Volocopter : chống ùn tắc bằng ô tô bay
Florian Reuter - Nhà doanh nghiệp muốn sớm tạo ra một sự thay đổi cơ bản về cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông đô thị thông qua máy bay không người lái.
Reuter hoàn toàn không đơn độc với tầm nhìn của mình về cái gọi là Volocopter . Ở Muynchen, Lilium cũng đang xúc tiến dự án mang tên Lilium Jet, dự án này cũng rất giống với điều mà Reuter đang ấp ủ. Trên thế giới hiện cũng có nhiều chuyên gia hàng không và các nhà chế tạo ô tô cũng đang suy nghĩ về vận chuyền hàng không cá nhân và coi đây là một giải pháp chống ùn tắc ở các đô thị.
Ý tưởng về ô tô bay có lẽ ra đời chỉ ít lâu sau khi xuất hiện ô tô, cũng như sau khi máy bay ra đời. Tuy nhiên những vấn đề liên quan đến điều khiển, đến tiếng ồn của động cơ và nhất là về các loại giấy phép lưu hành cần thiết cộng với chi phí cao đối với người sử dụng nên ý tưởng này đành phải gác lại. Tuy nhiên đến thời kỳ này những vấn đề nói trên không còn là rào cản nữa. Chí ít thì đây là niềm tin của nhà tương lai học người Thuỵ Sỹ Lars Thomsen, ông tin rằng trong khoảng mười lăm năm nữa những chiếc ô tô con biết bay sẽ xuất hiện trên bầu trời ở các thành phố.
Để chứng minh cho điều này ông đã nêu ra một loạt yếu tố: cho đến nay nghiên cứu về ô tô bay luôn xuất phát từ quan niệm do người điều khiển, người điều khiển phải có bằng lái ô tô bay, cạnh đó lại phải có đường băng để ô tô xuất phát, giờ đây các chuyên gia phát triển lại định hướng theo loại ô tô bay bằng điện, điều khiển tự động, cất cánh theo chiều thẳng đứng. Theo Thomsen “Loại phương tiện này có thể bay lên ở mọi nơi và ai cũng có thể sử dụng được”.
Các tập đoàn lớn tham gia giao thông bay
Ngay cả các thành phần tham gia cuộc chơi cũng có sự thay đổi: trước đây tham gia vào xây dựng ý tưởng này là những người thích mày mò, sáng chế, phát minh và những người nung nấu ý tưởng với nguồn tài chính mạo hiểm hay từ những đồng tiền mà bản thân họ tích cóp được, vì say mê nghiên cứu nên dồn tất cả cho công cuộc này. Giờ đây tham gia vào quá trình này là các tập đoàn khổng lồ, các ông lớn như Google, Uber hay Skype và các nhà sản xuất ô tô hay máy bay có tên tuổi, họ chi hàng trăm triệu đôla cho các dự án loại này. “Điều này tăng sự khả tín cũng như tốc độ”, Thomsen giãi bày.
Các vấn đề về công nghệ dường như đã được giải quyết: chiếc Volocopter của Florian Reuter với 18 Rotor chạy điện và 9 bình ác quy đã có chuyến bay đầu tiên và mùa thu vừa qua có chuyến bay trình diễn ở Dubai. Theo các nhà chế tạo động cơ điện có đủ công xuất và các bình ác quy đủ sức vận chuyển trên 100 kg và bay được trên 300 km.
Florian Reuter
Florian Reuter, giám đốc điều hành Volocopter , muốn thông qua máy bay tự lái hạn chế ùn tắc giao thong ở các đô thị.
Ngay cả loại máy bay đồ chơi loại khá một chút đã cho thấy bộ phận điều khiển tự động đã tương đối hoàn hảo. Khi mà các máy bay tự lái giá vài ba trăm Euro đã có thể tự tránh các cột đèn hoặc tránh lẫn nhau trong một địa bàn hẹp vậy thì, theo Thomsen, không lý gì những thiết bị bay giá hàng nghìn lần đắt hơn lại không bay được an toàn từ điểm A đến điểm B?
Khi trình bày về kế hoạch của mình, Reuter, ông chủ của Volocoper, luôn nhận được sự chăm chú lắng nghe: trong năm tới ông dự định cho vận hành Volocopter – khi đó vẫn có phi công trong buồng lái, có giấy phép – và giới thiệu trên thị trường đây là loại phương tiện trong tương lai. Trong giai đoạn tiếp theo kế hoạch của ông là đưa vào vận hành ô tô bay có người điều khiển tại các khu dân cư đông đúc và trong giai đoạn ba cho xe hoạt động độc lập. “Và điều này sẽ diễn ra nhanh hơn so với những gì tất cả chúng ta nghĩ”, Reuter đoán chắc như vậy.
Với kịch bản này Reuter có thể mời Daimler là đối tác cùng vào cuộc. Daimler tham gia vào doanh nghiệp này với hy vọng sớm đưa được ác quy của mình từ Smart & Co để dùng cho Volocopter “cất cánh”. Qua đó họ thậm chí sẽ thực hiện được một yêu cầu của người sáng lập doanh nghiệp: một chiếc Mercedes người ta có thể vận hành trên mặt đất, mặt nước và cả trên không.
Toyota, Daimler và Geely đều mong đợi ô tô bay
Ngay cả một số tập đoàn lớn khác cũng muốn có mặt ngay từ đầu: Theo thông tin của Viện nghiên cứu thị trường Gartner, mới đây Toyota tuyên bố sẽ gây bất ngờ vào dịp Thế vận hội Olympic tại Tokyo vào năm 2020 với ô tô bay. Nhà chế tạo ô tô Trung quốc Geely tiếp quản dự án Terrafugia, với cái tên “Transition” hãng cũng sẽ phát triển xe ô tô có cánh.
Airbus cùng với công ty con của Audi Italdesign tại triển lãm ô tô ở Gionevo hồi đầu xuân đã giới thiệu phương án liên kết ba loại phương tiện giao thông với nhau: công trình nghiên cứu “Pop.up” dựa vào tế bào carbon dành cho hai hành khách, ý tưởng của phương án này là: một bộ khung với các Rotor có thể bay như một thiết bị bay, khi trên mặt đất thì chạy trên bánh xe và trở thành ô tô điện, khi phải di chuyển trên một tuyến đường dài có thể cho lên toa tàu hoặc phóng trong ống tựa như Hyperloop của Elon Musk.
Tất nhiên cần thời gian để con người làm quen với những ý tưởng này. Ban đầu là vận chuyển bưu kiện hay các vật dụng khác, Matthias Thomsen giải thích. Ông phụ trách mảng Urban Air Mobility tại Airbus. Công nghệ này có thể cải thiện đáng kể cuộc sống tại các thành phố lớn dân cư đông đúc, Thomsen tin chắc rằng: “Việc bổ sung chiều thứ ba vào mạng lưới vận tải đa phương thức đương nhiên sẽ cải thiện phong cách sống và cách thức đi lại của chúng ta.”
Nhà tương lai học Lars Thomson thậm chí còn đi xa hơn khi ông cho rằng giao thông hàng không cá nhân chính là hệ quả logic của quá trình phát triển cho tới ngày nay. “Do thiếu không gian về chỗ ở và chỗ làm việc nên từ lâu chúng ta đã hướng lên trời cao”, ông nói và nhìn lên những toà nhà cao tầng đan xen với nhau. Chỉ có các con đường là cho đến nay vẫn bám lấy mặt đất và chui sâu vào lòng đất. “Nếu chúng ta muốn tiếp tục di động thì nhất thiết phải phát huy hiệu quả của giao thông và phải tận dụng cả chiều thứ ba.”
Nguyễn Xuân Hoài dịch