Xây dựng nông thôn mới từ nguồn vốn xã hội

Bí quyết quan trọng của rất ít quốc gia thành công trong phát triển nông thôn bền vững là phải đầu tư cho nông thôn ngay từ đầu quá trình công nghiệp hoá, thay vì hy sinh nông nghiệp, nông thôn để đầu tư cho công nghiệp và đô thị.


Nguồn lực đầu tư cho nông thôn không là tài nguyên tự nhiên hay hỗ trợ từ bên ngoài mà từ chính “nguồn vốn xã hội” vốn rất dồi dào trong cộng đồng nông thôn khi chuyển được tư duy ỷ lại, bị động, chia rẽ của nông dân thành tinh thần tự lực, ý chí sáng tạo, cần cù và tác phong hợp tác. Thành công của phong trào Saemaul Undong (Làng mới) ở Hàn Quốc tạo ra những kỳ tích như: thay đổi chất lượng sống ở nông thôn nhờ phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, thu nhập gia đình nông thôn phát triển cao bằng thu nhập của các hộ ở thành phố, rừng phủ xanh phần lớn đất trống, đồi núi trọc, các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển thu hút hầu hết nông dân tham gia là một minh chứng điển hình.


Sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay đang đương đầu với đủ thứ thiếu: vốn, công nghệ, thị trường,… Nhiều chính sách được đưa ra để thu hút mọi nguồn lực từ đầu tư ngân sách, thu hút doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, vay vốn tín dụng,… nhưng phần huy động nội lực của dân thì không nhiều, chủ yếu là công sức, đất đai. Chiến lược này khó khả thi vì đi ngược lại sức mạnh của cả thị trường và chính sách trong giai đoạn công nghiệp hoá, đô thị hoá. Sức hút tự nhiên của đô thị và công nghiệp luôn mạnh hơn nông thôn và nông nghiệp. Chỉ có nội lực từ kinh tế nông thôn mới có thể là nguồn lực chính làm thay đổi căn bản tình hình. Muốn dân có lực thì họ phải giàu, muốn dân giàu thì họ phải mạnh.


Bài học từ phong trào Làng mới của Hàn Quốc cho thấy điều quyết định để khởi động sức mạnh tiềm tàng của dân nằm ở hai yếu tố: phát động tinh thần, thay đổi tâm lý của nhân dân nông thôn và kết nối cơ hội của toàn nền kinh tế quốc gia với nông thôn. Muốn làm được việc này, phải dung hoà mô hình hiện nay dựa vào cấp xã – đơn vị quản lý ngân sách với phân cấp, trao quyền cho cấp làng, bản – đơn vị cơ bản trong quan hệ cộng đồng nông thôn, phải tạo ra được những thủ lĩnh của nhân dân là người lãnh đạo tự nhiên của cộng đồng. Thứ hai, phải chuyển từ ý định dùng ngoại lực nhỏ bé của ngân sách hỗ trợ để xây dựng một vài cơ sở hạ tầng hay dịch vụ ở nông thôn mà chỉ dùng nó làm xúc tác để thu hút nông dân, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư. Tiếp đó, phải kết nối đô thị với nông thôn, công nghiệp và dịch vụ với nông nghiệp trên mọi phương diện để cư dân nông thôn có cơ hội công bằng tiếp cận các thị trường vốn, tài nguyên, công nghệ, lao động,… Mục tiêu cuối cùng là thay đổi tâm lý và nếp sống, nếp làm để dân trở thành chủ thể của quá trình phát triển.


Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên đột phá trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới của Việt Nam thời gian tới chính là phát huy nội lực của người dân, phải tạo nên tinh thần chủ động, sáng tạo, thái độ tích cực của người dân để không những cải thiện được sinh kế, thay đổi được nếp sống mà còn từng bước hình thành khả năng tích lũy tái sản xuất mở rộng để có thể chủ động vươn lên trong tương lai. Về địa bàn, cần hướng vào các vùng khó khăn, vùng nghèo. Về cách làm, cần chuyển từ nhà nước chỉ đạo, nhân dân thi hành, sang nhân dân làm chủ, nhà nước hỗ trợ. Muốn vậy, phải hình thành đội ngũ cán bộ phát triển thôn bản và phát huy sức mạnh cộng đồng. Quan hệ gia tộc, dân tộc, tôn giáo, làng bản,… là mối quan hệ bền chặt, đã liên kết, phối hợp người nông dân trong hoạt động sản xuất, chiến đấu hàng ngàn năm qua. Nguồn sức mạnh này nếu được khuyến khích, nâng đỡ, định hướng vào công tác phát triển, phối hợp đúng cách với cơ chế thị trường, sẽ tạo nên quan hệ hợp tác, thi đua, hỗ trợ lẫn nhau vô điều kiện trong phong trào nông thôn mới. Đây chính là bài học thành công của Hàn Quốc trong thập kỷ 1970 đã đưa nông thôn nước này chỉ sau mười năm phát triển, trở thành một xã hội hiện đại, giàu mạnh.

Tác giả