Vì sao không để họ phá sản
Việc mua lại bắt buộc cổ phần Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần là một ví dụ mới cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa thoát khỏi quan điểm định kiến không cho phép các ngân hàng thương mại yếu kém phá sản, và vẫn đang xoay xở với các giải pháp tình thế khác.
Trong ba năm qua, NHNN vẫn loay hoay với kế hoạch sáp nhập các ngân hàng yếu kém, và loại bỏ khả năng để một/vài ngân hàng phá sản. Ví dụ vụ ép sáp nhập ba ngân hàng Cổ phần Sài Gòn, Việt Nam Tín nghĩa, Cổ phần Đệ nhất năm 2011 thực chất rất gần với việc phá sản nếu chiếu theo luật Mỹ, nhưng ở Việt Nam, NHNN vẫn không dám sử dụng thuật ngữ “phá sản”.
Bên cạnh hoạt động sáp nhập, chính sách thứ hai của NHNN nhằm tháo gỡ bế tắc cho hệ thống ngân hàng là việc thành lập VAMC, với quan điểm “nợ xấu là một cục máu đông” trong nền kinh tế do TS Trần Du Lịch cổ súy. Tuy nhiên đây cũng là một chính sách không cần thiết, thậm chí lạc hướng. Nợ xấu nếu đã được thừa nhận và trích lập dự phòng đầy đủ thì không phải là trở ngại lớn cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên các ngân hàng có nợ xấu luôn có động cơ che giấu, cho nên vai trò của cơ quan quản lý phải là giám sát chặt chẽ không để ngân hàng làm điều này gây ngầm tích tụ rủi ro. Xét cho cùng, vai trò giám sát nhà nước ở đây vẫn là đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu và buộc những ngân hàng nào không đảm bảo điều kiện này phải phá sản để không ảnh hưởng đến cả hệ thống. Thay vào đó NHNN đưa ra “sáng kiến” VAMC hi vọng làm sạch sổ sách kế toán cho các ngân hàng, rồi lại tiếp tục loay hoay cân nhắc liệu có buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ hay không1. Tóm lại đây vẫn là tâm lý kỵ chữ “phá sản”.
Hai lí do không thỏa đáng
Vậy tại sao NHNN không chịu để một vài ngân hàng yếu kém phá sản? Hai lý do chính thường được viện dẫn là khi ngân hàng phá sản những người dân gửi tiền sẽ bị mất (một phần) và điều này có thể tạo ra khủng hoảng dây chuyền khi các ngân hàng lành mạnh khác cũng bị rút tiền hàng loạt.
Nếu NHNN kiểm soát chặt không để các ngân hàng che giấu nợ xấu (và không trích lập dự phòng) đồng thời thực thi qui định tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu thì khó có chuyện một ngân hàng đã trên bờ vực phá sản mà vẫn huy động được nhiều người tới gửi tiền. Như vậy, trách nhiệm của NHNN là đảm bảo sự minh bạch và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, chứ không phải là bằng mọi giá ngăn các ngân hàng phá sản. |
Lý do thứ nhất nêu trên là không thỏa đáng, bởi đối với những ngân hàng nhỏ và đã có tai tiếng một thời gian thì những cá nhân/doanh nghiệp gửi một khoản tiền lớn vào đó phải hiểu được rủi ro khi gửi tiền, bởi xét cho cùng gửi tiền tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư không loại trừ rủi ro. Mặt khác, việc một ngân hàng đang rất khó khăn mà vẫn huy động được một lượng tiền gửi lớn còn có một phần lỗi lớn của cơ quan chức năng trong việc giám sát và công bố thông tin. Nếu NHNN kiểm soát chặt không để các ngân hàng che giấu nợ xấu (và không trích lập dự phòng) đồng thời thực thi qui định tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu thì khó có chuyện một ngân hàng đã trên bờ vực phá sản mà vẫn huy động được nhiều người tới gửi tiền. Như vậy, trách nhiệm của NHNN là đảm bảo sự minh bạch và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, chứ không phải là bằng mọi giá ngăn các ngân hàng phá sản, và trong trường hợp ngân hàng phá sản thì NHNN nói riêng và nhà nước nói chung không có trách nhiệm phải bảo vệ số tiền gửi của nhà đầu tư. Thậm chí nếu nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm dụng tiền của bạn, nhà nước chỉ có trách nhiệm truy tố những kẻ phạm tội trước pháp luật chứ không phải đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư.
Lý do thứ hai thường được viện dẫn nêu trên về việc ngăn ngừa hiện tượng người gửi rút tiền hàng loạt để “tháo chạy” khỏi các ngân hàng (bank-run) hay khủng hoảng dây chuyền (contagion) cũng không thỏa đáng, bởi chống bank-run là nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương với chức năng người cho vay cuối cùng, mà một Ngân hàng Trung ương có năng lực cộng thêm trợ giúp của cơ quan bảo hiểm tiền gửi sẽ không quá lo ngại việc một vài ngân hàng phá sản. Trên thực tế, hằng năm ở Mỹ có vài chục ngân hàng phá sản mà thị trường không suy chuyển gì. Ngay trong giai đoạn khủng hoảng cao trào đầu năm 2009, hằng trăm ngân hàng thương mại Mỹ phá sản nhưng cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Mỹ (FDIC) đều giải quyết ổn thỏa – tuy ở Mỹ xảy ra khủng hoảng từ sự kiện Lehman Brothers, nhưng câu chuyện này có bản chất rất khác2 và sẽ còn rất lâu cho đến khi chúng ta phải lo lắng một điều tương tự xảy ra ở Việt Nam.
Do đó theo tôi việc lần lữa trong việc chấp nhận để một vài ngân hàng thương mại phá sản chỉ có thể do NHNN không tự tin vào chính năng lực của mình và cơ quan bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, và đây là một điều đáng tiếc.
Có thực NHNN mua VNCB không tốn đồng nào?
Trong trường hợp của VNCB, nợ xấu làm sụt giảm vốn tự có cũng như giá trị cổ phiếu của nó, và thậm chí nợ xấu đã trở nên lớn hơn vốn tự có của ngân hàng, khiến tỉ lệ vốn an toàn tối thiểu giảm sâu dưới mức quy định. NHNN không thể yêu cầu VNCB tăng tỉ lệ vốn tối thiểu bằng cách bán bớt tài sản, có thể vì các ràng buộc pháp lý sẵn có với các tài sản này, đồng thời việc vội vàng bán bớt tài sản trong trường hợp như vậy sẽ mất giá khiến giá trị ngân hàng càng giảm thêm. Cũng không thể buộc VNCB tăng thêm vốn điều lệ bởi các nhà đầu tư chẳng dại gì bỏ ra một số tiền để mua một mớ cổ phiếu ngân hàng có giá trị thấp hơn con số đó, chưa kể giá thị trường còn thấp hơn nữa.
Lúc này cơ quan quản lý có hai phương án: cho ngân hàng phá sản hoặc dàn xếp bailout (mà tiếng Việt thường dịch không đạt lắm là “giải cứu”). Bailout thông thường được hiểu là chính phủ bơm tiền cứu doanh nghiệp (hoặc cũng có thể là sự dàn xếp để các bên tư nhân bơm tiền cứu ngân hàng, nhưng tất nhiên để có bailout hoàn toàn bằng tiền tư nhân như vậy cơ quan quản lý nhiều khi phải đưa ra những đảm bảo hay nhượng bộ nào đó, và suy cho cùng nếu tính đúng tính đủ thì đó cũng là một dạng “tiền nhà nước”). Số tiền nhà nước bỏ ra bailout các ngân hàng tư nhân phần lớn dưới hình thức góp vào vốn chủ sở hữu để đảm báo tỉ lệ an toàn vốn đạt yêu cầu tối thiểu. Tùy vào mức độ thua lỗ của ngân hàng trước đó (tùy vào tỷ lệ nợ xấu cao bao nhiêu), số vốn góp vào của nhà nước có thể chiếm phần lớn tổng số vốn chủ sở hữu, và ngân hàng sẽ bị coi như đã được quốc hữu hóa nếu tỉ lệ vốn của nhà nước ở mức áp đảo. Như vậy, sở dĩ nhà nước phải quốc hữu hóa một ngân hàng vì số vốn chủ sở hữu của ngân hàng không còn đủ để hoạt động theo luật (hoặc đã âm) và ngân hàng đó không có khả năng huy động vốn trên thị trường.
Để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói “ỷ thế làm liều” (moral hazard) của cả hai bên. Hơn nữa để VNCB phá sản sẽ công bằng hơn vì như vậy nhà nước sẽ không phải bailout dựa trên tiền thuế từ những người dân không được lợi gì từ ngân hàng này (những người dân không phải là cổ đông hay người gửi tiền tại VNCB). |
Tuy nhiên, với trường hợp VNCB, dù vốn chủ sở hữu đã âm nhưng NHNN vẫn khăng khăng không để VNCB phá sản, đồng thời cho đến nay họ vẫn chưa bailout đúng nghĩa bằng cách góp vốn nhà nước vào để nâng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu đáp ứng điều kiện cho phép nó hoạt động như một ngân hàng bình thường. Mặc dù NHNN có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng cách đó chỉ có tính chất trợ giúp thanh khoản chứ không phải là góp vốn. Nếu NHNN tiếp tục cho VNCB vay tái cấp vốn để trả cho các khoản nghĩa vụ thanh toán tiền gửi đến hạn thì quyền lợi của người dân gửi tiền sẽ được đảm bảo đúng như cam kết của NHNN. Nhưng như vậy NHNN sẽ phải chịu lỗ vì tổng số tài sản của VNCB đã thấp hơn tổng nghĩa vụ thanh toán.
Số lỗ này (và số tiền góp vốn nếu có) là cái giá NHNN thực sự phải trả cho vụ bailout chứ không phải NHNN không tốn đồng nào vì mua cổ phiếu giá bằng không. Đáng tiếc là người dân sẽ khó có thể biết NHNN đã chấp nhận “lỗ” bao nhiêu.
Cần chúc mừng NHNN nếu bailout được làm đúng và công bằng
Nhưng NHNN cũng không sai khi nói rằng họ có thể lời khi bán VNCB sau này. Vì giá trị nghĩa vụ thanh toán là cố định còn giá trị tài sản thay đổi theo thị trường, nên hiện tại NHNN lỗ vì tổng tài sản thấp hơn tổng nghĩa vụ thanh toán, nhưng nếu sau này bất đẳng thức đổi chiều thì NHNN sẽ có lời.
Vấn đề là làm thế nào để nó đổi chiều? Liệu VCB, đại diện của NHNN quản lý VNCB, có tái cấu trúc thành công hay không và liệu tình hình thị trường lúc bán lại VNCB có tốt lên hay không. Tất nhiên không ai có thể biết trước và nhiệm vụ của NHNN cũng không phải là mua bán ngân hàng để kiếm lời mà là làm sao đảm bảo được sự an toàn/ổn định cho hệ thống ngân hàng dù có thể phải chịu lỗ (chi phí bailout). Lợi ích của một hệ thống tài chính lành mạnh lớn hơn nhiều chi phí bailout nếu bailout được làm đúng cách và công bằng.
Công bằng ở đây có nghĩa là những người đã có quyết định sai phải chịu trách nhiệm cho những quyết định đó. Cụ thể là cổ đông của VNCB phải bị mất hết cổ phần vì đã để ngân hàng làm ăn kém hiệu quả dẫn đến vốn chủ sở hữu bị âm. Đây là điều tôi đã cổ súy trong mấy năm nay, bất kỳ một cuộc cải tổ/bailout nào cũng cần phải buộc cổ đông chịu lỗ đầu tiên3. Vụ VNCB là lần đầu tiên NHNN làm được điều này và hi vọng đây không phải lần cuối cùng. Cần chúc mừng NHNN đã vượt qua được rào cản vô hình khi bailout/quốc hữu hóa VNCB.
Tóm lại tôi ủng hộ phương án giải quyết VNCB của NHNN, dù tôi vẫn cho rằng buộc VNCB phá sản là giải pháp tốt hơn. Tôi không nghĩ rằng một ngân hàng nhỏ và đã nằm trong diện kiểm soát đặc biệt một thời gian dài như vậy sẽ gây ra phản ứng dây chuyền khi phá sản. Ngược lại để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói “ỷ thế làm liều” (moral hazard) của cả hai bên. Hơn nữa để VNCB phá sản sẽ công bằng hơn vì như vậy nhà nước sẽ không phải bailout dựa trên tiền thuế từ những người dân không được lợi gì từ ngân hàng này (những người dân không phải là cổ đông hay người gửi tiền tại VNCB).
Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) Các công cụ có thể giúp ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng lây lan bất chấp việc một số ngân hàng phá sản: Bảo hiểm tiền gửi: về cơ bản, nhiệm vụ chính của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ hệ thống thanh toán của một quốc gia trong trường hợp Ngân hàng Trung ương không chống đỡ nổi một cuộc rút tiền hàng loạt (bank-run) khỏi hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, FDIC, cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Mỹ, trong suốt lịch sử của nó, chỉ duy nhất một lần vào năm 1933 (khi nó được thành lập) thực hiện chức năng này. Trên thực tế, vai trò của FDIC trong hệ thống tài chính hiện tại chủ yếu là giám sát và đứng ra dàn xếp quá trình phá sản/thanh lý/tái cấu trúc các ngân hàng thương mại – đáng tiếc là bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam chưa làm được điều này. Hiện nay, trên thế giới, nhiều nước không có bảo hiểm tiền gửi vì họ tin tưởng Ngân hàng Trung ương của mình có thể chống lại bank-run, vì vậy trên thực tế là vai trò của bảo hiểm tiền gửi khá mờ nhạt trong thời gian gần đây. Stress Test: Một công cụ chống khủng hoảng khác rất mới và sáng tạo cũng được Fed và ECB đưa ra trong thời gian khủng hoảng tài chính gần đây là “kiểm tra sức chịu đựng” (Stress Test). Mặc dù Stress Test không được báo chí nhắc đến nhiều, công cụ này có vai trò khá quan trọng ngăn chặn khủng hoảng lây lan, giúp các tổ chức tài chính xác định được (một cách tương đối) rủi ro nằm ở chỗ nào, do vậy giúp phòng chống các nhà đầu tư rút chạy hàng loạt trên thị trường bán sỉ vì không đủ thông tin. |
————————————————
Chú thích:
1. http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/nhnn-hoan-thoi-han-thuc-hien-thong-tu-02-la-can-thiet-201306041136491437.chn
2. Khi các tổ chức tài chính lớn phụ thuộc vào thị trường ngân hàng bán sỉ (whosale market) và các sản phẩm tài chính trở nên quá phức tạp khiến bank-run trở thành vấn đề nội bộ của giới ngân hàng, nói chính xác hơn là giữa các ngân hàng và ngân hàng ngầm (shadow bank).
3. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giả sử trong trường hợp một vài cá nhân nào đó ở một ngân hàng thương mại phạm tội hình sự, nếu Ngân hàng Trung ương của quốc gia biết điều này thì họ không được phép che giấu thông tin, và càng không thể sử dụng cách làm đó như điều kiện ép các cổ đông bán với giá bằng không.