Wake It Up: Nền tảng chia sẻ những điều tử tế

Tháng ba vừa qua, khi dư luận trong nước đang “sững sờ” trước sự nghiêm trọng của nạn ấu dâm và bức xúc vì quá nhiều bên “liên đới” không có động thái ngăn cản vấn nạn này, mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới tại Việt Nam (GBVnet) đã ra thông báo kêu gọi xã hội ký tên để kiến nghị yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc. Chiến dịch này thành công sau khi có 30.000 người ký tên chỉ trong vòng hai ngày dựa trên một nền tảng công nghệ là Wake It Up.


Hoàng Đức Minh, người sáng lập Wake It Up và cũng là một nhà hoạt động môi trường. Anh là đại diện đầu tiên của thanh niên Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu COP 15 tại Copenhagen, Đan Mạch.

Gọi vốn nhờ … bức xúc xã hội

Nhìn lại quá trình thực hiện các chiến dịch xã hội trước khi Wake It Up ra đời, các nhà hoạt động xã hội thường kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng trên mạng xã hội cho các chiến dịch của mình nhưng không thể đong đếm chính xác có bao nhiêu người ký tên, chia sẻ mà chỉ có thể “ước chừng” số lượng người quan tâm đến vấn đề đó. Nếu muốn sử dụng phần mềm ký tên, các nhà hoạt động xã hội chỉ có thể chọn một giải pháp công nghệ của nước ngoài như Change.org hay Google Form. Tuy nhiên “người Việt Nam bị hạn chế bởi rào cản ngôn ngữ, rất nhiều người không biết sử dụng Change.org để ký tên”, Hoàng Đức Minh, người sáng lập Wake It Up, một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất năm 2014 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn, cho biết. Một giải pháp khác mà các nhà hoạt động xã hội có thể làm là tự tạo ra một website tiếng Việt dành riêng cho hoạt động của chiến dịch, “nhưng điều này cần tới kiến thức công nghệ, đó cũng là cả một thách thức với những nhóm thực hiện chiến dịch”, Minh nói.

Như vậy, nếu không có nền tảng công nghệ “thân thiện” với người Việt bằng tiếng Việt, cho phép cộng đồng ký tên, ủng hộ và lưu lại sự kiện thì có thể những chiến dịch xã hội đầy ý nghĩa sẽ bị “trôi” đi trong “rừng” thông tin xuất hiện trên mạng xã hội mỗi ngày. Đây chính là lý do Wake It Up ra đời – đem giải pháp công nghệ để hỗ trợ các chiến dịch xã hội thu thập ý kiến và sự hỗ trợ của cộng đồng.

Wake It Up không chỉ được cộng đồng xã hội biết tới nhiều nhất bởi chức năng ký tên cho các chiến dịch mà còn đem tới một khái niệm rất mới mẻ: Sharefunding (hình thức gọi vốn dựa trên các lượt chia sẻ). Ví dụ: Bạn rất “bức xúc” trước vấn đề rác thải đô thị và chỉ cần share (chia sẻ) thông tin về chiến dịch “Biến rác thành hoa” được phát động ở Wake It Up trên mạng xã hội. Cú click chuột share đó đã đóng góp 20.000 đồng cho chiến dịch. Share có thể “chuyển” thành tiền được là nhờ vào các nhà tài trợ đã cam kết sẽ hỗ trợ chiến dịch xã hội với điều kiện tên của nhà tài trợ xuất hiện trong mục bảo trợ cho chiến dịch. Như vậy sharefunding được hình thành và duy trì dựa trên nguyên tắc chiến dịch càng thu hút nhiều người share thì càng có lợi cho nhiều bên: nhà tài trợ được quảng bá vì đã gắn nhãn hiệu của họ với trách nhiệm xã hội, dự án được nhiều người biết tới và lại tiếp tục phát triển theo nguyên tắc quả bóng tuyết (snowball) càng lăn càng to. Và trên hết, cộng đồng được hưởng lợi nhờ không gian sống xanh sạch hơn, nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường sống cũng từ đó dần thay đổi.Trong toàn bộ quá trình gọi vốn cộng đồng nhờ sharefunding, Wake It Up cung cấp một “không gian” cho các chiến dịch xã hội và các nhà tài trợ hoạt động, Wake It Up chỉ chịu trách nhiệm về mặt công nghệ, còn trách nhiệm quảng bá chiến dịch thuộc về nhà hoạt động xã hội và nhà tài trợ.

Đứng trước nhiều vấn đề xã hội hiện nay, phần đông người dân, trong đó có rất nhiều người trẻ, đều có những mong muốn thay đổi, cải thiện. Nghiên cứu về tình hình thanh niên Việt Nam năm 2016 của Viện Nghiên cứu thanh niên đã cho thấy thanh niên rất quan tâm đến đời sống chính trị, xã hội của đất nước và thế giới như: các vấn đề về thể chế (trên 56% người được khảo sát), vấn đề thực phẩm bẩn (64,5%), Formosa xả thải chất độc hại ra môi trường (63%), tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc (gần 58%)… Mỗi thông tin về các hiện tượng xã hội gây “nóng” dư luận đều được hàng nghìn lượt người share chỉ trong vài ngày. Đây rõ ràng là một nguồn “tài nguyên” để gọi vốn trong cộng đồng nhằm xây dựng các chiến dịch xã hội và làm thay đổi nhận thức xã hội.

Wake It Up ra đời từ tháng 10 năm 2015, được sáng lập bởi nhà hoạt động xã hội trẻ Hoàng Đức Minh. Nền tảng công nghệ này cung cấp các dịch vụ chủ yếu cho hoạt động xã hội gồm: Khởi tạo một thư ngỏ và thu hút chữ ký của cộng đồng; Tổ chức cuộc thi; Tổ chức sự kiện; Tổ chức các chiến dịch xã hội. Wake It Up hoàn toàn miễn phí với các tổ chức xã hội và cộng đồng. Hệ thống được duy trì bằng phí tư vấn dành cho các công ty tham gia tài trợ thông qua chức năng sharefunding.

Mặc dù hình thức sharefunding này rất mới mẻ nhưng Wake It Up đã bước đầu thu được những thành công nhất định. Sau một năm hoạt động bằng nguồn vốn của nhà đầu tư (trị giá 50.000 USD), hiện nay Wake It Up đã tự “sống”bằng dịch vụ cung cấp nền tảng sharefunding. Trong một năm qua, các chiến dịch xã hội thông qua hình thức sharefunding của Wake it up đã huy động được nguồn vốn khoảng hơn 2 tỉ đồng (Wake It Up thu 10% phí tư vấn và giám sát để duy trì hoạt động công ty). Tương lai phía trước của Wake It Up vẫn đang rất rộng mở vì  “hoạt động xã hội là một thị trường ngách, hầu như không có đối thủ cạnh tranh”, Minh tự tin nhận định.

Nghiên cứu kỹ lưỡng các chiến dịch xã hội

Hoàng Đức Minh là một nhà hoạt động xã hội tích cực trong bảy năm qua với các hoạt động sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Action4Future, là hạt nhân nòng cốt trong nhiều chiến dịch thành công như “Tử tế là”, “Bảo vệ Sơn Đoòng”, “6.700 cây xanh”… Chính thông qua các hoạt động này, anh nhen nhóm hình thành ý tưởng công nghệ để hỗ trợ các hoạt động xã hội và hình thức gọi vốn cộng đồng bằng sharefunding. Ý tưởng đó càng được củng cố bởi hiện trạng nhiều chiến dịch xã hội có cả nghìn người ủng hộ khi bức xúc xã hội đang lên thành cao trào, nhưng rất có thể ngay sau đó lại bị “hòa tan” và không đưa đến một kết quả thực sự, có thể định lượng, đong đếm, có tác động tới các nhóm cụ thể nào.

Do vậy, việc tiến hành nghiên cứu bài bản về các chiến dịch xã hội từ đầu là điều tối cần thiết để Wake It Up đảm bảo khả năng hỗ trợ các chiến dịch xã hội một cách tốt nhất. Minh và nhóm đồng sự đã nộp hồ sơ để xây dựng một dự án nghiên cứu về các chiến dịch xã hội ở Việt Nam và được Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) tài trợ. Qua khảo sát 30 chiến dịch xã hội và nghiên cứu trường hợp bảy chiến dịch tiêu biểu nhất, nhóm của Minh đã rút ra kết luận chung: một chiến dịch được coi là thành công sẽ tập hợp đầy đủ các yếu tố: 1/ Có một nhóm khởi xướng tâm huyết (thậm chí có thể là người bị hại trực tiếp); 2/ Nhận được sự hưởng ứng của báo chí ngay từ đầu; 3/ Có yếu tố biểu tượng rõ ràng,mang tính “phản diện”, có thể gây ra được cảm xúc tức giận hoặc thương xót: ví dụ như voọc ở Sơn Trà đem đến biểu tượng thương xót khiến cộng đồng mạng thấy cần thiết bảo vệ. 4/ Đưa ra được một giải pháp giải quyết vấn đề rõ ràng và có thể đạt được thành công. Ví dụ: giải pháp của phong trào “6.700 cây xanh” rất rõ ràng là yêu cầu thành phố Hà Nội dừng chặt cây xanh.

Từ những kết luận này, nhóm của Minh tập trung tư vấn hỗ trợ thúc đẩy các chiến dịch xã hội nhằm đem tới một chiến dịch thành công, giảm thiểu rủi ro thất bại. Minh và các thành viên của Wake It Up trực tiếp tham gia hoạt động xã hội và vận động các nhóm chiến dịch sử dụng chức năng sharefunding nhằm kêu gọi tài trợ để phát triển chiến dịch xã hội tốt hơn.

Trong thời gian tới, ngoài hình thức sharefunding ban đầu là biến số lượt share thành lượng tiền tương ứng cho các chiến dịch xã hội, để “hấp dẫn” được nhiều doanh nghiệp và cộng đồng tham gia hơn nữa vào các hoạt động xã hội, Wake It Up đang triển khai các hình thức khác kêu gọi vốn cộng đồng cho hoạt động xã hội khác như Kindmate: mỗi thành viên tham gia Kindmate.net khi mua hàng của nhà tài trợ sẽ nhận được một voucher (voucher đó được chuyển tới những nhóm xã hội đang cần). Nhiều hệ thống bán hàng đang thu hút đông đảo khách hàng hiện nay như quần áo Boo, dịch vụ thể thao Wefit, chuỗi nhà hàng Aroifood… đã tham gia cung cấp voucher cho người tham gia Kindmate. Minh chia sẻ: “Không gian để Wake It Up thiết kế các hình thức sharefunding còn rất nhiều. Wake It Up sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá phản ánh của thị trường để liên tục thay đổi cho phù hợp với xu hướng mới trong hoạt động xã hội”. “Về lâu dài, chúng tôi hướng tới hoạt động xã hội mang tính khu vực, quốc tế chứ không chỉ gói gọn vào các hoạt động xã hội trong nước”, Minh nói thêm.

Người sáng lập Change.org: Một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2012
Vào ngày 8 tháng 3 năm 2012, một chiến dịch kêu gọi ký tên để “Khởi tố kẻ giết Trayvon Martin 17 tuổi” đã được đăng trên Change.org nhằm yêu cầu truy tố George Zimmerman, kẻ bắn chết nạn nhân người da màu Trayvon Martin từ ngày 26 tháng 2 năm 2012 nhưng chưa hề bị bắt giam. Ngay sau đó, chiến dịch này nhận được hơn 2,2 triệu chữ ký – số lượng chữ ký lớn nhất cho bất kỳ chiến dịch nào trong lịch sử Change.org tại thời điểm đó. Chiến dịch này chỉ là một trong hàng chục nghìn chiến dịch được phát động trên Change.org, một nền tảng công nghệ hỗ trợ các chiến dịch xã hội do Ben Rattray thành lập từ tháng 7 năm 2007 với mục tiêu “trao quyền cho con người ở tất cả mọi nơi tạo ra thay đổi”. Chủ đề của các chiến dịch thường được khởi tạo trên Change.org là các vấn đề nhân quyền như công bằng về kinh tế và luật pháp, giáo dục, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm…Trong vòng 10 năm qua, Change.org duy trì hoạt động dưới hình thức sharefunding và được nhiều tập đoàn, các tổ chức quốc tế trả tiền bảo trợ, nhận được 177 triệu lượt người ký tên cho các chiến dịch xã hội. Nhiều trang tin lớn như The Guardian, BBC News, TIME… đã đánh giá Change.org tạo ra tác động hội lớn khi đem lại cơ hội để những người dùng internet trên khắp thế giới có thể tập hợp lại hành động, bày tỏ ý kiến và đạt được mục đích chính trị, xã hội. Tờ TIME bình chọn Ben Rattray là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2012.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)