Việt Nam mất điểm trước nhà đầu tư Nhật Bản

Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam xếp thứ 5 về mức độ hấp dẫn các công ty Nhật Bản, giảm một bậc so với báo cáo trước đó.

Trong 160 công ty Nhật Bản tham gia trả lời cuộc khảo sát này, có 67,5% cho rằng Việt Nam hấp dẫn nhờ tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, 58,8% là do chi phí nhân công rẻ.

Các ngành công nghiệp được nhà đầu tư Nhật Bản chú ý nhất là sản xuất thiết bị điện và điện tử, máy móc, hóa chất, xe ô tô.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đối tác chưa hài lòng về Việt Nam, như cơ sở hạ rầng kém phát triển, hệ thống văn bản pháp luật không rõ ràng, khó khăn trong kiểm soát lao động và chi phí lao động ngày càng tăng.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá “Cạnh tranh ngày càng gay gắt khi nhiều công ty bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam”.

Cũng theo bảng xếp hạng này, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn giữ vững vị trí thứ nhất và thứ hai về thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Indonesia nhảy hai bậc lên vị trí thứ ba. Theo nhận xét của đa số công ty Nhật Bản, Indonesia được đánh giá cao nhất về tiềm năng phát triển của thị trường trong nước với nền công nghiệp ngày càng lớn mạnh.

‘Hiện tượng” Myanmar tiến tới 9 bậc trong năm nay, lọt vào top 10 nước thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản với sự tiến bộ đáng kể trong cải cách thể chế, từ chế độ quân sự chuyển sang dân sự.

Trong khi đó, Thái Lan cũng giống Việt Nam tụt một bậc về độ hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/4/2013, Nhật Bản vẫn là nước dẫn đầu trong các quốc gia. vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với gần 2.000 dự án, tổng vốn hơn 32 tỷ USD. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là nước tài trợ vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam với tổng vốn cam kết lên tới 21 tỷ USD.

Tác giả