Vì sao chúng ta không thể tin tưởng Microsoft nữa

Nếu Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đang thực hiện điệp vụ trên các sản phẩm của Microsoft, thì liệu có ai còn muốn sử dụng các sản phẩm đó nữa?

Nếu có ai đó đang điên đầu vì những dò xét lén lút của NSA, thì đó chính là Bộ Thương mại Mỹ chứ không phải là các luật sư. Những tiết lộ mới đây không đe dọa an ninh quốc gia nhiều như đe dọa nền kinh tế quốc gia. Và nếu tôi là Microsoft, tôi chắc phải tổ chức họp liên miên để bàn cách làm thế nào để sửa chữa ngay những chuyện đã xảy ra.

Microsoft, dù cố phủ nhận, dường như là đã cùng giường với NSA. Rõ ràng NSA và các cộng tác viên đã vượt qua tất cả các khóa mã và các phương pháp bảo mật để tiếp cận mọi tài liệu và trao đổi riêng tư. Điều này có nghĩa là một bên thứ ba, vì bất cứ lý do gì, đều có thể dễ dàng truy cập vào giao dịch kinh doanh bí mật, các bức thư tình, các biên bản tài liệu mật của chính phủ, các giao dịch tài chính, chương trình nội bộ công ty, và tất cả mọi ngóc ngách của các hoạt động đó.

Với những điều như đã nói đó, liệu bạn còn thực sự muốn mua một sản phẩm của Microsoft? Bạn có muốn mua bất cứ thứ gì mà khi hứng lên sẽ dễ dàng rình mò chọc ngoáy bạn? Đến một cá nhân như bạn còn phải suy đi nghĩ lại thì thử hỏi có chính phủ nước ngoài nào sẽ còn tin dùng Microsoft Office để ký thác bí mật của mình? Cá nhân tôi sẽ ngừng sử dụng ngay tức khắc tất cả các sản phẩm của Microsoft vì sợ Mỹ theo dõi tôi. Không còn gì là bí mật nữa.

Nếu tôi là cổ đông của bất kỳ công ty đại chúng nào, thì ngay lập tức tại đại hội cổ đông thường niên tôi sẽ đứng dậy chất vấn xem công ty có sử dụng sản phẩm của Microsoft không và nếu có, tôi yêu cầu cho biết tại sao không quẳng đi và dùng thứ khác. (Và sao Google Docs không phải là một lựa chọn). Thêm nữa, hệ điều hành Windows cũng quá nát. Kẻ thông minh bây giờ bỏ tiền dùng Linux. Mã Linux là mở và tự bạn có thể kiểm tra để xem liệu hệ điều hành có gửi thông tin cho cơ quan gián điệp nào hay không.

Một thảm họa tài chính đang chực chờ bùng phát. Microsoft sẽ rất nguy cấp nếu công ty không tìm được cách cắt đứt với NSA.

Còn Apple thì khác, có thể đang còn thơm mùi hương hoa hồng, nhưng ai biết sau sự vĩnh biệt của Steve Jobs, là người dường như đã từ chối bắt tay với NSA, liệu những người chèo lái bây giờ có ngớ ngẩn nhảy vào tham gia câu lạc bộ PRISM (phần mềm gián điệp) hay không.

Thật kỳ lạ, tất cả chúng ta đều đã biết về mối liên hệ giữa NSA và Microsoft kể từ thời Windows 2000 khi các file DLL dị thường bắt đầu xuất hiện, mà nhiều người phỏng đoán đó là các mã khoét ngạch ăn trộm (back-door codes). Qua các slide PowerPoint bị rò rỉ đã cho thấy rằng chính Microsoft là tay chơi đầu tiên với phần mềm gián điệp PRISM, điều này làm tôi tin rằng công ty đã làm ăn với gián điệp và đang tiếp tục một cách hăng hái nhất. Với những chuyện đó liệu bạn có còn cảm nghĩ tốt đẹp về công ty này và sản phẩm của nó không? Đấy phải chăng là cách Microsoft chăm sóc khách hàng của mình?

Tin tức đầu tiên tôi đọc được về Microsoft ngày hôm nay là Ballmer từ chối nói chuyện về chiến lược wearable computing (tạm dịch: điện toán vi trang phục) của công ty. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là, “Đây là ưu tiên của họ chăng? Máy tính vi trang phục (wearable computers) ư? Đó là những máy tính bé tí xíu đính trên hay dưới quần áo hoặc trở thành một phần của trang phục của bạn và hậu quả là có thể thám sát các hoạt động hằng ngày của con người bạn?”
 
Xuân Hoài dịch

Nguồn http://www.pcmag.com/article2/0,2817,2421733,00.asp
 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)