Vùng đất mới trên biển Bắc

Một hòn đảo phục vụ khai thác điện gió dự kiến được xây ở biển Bắc (North sea) sẽ góp phần thúc đẩy thị trường điện năng cho toàn châu Âu trong tương lai.


Điện gió

Các công viên gió (offshore wind farm) khổng lồ trên biển có vai trò hết sức to lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Hãng Tennet đang cố gắng xây dựng một hòn đảo với tham vọng đây sẽ trở thành điểm kết nối với hàng loạt công viên gió ở ngoài khơi biển Bắc. Điện từ hàng nghìn tuốc bin gió sẽ được kết nối trên đảo và từ đây chúng sẽ được truyền tải vào đất liền của nhiều quốc gia: Theo kế hoạch của Tennet, sẽ đưa điện đến Hà lan, Đức, Bỉ, Anh quốc, Đan mạch và thậm chí tới cả Na uy. 
Kroon, một quản lý của Tennet cho biết, hòn đảo này có thể thúc đẩy thị trường điện lực châu Âu đi lên, một mặt giúp phân phối hiệu quả hơn lượng điện gió đang ngày một gia tăng, mặt khác mạng lưới đường dây cao thế sẽ đẩy mạnh buôn bán điện giữa các nước cùng tham gia dự án. Tóm lại, hệ thống cơ sở hạ tầng do hãng này xâu dựng cùng với hòn đảo này có thể làm cho chi phí sản xuất điện gió giảm rõ rệt. 

Hãng Tennet có trung tâm ở Hà lan nhưng phần lớn hoạt động của hãng lại ở nước Đức. Tennet là một trong bốn nhà khai thác hệ thống truyền tải điện lớn nhất ở Đức và cũng đã kết nối với một số công viên điện gió ở biển Bắc thuộc Đức. Tennet có tổng cộng 22.000 kilomet đường dây truyền tải điện và cung ứng điện cho 41 triệu khách hàng.

Nhiều nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Anh – các quốc gia ven biển Bắc đều đang cải tạo hệ thống cung ứng điện các công viên điện gió ở ngoài khơi. Tính đến cuối năm ngoái, ở vùng duyên hải châu Âu, tổng lượng điện năng từ các tuốc bin gió đem lại vào khoảng 11 Gigawatt, tương đương công suất của 11 nhà máy điện nguyên tử cỡ lớn. Riêng trong năm 2015 đã tăng được 3 Gigawatt. Phần lớn các tuốc bin gió này được lắp đặt trên  biển Bắc. Hiệp hội điện gió ở châu Âu (European Wind Energy Association – EWEA) cho rằng đến năm 2030 có thể đưa công suất điện gió lên tới 66 Gigawatt. Hiện nay hai công viên điện gió đầu tiên ở biển Bắc và biển Ban tích đã sản xuất nhiều điện hơn so với kế hoạch ban đầu. Đến năm 2020 số lượng các công viên điện gió trên biển có thể nhiều hơn so với kế hoạch đặt ra.

Theo Kroon, đảo gió của Tennet có thể được đưa vào hoạt động vào khoảng năm 2030 – 2050. Theo kế hoạch dự kiến, đảo gió phải xây dựng ở vùng nước nông, có thể là Doggerbank, vùng biển không sâu, có chỗ chỉ sâu khoảng 13 mét dưới mặt nước biển. Khu vực này có chiều dài khoảng 300 kilomet và chiều rộng có nơi đạt 100 kilomet. Vùng biển này phía tây cách nước Anh chỉ độ  100 kilomet và phía đông cách Đan mạch 150 kilomet. Kroon cũng cho biết, sẽ có một cụm nhiều modul, một Modul có thể đáp ứng công suất của khoảng 30 Gigawatt điện gió. Ngoài ra, hòn đảo này cũng có thể được dùng làm cơ sở cho việc bảo trì các tuốc bin gió hoặc có thể cất giữ các phụ tùng thay thế.

Kroon kêu gọi, để tạo bước ngoặt về năng lượng, điều then chốt là châu Âu phải phối hợp cùng nhau giải quyết vấn đề, nghĩa là các chính phủ mỗi nước, các cơ quan điều phối, các nhà sản xuất điện gió, các nhà quản lý khai thác mạng lưới điện cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường phải cùng nhau hợp tác trong sản xuất điện gió.

Xuân Hoài lược dịch theo Tuần kinh tế Đức.

Tác giả