Vườn ươm doanh nghiệp TPHCM: Chờ hái quả ngọt

Từ năm 2007 đến 2012, Sở KH-CN TPHCM đã đầu tư gần 7 tỷ đồng xây ba trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, nhằm sớm khắc phục yếu kém trong mối liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay số doanh nghiệp “tốt nghiệp” rời vườn ươm còn khá khiêm tốn.

Vượt chỉ tiêu nhưng…

Báo cáo của Sở KH-CN TPHCM cho biết, hơn 5 năm qua, các trung tâm ươm tạo (TTUT) trong hệ thống của sở – gồm Đại học Nông Lâm, Đại học Bách khoa TPHCM, Khu Nông nghiệp công nghệ cao – có 31 doanh ngiệp (DN) tham gia. Trong đó, hiện còn 26 DN đang thời gian ươm tạo, 6 DN đã tốt nghiệp ra khỏi vườn ươm để hoạt động độc lập. Số lượng DN được thu hút và ươm tạo đã vượt mục tiêu trong kế hoạch kinh doanh ban đầu. Một số ý tưởng công nghệ khả thi trở thành những sản phẩm công nghệ trên thị trường. Điển hình là các sản phẩm dựa trên công nghệ RFID của DN Inext Technology. Trong 2 năm 2010 và 2011, doanh thu của các sản phẩm này vào khoảng 30.000 USD/năm. Gần đây, Inext chuyển hướng sang nghiên cứu loạt sản phẩm về tổng đài IP, đồng thời bước đầu xây dựng hệ thống thử nghiệm về chẩn đoán trực tuyến cho Bệnh viện Nhân dân 115.

Tại Khu công nghệ cao, TTUT DN đã tiếp nhận 6 dự án thuộc 4 lĩnh vực: công nghệ thông tin, viễn thông; cơ khí chính xác, tự động hóa; công nghệ sinh học; vật liệu mới, công nghệ nano. Hiện nay, vườn ươm DN công nghệ cao (CNC) đang thực hiện ươm tạo 6 dự án. Trong đó, tiêu biểu như dự án của Công ty cổ phần Công nghệ ACIS với sản phẩm là hệ thống điều khiển điện thông minh, doanh thu trong năm 2013 đạt 300 triệu đồng.

Các sản phẩm hiện nay công ty đang thương mại hóa là: thiết bị tủ điều khiển Powercontrol và thiết bị cho nhà thông minh Easy control. Tín hiệu phản hồi từ khách hàng và đối tác khá tốt. Mẫu mã, tính năng và giá thành của sản phẩm là lợi thế cạnh tranh. Một số DN khác như Cenfotech, BK Nature, BK 368 (TTUT Đại học Bách khoa), Công ty Rau mầm Phương Thành, Công ty TNHH Công nghệ Nông lâm (TTUT Đại học Nông lâm)… cũng có các sản phẩm thâm nhập được vào thị trường với doanh thu tương đối tốt.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Sở KH-CN TPHCM, do sự phát triển của các DN, sự đa dạng về lĩnh vực ươm tạo nên các trang thiết bị, cơ sở vật chất hạ tầng hiện có chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của DN. Tại TTUT Đại học Nông lâm, các dịch vụ hỗ trợ về tiêu chuẩn, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Bên cạnh đó do hạn chế về quỹ đất, ngoài Khu Nông nghiệp CNC, các TTUT trong trường đại học chỉ mới cung cấp văn phòng hoạt động cho DN, chưa đủ khả năng cung cấp mặt bằng để phục vụ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm.

Không vội vàng

Dễ dàng nhận thấy, phong trào làm vườn ươm DN đã nở rộ ở Việt Nam từ khá sớm. Ngoài TPHCM với 5 vườn ươm đang hoạt động, các địa phương khác cũng dần hình thành như tại Hà Nội, một số vườn ươm ở Khu CNC Hòa Lạc và một vài trường đại học, thậm chí là dự án của DN, cũng đã được triển khai. Vườn ươm Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc tại Cần Thơ có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, trong đó phía Hàn Quốc đóng góp tới 70%. Theo dự kiến, đến năm 2015, dự án sẽ vận hành thử, đồng thời triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, theo đại diện các TTUT kể trên, tìm ra được hạt giống tốt để ươm là công việc không dễ dàng. Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc TTUT DN Khu Công nghệ cao cho rằng, tinh thần khởi nghiệp nơi các bạn trẻ, nhất là sinh viên còn rất hạn chế. Khi còn trên ghế nhà trường, các bạn cũng chưa được đào tạo kiến thức về khởi nghiệp. Do đó, mặc dù một số bạn trẻ có kiến thức chuyên môn, sở hữu công nghệ, mong muốn khởi nghiệp nhưng không biết cách để biến những kiến thức, những công nghệ đó thành những sản phẩm thương mại hóa. Còn nếu tìm được hạt giống, các TTUT cũng loay hoay tìm nguồn vốn mồi để giúp các dự án có được sự khởi đầu mạnh mẽ, giúp DN có thể tồn tại và phát triển bền vững.

Ông Mai Thanh Phong, Giám đốc TTUT Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, các TTUT mới chỉ hoạt động 4-5 năm nên khó đòi hỏi có ngay những kết quả lớn. Chỉ mong sớm có một nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm, giúp DN tự đứng bằng ý tưởng nghiên cứu của chính mình.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)