Viện nghiên cứu Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM): Bước ngoặt từ tự chủ

Không “mạnh về gạo”, cũng chẳng “bạo vì tiền”, chỉ với đội ngũ các nhà khoa học trẻ sẵn sàng bám nghề và những sản phẩm nghiên cứu có nhiều tiềm năng thương mại hóa, Viện nghiên cứu Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM) đã dám chấp nhận rủi ro để chuyển đổi thành đơn vị tự chủ, điều không phải bất cứ tổ chức KH&CN nào cũng dám thực hiện.


 Các nhà nghiên cứu Viện Tế bào gốc trong phòng thí nghiệm. Nguồn: Viện Tế bào gốc

Tại Triển lãm thiết bị và công nghệ thử nghiệm VinaLAB 2019, một cuộc trưng bày về trang thiết bị phân tích, hóa chất vật tư, giải pháp kỹ thuật, giải pháp phần mềm phục vụ hoạt động thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, môi trường…, diễn ra vào ngày 27/10 tại Hà Nội, gian hàng của Viện Tế bào gốc nằm ở một góc khuất, lọt thỏm giữa gần 20 gian hàng, phần lớn là những công ty đại diện cho các hãng sản xuất thiết bị của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Ý… và chủ yếu chỉ có chức năng cung cấp dịch vụ vật tư, bán hàng. Gian của Viện Tế bào gốc – với tấm phông in một vài hình ảnh thông tin về Viện và chiếc bàn nhỏ bày 10 loại sản phẩm tiêu biểu, mang ý nghĩa đặc biệt: giới thiệu những sản phẩm liên quan đến tế bào gốc do chính các nhà nghiên cứu của Viện làm ra. ThS Phan Lữ Chính Nhân, Viện phó Viện Tế bào gốc, không khỏi tự hào khi giới thiệu về những sản phẩm đó: “Ví dụ đây là dung dịch để nuôi tế bào gốc trung mô MSCCult của Viện. Về chất lượng thì nó tốt bậc nhất Việt Nam, thậm chí tốt hơn nhiều sản phẩm cùng loại của nước ngoài mà lại có giá thành thấp hơn nhiều lần”. Có lẽ không phải nói nhiều về sức hút của MSCCult, bởi hiện phần nhiều các cơ sở y tế và viện nghiên cứu làm về tế bào gốc ở Việt Nam đều là khách hàng của Viện. 

Chấp nhận rủi ro khi chuyển đổi   

Gần hai năm nay, Viện Tế bào gốc đã trở thành đơn vị tự chủ về tài chính. Quá trình tự chủ của Viện diễn ra một cách bình lặng và ít ồn ào như tính cách của các nhà nghiên cứu nơi đây. “Ban đầu Viện tập trung vào nghiên cứu cơ bản là chính, nhưng qua nghiên cứu cũng phát hiện ra một số ‘quy luật’ có thể tận dụng để tạo ra sản phẩm chuyển giao được. Thông thường, việc chuyển giao sản phẩm phải qua một số cơ quan chức năng của trường, vì vậy mất nhiều thời gian, thậm chí lỡ cơ hội. Vậy là anh em trong Viện quyết định chuyển sang tự chủ”, TS. Vũ Bích Ngọc – trưởng Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Viện Tế bào gốc), kể về lý do vì sao từ một đơn vị đơn thuần nghiên cứu với sản phẩm chính là công bố quốc tế, Viện Tế bào gốc lại chuyển hướng trở thành “tự chủ tự chịu trách nhiệm” vào đầu năm 2018.

Chuyển sang tự chủ, Viện Tế bào gốc sẽ không được hưởng những hỗ trợ như các khoản kinh phí chi thường xuyên, được đầu tư về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị từ ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGTPHCM, như trước. Vì thế tính ra, lo cho một đơn vị nghiên cứu với 35 người thường trực và 50 người dạng “thời vụ” không phải đơn giản, đặc biệt với các nhà nghiên cứu kiêm nhiệm quản lý. “Tất cả mọi thứ sẽ phải tự lo, tự chi hết, gần như một startup vậy, cực lắm”, TS. Vũ Bích Ngọc nói một cách ngắn gọn về những khó khăn mà Viện phải trải qua khi tự chủ.

Và quả thật, trong năm đầu tiên “ra ở riêng”, áp lực nuôi đội ngũ nhà nghiên cứu, cán bộ và cung cấp vật tư hóa chất cho các nghiên cứu khiến Viện cũng lao đao. TS. Vũ Bích Ngọc kể về thất bại đầu tiên mà chị và các đồng nghiệp phải nếm trải: “Cuối năm tính toán sổ sách, chúng tôi lỗ 1 tỷ đồng”. Vậy điều này có làm các nhà nghiên cứu trẻ nhụt chí? “Thất bại đầu tiên này không làm chúng tôi nản mà ngược lại, khiến cả Viện quyết làm tốt hơn trong năm sau để bù lỗ”, chị cho biết.

Thật may, trong quá trình chuyển đổi tiềm ẩn nhiều rủi ro này, Viện Tế bào gốc không phải đơn thương độc mã. Áp lực đã được giảm thiểu nhờ cơ chế hỗ trợ của nhà nước theo nhiều cách, như kinh phí đầu tư cho các đề tài nghiên cứu cấp thành phố, cấp nhà nước, Quỹ NAFOSTED… do Viện thực hiện và đặc biệt là dự án “Nâng cao năng lực tự chủ thông qua nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc phục vụ điều trị một số bệnh trên người” do Dự án FIRST (Bộ KH&CN) tài trợ tổng mức kinh phí 2,2 triệu USD (tương đương 50,4 tỉ đồng) vào tháng 5/2018. Theo TS. Vũ Bích Ngọc, Viện cũng bỏ một phần kinh phí đối ứng “từ nguồn tiết kiệm qua các hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu trong nhiều năm” để thực hiện “dự án mơ ước” này.


Nhờ dự án FIRST, Viện Tế bào gốc có được Phòng thí nghiệm Đánh giá hoạt tính sinh học theo chuẩn ISO 17025 (LABA) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Sản xuất thực nghiệm (CIPP). Nguồn: Viện Tế bào gốc

Chỉ một năm sau khi triển khai dự án FIRST, Viện đã có được hai cơ sở vật chất quan trọng phục vụ công việc nghiên cứu và sản xuất, đó là Phòng thí nghiệm Đánh giá hoạt tính sinh học theo chuẩn ISO 17025 (LABA) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Sản xuất thực nghiệm (CIPP) đạt chuẩn GMP. Với việc trang bị gần như đầy đủ các thiết bị hiện đại về đánh giá các hoạt tính sinh học ở trên các dòng tế bào người và động vật, thiết bị nhân gene PRC thời gian thực 5 màu… cùng những thiết bị sản xuất các sản phẩm y sinh liên quan đến tế bào gốc ở quy mô bán công nghiệp, Viện Tế bào gốc đã có thể thiết lập một chu trình khép kín từ phòng thí nghiệm đến công xưởng, điều không phải đơn vị nghiên cứu nào cũng có được. Nhờ vậy, những sản phẩm nghiên cứu không còn chỉ ở dạng tiềm năng, Viện có thể hoàn thiện công nghệ và tự sản xuất chúng trong một quy trình đạt chuẩn ISO và GMP để có thể cung ứng theo đơn đặt hàng. TS. Vũ Bích Ngọc đánh giá, “không có dự án FIRST thì có lẽ sẽ còn rất lâu nữa, Viện mới có một cơ ngơi hoàn chỉnh như vậy và một cơ hội tự chủ như vậy”. 

Do đó, ngay ở thời điểm chưa hết năm và chưa đóng lại dự án FIRST, Viện Tế bào gốc đã nhẩm tính, “năm nay không lo lỗ nữa mà với ước tính doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, năm nay Viện có thể có lãi, có thể ‘sống khỏe’ rồi”, TS. Vũ Bích Ngọc nói như reo lên qua điện thoại.   

Điểm tựa nghiên cứu

Dĩ nhiên, yếu tố quyết định cho bước ngoặt tự chủ của Viện Tế bào gốc không chỉ từ hệ thống cơ sở vật chất khá đầy đủ cũng như từ mong muốn một cách chủ quan của các nhà nghiên cứu. Nó còn có xuất phát điểm là nội lực nghiên cứu dày dặn, vốn được vun đắp trong suốt 10 năm qua với các hướng nghiên cứu  cơ bản về y học tái tạo, y học phát triển, ung thư… Trong cuộc trao đổi bên lề triển lãm, ThS Phan Lữ Chính Nhân chia sẻ, “tất cả các sản phẩm mà chúng tôi có đều là kết quả của những đề tài nghiên cứu khoa học và có công bố quốc tế đàng hoàng. Tuy không phải nghiên cứu cơ bản nào cũng có thể có được sản phẩm điều trị ngay nhưng khi thấy kết quả nào có triển vọng, chúng tôi đều triển khai các pha nghiên cứu tiếp theo để tối ưu công nghệ, trong đó có những quá trình thử nghiệm lâm sàng để đủ cơ sở pháp lý lẫn khoa học chứng minh là nó tốt và an toàn”. Đó gần như là công thức chung cho các sản phẩm của Viện Tế bào gốc, TS. Vũ Bích Ngọc bổ sung. 

Với cách làm đầy cẩn trọng này, nhiều sản phẩm của Viện Tế bào gốc phải mất trung bình 5 năm, thậm chí lâu hơn mới thành hình hài và ra được thị trường, “ví dụ dung dịch để nuôi tế bào gốc trung mô là 5 năm còn Cartilatist điều trị thoái hóa khớp gối và thoái hóa cột sống thì phải mất 10 năm nhưng thực sự là chất lượng tốt”, ThS Phan Lữ Chính Nhân cho biết. 

Vì vậy rất nhiều sản phẩm của Viện Tế bào gốc đã thuyết phục được khách hàng trong nước, thậm chí cả một số cơ sở ở Lào và Campuchia, chọn Viện làm nhà cung cấp, không chỉ những mặt hàng quen thuộc như dung dịch nuôi cấy tế bào gốc trung mô mà cả những sản phẩm mới, ví dụ công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc Cartilatist, công nghệ StemActive, Exosome, Micropierce (đều là công nghệ độc quyền của Viện) dùng để sản xuất các sản phẩm mĩ phẩm sinh học… đều đã được chuyển giao thành công. 

Với Viện Tế bào gốc, cơ hội thương mại hóa hết sức lớn bởi “trong một vài cuộc khảo sát thị trường từng thực hiện trước đây, chúng tôi biết là nhu cầu điều trị và chăm sóc thẩm mĩ bằng công nghệ tế bào gốc rất lớn ở Việt Nam, nên cứ có sản phẩm mới ra đời ra là thắng”, ThS Phan Lưu Chính Nhân nói. Thành công hứa hẹn này khiến người ta dễ “say” và dễ rơi vào tình trạng chạy theo lợi nhuận, chạy theo chuyển giao mà quên đi những yêu cầu khắt khe của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thật may mắn là các nhà nghiên cứu của Viện Tế bào gốc đã lường trước được tình huống này. “Chúng tôi không chuyển giao công nghệ một cách bất chấp cho khách hàng. Mỗi lần có đối tác tới làm việc, điều chúng tôi yêu cầu họ là chịu đầu tư thiết bị đồng bộ và sử dụng công nghệ nghiêm túc, đảm bảo đủ điều kiện để được Bộ Y tế cấp phép cho các kỹ thuật mà chúng tôi chuyển giao. Tất nhiên Viện cũng có trách nhiệm hỗ trợ tối đa”, TS. Vũ Bích Ngọc cho biết.


Quá trình Viện Tế bào gốc làm ra sản phẩm Cartilatist điều trị thoái hóa khớp gối và thoái hóa cột sống. Nguồn: Viện Tế bào gốc

Kinh doanh tốt nhưng các nhà nghiên cứu của Viện Tế bào gốc vẫn luôn giữ được thế cân bằng giữa sản xuất, chuyển giao công nghệ với nghiên cứu cơ bản. Theo quy định đã thành nếp, tiền thu được từ chuyển giao được trích lại để đầu tư ngược trở lại cho nghiên cứu. Nhờ vậy thật hiếm viện nghiên cứu nào ở Việt Nam lại có đề tài nghiên cứu cấp viện lại có kinh phí cỡ 500 đến 600 triệu đồng như Viện Tế bào gốc (thông thường, một đề tài khoa học cơ bản do Quỹ NAFOSTED tài trợ trong vòng hai năm cũng chỉ nhận được khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu của Viện còn dành nhiều tâm huyết gây dựng hai tạp chí được cộng đồng quốc tế công nhận là Biomedical Research and Therapy và Progress in Stem Cell để tạo nơi chốn trao đổi, thảo luận về khoa học và học hỏi những cách tiếp cận vấn đề mới từ các đồng nghiệp quốc tế. 

Theo quan điểm của ThS Kim Ngọc, cố vấn của Viện, và PGS. TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc thì trong bất cứ hoàn cảnh nào thì công việc nghiên cứu vẫn được ưu tiên. “Nhờ làm nghiên cứu tốt mà nay chúng tôi bắt đầu có được uy tín học thuật quốc tế và cả những sản phẩm thương mại được thị trường công nhận”, TS. Vũ Bích Ngọc nhận xét. □

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)