nữ. Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra những cơn đau dữ dội, nhưng các bác sĩ thường bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của Griffith và cả cuộc sống của hơn 5 triệu phụ nữ khác tại Mỹ. 
 
Các nghiên cứu và sáng chế của Griffth có thể cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của phụ nữ. Nhưng vấn đề là cô ấy còn nổi bật vì một lý do khác: Cô ấy là phụ nữ. Vào năm 2020, trong số các nhà phát minh Mỹ nhận được bằng sáng chế chỉ có 12,8% là phụ nữ, và xuyên suốt lịch sử, các nhà khoa học nam đã bỏ qua những tình trạng như lạc nội mạc tử cung. 
 

Giáo sư Đại học MIT Linda Griffith, người từng đoạt giải thưởng “Genius” McArthur. Ảnh: MIT
 
Các nhà khoa học nam có xu hướng xem nhẹ hoặc thậm chí hạ thấp nhu cầu y tế của phụ nữ. Kết quả là những đổi mới sáng tạo chỉ tập trung chủ yếu vào những gì mà nam giới chọn để nghiên cứu. Tôi* và các đồng nghiệp – John-Paul Fergusons, Sampsa Samila đã chỉ ra trong một nghiên cứu mới vừa công bố, rằng các bằng sáng chế về y sinh ở Mỹ do phụ nữ tạo ra thường mang lại lợi ích cho sức khỏe của phụ nữ cao hơn 35% so với các sáng chế y sinh do nam giới tạo ra.   
 
Những con số biết nói
 
Để xác định sáng chế nào tập trung vào nữ, tập trung vào nam hay trung lập, chúng tôi đã phân tích tiêu đề, phần tóm tắt và phần đầu bản tóm tắt của 331.504 bằng sáng chế y tế trong chỉ mục văn bản y tế của Thư viện Y khoa Quốc gia. Trình lập chỉ mục sử dụng công nghệ học máy để phân loại chủ đề của tài liệu, bao gồm việc tài liệu đó tập trung nghiên cứu đối tượng nam hay nữ.
 
Dữ liệu của chúng tôi tiết lộ rằng sáng chế của các nhóm nghiên cứu mà thành viên chủ yếu hoặc hoàn toàn là nam giới có nhiều khả năng tập trung vào nhu cầu y tế của nam giới hơn. Chúng tôi đã điều tra khoảng thời gian từ 1976 đến 2010 và nhận ra rằng các nhóm có thành viên đa số là nam giới có xu hướng tạo ra hàng trăm sáng chế tập trung vào nhu cầu của nam giới hơn là những sáng chế tập trung vào nhu cầu của phụ nữ. Các nhà sáng chế nam này thường xin cấp bằng sáng chế đề cập đến các chủ đề như “cương dương”, “tuyến tiền liệt” hơn là “mãn kinh” hay “cổ tử cung”. Các nhà sáng chế nam cũng có xu hướng nhắm đến các bệnh và tình trạng như Parkinson và những chứng phổ biến ở nam giới hơn như chứng ngưng thở khi ngủ. 
 
Ngược lại, các sáng chế của các nhóm nghiên cứu có thành viên chủ yếu hoặc hoàn toàn là nữ thường chú trọng vào nhu cầu của phụ nữ hơn. Những sáng chế này thường tập trung giải quyết các tình trạng như ung thư vú và tiền sản giật sau sinh và các bệnh phổ biến ở phụ nữ hơn như đau cơ xơ hóa và lupus. Tuy nhiên, vào năm 1976, chỉ có 6,3% trong số các bằng sáng chế là do những nhóm nghiên cứu có thành viên nữ nhiều hơn thành viên nam tạo ra. Đến năm 2010, con số này có tăng nhưng vẫn chỉ dừng ở 16,2%. Kết quả là, dù các sáng chế của phụ nữ có xu hướng tập trung vào nữ hơn, nhưng chúng lại không nhiều, vì có rất ít nhà sáng chế là phụ nữ. 
 
Chúng tôi nhận thấy rằng trong các nhóm sáng chế có thành viên thuộc nhiều thành phần giới tính, số lượng sáng chế y sinh từ năm 1976 đến năm 2010 vẫn tập trung vào nhu cầu của nam giới nhiều hơn là nữ giới. Tính toán của chúng tôi cho thấy rằng nếu số lượng nhà sáng chế nam và nữ ngang bằng nhau trong hiện tại, thì chúng ta sẽ có thêm 6.500 sáng chế tập trung vào phụ nữ. Tính theo tỷ lệ phần trăm, sự ngang bằng này sẽ dẫn đến việc gia tăng 12% các sáng chế tập trung vào phụ nữ. 
 
Hiểu về nhu cầu của phụ nữ
 
Ngoài ra, việc có nhiều phụ nữ tham gia sáng chế cũng mang lại nhiều lợi ích. Các nhà sáng chế nữ thường có xu hướng xác định làm thế nào cải thiện và điều chỉnh các phương pháp điều trị hiện có cho các bệnh không phân biệt giới tính như đau tim, tiểu đường và đột quỵ sao cho phù hợp với nhu cầu của phụ nữ. Thật vậy, phụ nữ thường thử nghiệm xem sáng chế của họ ảnh hưởng đến nam giới và nữ giới khác nhau như thế nào: ví dụ, xem xét một loại thuốc có nhiều tác dụng phụ ở nữ hơn là ở nam hay không. 
 
Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi phát hiện ra rằng ngay cả những căn bệnh hẹp như cuồng động nhĩ, phụ nữ vẫn có thể nhìn thấy cơ hội để hướng phát minh của mình đến các nhu cầu sức khỏe cụ thể ở phụ nữ. Ngoài ra, kết quả của chúng tôi cho thấy rằng việc gia tăng số nhà sáng chế là phụ nữ sẽ giải quyết được sự chênh lệch vô hình về đối tượng được nghiên cứu này. 
 
Việc gia tăng số nhà sáng chế nữ đang giúp thu hẹp khoảng cách. Trong 3 năm, từ 2006 đến 2010, Mỹ đã cấp nhiều bằng sáng chế tập trung vào nữ hơn nam. Trên thực tế, kể từ năm 2010, số lượng các công ty khởi nghiệp do phụ nữ thành lập đã bùng nổ, những công ty tạo ra các sản phẩm sức khỏe mới và mang tính đột phá dành cho phụ nữ, từ các loại đồ lót tiện dụng đến máy hút sữa thông minh.  
 
Lưu ý đến những khoảng trống
 
Việc tăng tỷ lệ các nhà sáng chế là phụ nữ là yếu tố quan trọng để cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, nhưng nếu chỉ tăng số lượng các nhà khoa học nữ thôi vẫn chưa đủ. Cũng có trường hợp các nhà khoa học nữ gặp khó khăn trong việc thương mại hóa các ý tưởng nghiên cứu của họ hơn so với các nhà khoa học nam. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, mà trong đó đáng chú ý là những nhận xét đầy thành kiến mà nhà khoa học nữ nữ nhận được khi cố gắng thương mại hóa các ý tưởng tập trung vào phụ nữ. 
 
Cho dù nguyên nhân cơ bản là gì đi nữa, kết quả là trong khi gần 33% các khám phá khoa học trong năm 2020 được công bố bởi những nhóm nghiên cứu mà thành viên nữ chiếm đa số, thì trong cùng năm đó chỉ 16,2% các bằng sáng chế là do nhóm sáng chế có thành viên nữ chiếm đa số tạo ra.
 

Nghiên cứu cho thấy việc tăng số lượng bác sĩ da màu đã mang lại lợi ích như thế nào cho bệnh nhân da màu. Ảnh: Ron Levine/Stone via Getty Images
 
Chúng tôi nhận thấy rằng số công bố mang lại lợi ích cho phụ nữ của các nhà khoa học nữ nhiều hơn 12% so với số công bố của các nhà khoa học nam. Ít nhất, trong thời gian tới, việc giúp các nhà khoa học nữ thương mại hóa nghiên cứu của họ sẽ thúc đẩy số lượng các nhà sáng chế nữ và số lượng các sáng chế tập trung vào phụ nữ. 
 
Rộng hơn, những phát hiện của chúng tôi đã nhấn mạnh rằng sự bất bình đẳng về đối tượng trong việc ai có quyền sáng chế đã dẫn đến sự bất bình đẳng về đối tượng trong việc ai có quyền hưởng lợi từ sáng chế. Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc tăng số lượng bác sĩ da màu đã mang lại lợi ích như thế nào cho bệnh nhân da màu, và tương tự với trường hợp của bệnh nhân thuộc các nhóm thiểu số với bác sĩ thuộc các nhóm thiểu số. Điều này cho thấy thế giới không chỉ cần thêm các nhà sáng chế như Griffith của Đại học MIT mà còn cần nhiều hơn các nhà sáng chế như tiến sĩ Patricia Bath – người phụ nữ da màu đầu tiên nhận được bằng sáng chế y tế của Mỹ. Sáng chế của Bath, một phương pháp điều trị bằng laser để chữa bệnh đục thủy tinh thể, bắt nguồn từ việc bà nhận thấy người Mỹ da màu có nguy cơ bị mù cao gấp đôi người Mỹ da trắng.  
 
Thành kiến – dù là giới tính hay chủng tộc – về việc ai sẽ tiến hành nghiên cứu và thương mại hóa các sáng chế không chỉ là vấn đề ai đang bước vào “cuộc chơi”, mà đó còn là vấn đề của việc ai được hưởng lợi từ những tiến bộ trong khoa học. 
 
(*) Tác giả bài viết là Rem Koning, Trợ lý Giáo sư Quản trị Kinh doanh, Trường Kinh doanh Harvard
 
Anh Thư dịch
Nguồn:

Tác giả