“Vua” túi giấy 21 tuổi của Uganda

Khởi nghiệp khi 16 tuổi với chỉ 14 đô-la, giờ đây Andrew Mupuya- chủ công ty sản xuất túi giấy đầu tiên của Uganda - đã trở thành một doanh nhân thành đạt với nhiều giải thưởng uy tín.

Tất cả bắt đầu vào năm 2008, khi cả bố và mẹ của Mupuya đều mất việc, Mupuya phải tự tìm cách trang trải cho bản thân.

Một cách tình cờ, chính phủ Uganda lại trở thành cứu tinh gián tiếp cho Mupuya. Đó là thời điểm mà các nhà chức trách đang tính đến chuyện ra lệnh cấm túi nylon để hạn chế các tổn hại cho môi trường. Mupuya, lúc đó vẫn còn đang là học sinh cấp 2, lập tức nhận ra cơ hội khởi xướng một công ty sản xuất túi giấy.

“Tôi đã tiến hành một nghiên cứu về tính khả thi, nghiên cứu thị trường tại các cửa hàng bán lẻ, các ki-ốt, siêu thị ở Kampala và thấy rằng thực sự có nhu cầu và thị trường tiềm năng cho túi giấy,” Mupuya kể.

Theo tính toán của mình, Mupuya thấy rằng cậu cần 14 đô-la để bắt đầu. Cậu kiếm 11 đô-la đầu tiên từ việc bán 70 kg chai nhựa mà cậu thu nhặt trong vòng một tuần. Mupuya vay 3 đô-la còn lại từ một giáo viên của cậu ở trường và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình với việc sản xuất túi giấy ở một quy mô nhỏ.

Kể từ đó, công việc kinh doanh của Mupuya bắt đầu lớn mạnh dần lên và hiện tại, ở tuổi 21, Mupuya đã là chủ của YELI, công ty đã đăng ký đầu tiên của Uganda sản xuất túi giấy.

Nhà doanh nghiệp trẻ này thuê 16 nhân công để sản xuất gần 20.000 túi giấy mỗi tuần. Khách hàng của cậu bao gồm các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm y tế, và cả các công ty đa quốc gia như Samsung (YELI đã sản xuất 1.000 túi đặc dụng cho các đại lý tại địa phương của công ty điện tử này). Mupuya cho biết, hiện tại công ty có 72 khách hàng, và 90% khách hàng luôn quay lại.

Năm 2012, Mupuya nhận giải thưởng Anzisha trị giá 30.000 đô-la cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Châu Phi. Giải thưởng dành cho những sáng kiến giúp giải quyết những vấn đề cấp bách của cộng đồng. Tuy Chính phủ Uganda đã thử ra lệnh cấm túi nylon trong nỗ lực giảm tác hại tới môi trường, hiện nay tại Kampala, túi nylon vẫn còn được sử dụng và thường xuyên gây tắc các hệ thống thoát nước hoặc bị xả rác thành đống bên vệ đường.

Hiện tại, Mupuya lấy nguồn giấy từ thủ đô Nairobi của Kenya. Công ty của cậu đóng đô tại Kasokoso, một khu ổ chuột ngay ngoài trung tâm thành phố Kampala. Tại đây, tất cả được làm bằng tay rất cẩn thận: các công nhân của YELI tự cắt, gập và dán keo hàng nghìn túi giấy bằng tay mỗi ngày. Tuy vậy, quy trình này khá mất thời gian, và với lượng khách hàng ngày càng tăng, công ty bắt đầu không theo kịp lượng đặt hàng. Mupuya nói thách thức lớn nhất với công ty của cậu bây giờ là vấn đề cung-cầu, bởi hiện tại công ty mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu từ phía khách hàng.

Mupuya cho biết bước tiếp theo của cậu là sẽ đầu tư vào máy móc để tăng năng suất. Cậu còn mơ tới việc xây dựng một xí nghiệp sản xuất lớn để cung cấp túi giấy cho toàn Châu Phi, đồng thời kêu gọi chú ý của cộng đồng vào việc bảo vệ môi trường.

Khánh Minh dịch theo CNN

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)