Việt Nam – điểm đến cho các nhà đầu tư
Mới đây, Hội nghị doanh nghiệp Đức khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APK) đã được tổ chức tại TP.HCM. Nhân dịp này, hãng truyền thông quốc tế DW của Đức có bài viết đánh giá tình hình kinh tế cũng như các cơ hội thương mại của Việt Nam.
Hiện có khoảng 300 công ty Đức đang có mặt trên thị trường Việt Nam, trong đó bao gồm những tên tuổi lớn như Adidas, BMW và công ty chuyên về dụng cụ y tế Zwilling. Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đứng đầu các nguồn lực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Đức hiện là nhà đầu tư thứ 22 trong khu vực Đông Nam Á.
“Việt Nam muốn có được nhiều quan hệ hợp tác về kinh tế với Đức, một quốc gia châu Âu nổi danh về đầu tư nước ngoài”, ông Thomas Hundt của tổ chức về phát triển kinh tế, Thương mại và đầu tư Đức (GTAI), cho biết.
Hội nghị APK lần thứ 14, diễn ra vào ngày 20 đến 22-11 là cơ hội tốt để Việt Nam giới thiệu khả năng của mình trong lĩnh vực hợp tác, đầu tư với cộng đồng doanh nghiệp thế giới. Hội nghị được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại nhiều quốc gia do Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương của doanh nghiệp Đức (APA), Phòng Công nghiệp – Thương mại Đức (AHK) và Bộ Kinh tế Đức phối hợp tổ chức.
Hội nghị năm nay được tổ chức tại TP.HCM. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Sigmar Gabriel tham gia hội nghị.
Thị trường nội địa phát triển
Một ví dụ cho việc liên kết thương mại thành công tại Việt Nam là trường hợp nhà sản xuất đồ thể thao Adidas. Công ty này đã tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ các nhà cung cấp Việt Nam trong nhiều năm qua. Đại diện của Adidas, Simone Lendzian nói với DW rằng, Việt Nam được đánh giá là một nơi sản xuất hàng hóa tốt.
Việt Nam, cùng với Trung Quốc và Indonesia, là một trong ba nhà cung cấp chính cho Adidas toàn cầu, Lendzian cho biết. “Hơn nữa, điều quan trọng là thị trường tiêu dùng Việt Nam đang phát triển. Nhóm dân số trẻ của đất nước này say mê các nhãn hàng quốc tế. Chúng tôi trông chờ vào việc nâng cao nhận diện nhãn hàng và phát triển nó theo hướng phổ cập hơn nhằm dẫn đến khả năng tăng nhu cầu với các sản phẩm của chúng tôi”.
Với dân số khoảng 90 triệu người và thu nhập trung bình tăng lên đều đặn, thị trường tiêu dùng nội địa ở Việt Nam có sức thu hút lớn. Kể từ năm 2009, Việt Nam đã trở thành một quốc gia thu nhập trung bình, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới (WB).
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,4% trong năm 2013 và đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã đóng góp khoảng 20% vào tổng sản lượng kinh tế đất nước. Các nhà đầu tư ngoại đánh giá tích cực môi trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt là sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, một nguồn lực lao động năng động, được đào tạo tốt, nhiều nét gần gũi với Trung Quốc, theo một báo cáo gần đây của WB về khả năng cạnh tranh của đất nước này.
Dẫu vậy thì vấn đề quản lý và huấn luyện tính chuyên nghiệp cho nhân công Việt Nam cần được cải thiện để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài, cũng theo nguồn báo cáo trên.
“Nhân công thiếu kỹ năng là một trong những điểm yếu của nền kinh tế”, Thomas Hundt tiết lộ.
Chính nhược điểm này đã tác động không nhỏ đến chi phí lao động giá rẻ của Việt Nam, đem đến cho Việt Nam một lợi thế nhất định, ông giải thích. “Các công nhân thiếu kỹ năng chỉ nhận được đồng lương bằng hai phần ba so với công nhân Trung Quốc. Đó là nguyên nhân đằng sau làn sóng hiện tại của các nhà máy chuyển từ Trung Quốc tới Việt Nam”.
Như trước đây, lao động được đào tạo chuyên sâu đem lại cho đất nước nhiều cơ hội đầu tư lớn hơn. Nhưng bức tranh công nghiệp đang dần thay đổi. “Trong khi bắt đầu với nền công nghiệp dệt may vào những năm 1990, nền sản xuất của đất nước này đang dần chuyển sang những lĩnh vực công nghệ khác và hướng vào việc sản xuất ra những chiếc máy giặt, đồ điện tử, điện thoại thông minh,” Hundt nói.
Những cải cách và mở rộng nhu cầu
Đầu tư nước ngoài chất lượng cao sẽ phụ thuộc vào khả năng xây dựng một sân chơi bình đẳng của chính phủ Việt Nam với mọi thành phần tham gia thị trường, theo nhận định của WB. Các doanh nghiệp nhà nước đều được hưởng ưu đãi về vốn và nhiều nguồn lực khác, khiến cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo.
Các doanh nghiệp nhà nước được cho là nắm giữ ít nhất một phần ba tổng sản phẩm quốc nội, theo kết luận của một nghiên cứu gần đây. Tuy nhiên các doanh nghiệp này được biết đến như mô hình hoạt động không hiệu quả khi chỉ phụ thuộc một phần vào quy tắc thị trường tự do và được chính phủ bảo hộ nếu lâm vào tình trạng khó khăn. Vấn đề cải cách hoặc là bị trì hoãn hoặc là không được thực hiện.
Nhưng vào cuối năm 2014, chính phủ Việt Nam đã thông qua hai luật mới nhằm mục đích mở rộng cuộc cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp nhà nước, ít nhất là từng phần một. Qua động thái này, chính phủ hy vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.
Một ví dụ là hãng hàng không thuộc sở hữu của nhà nước, Vietnam Airlines, hiện đang có bước đi đầu tiên theo hướng này bằng việc cung cấp 3,5% tổng số cổ phần của công ty lên thị trường chứng khoán tại TP.HCM vào ngày 14-11 vừa qua. Nhà nước dẫu sao vẫn còn sở hữu tới 75 % cổ phần của Vietnam Airlines.
Hợp tác với Đức
Trong nỗ lực cải cách nền kinh tế, chính phủ Việt Nam tiến gần hơn với Đức. Kể từ khi hai quốc gia ký kết một thỏa thuận đối tác chiến lược vào năm 2011, Berlin đã thiết lập nguyên tắc trong đối thoại luật pháp với Hà Nội, nhưng hai bên vẫn còn những rào cản quan liêu dễ nhận thấy.
“Chính phủ Việt Nam luôn luôn lắng nghe mỗi khi các doanh nghiệp hoặc tổ chức như Phòng thương mại và công nghiệp châu Âu hay Mỹ trình bày những vấn đề họ đang phải đối mặt”, Hundt nhận xét.
Dẫu vậy thì tất cả các doanh nghiệp muốn hoạt động thương mại tại Việt Nam rất cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tư vấn mang tính chuyên nghiệp, Hundt lập luận. “Bất cứ ai muốn đầu tư vào Việt Nam hoặc thực hiện các giao dịch thương mại nhất thiết phải được chuẩn bị tốt. Và một lời khuyên pháp lý hữu ích cũng cần phải được đưa ra sớm”.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn: http://www.dw.de/vietnam-a-country-for-investors/a-18073726