Xe tải điện của Đức thâm nhập châu Phi
Xe bán tải chạy điện như aCar có thể góp phần giải quyết vấn đề giao thông vận tải ở châu Phi.
Bản thân người dân châu Phi coi thị trường của họ không thích hợp với loại xe ô tô điện nhưng sinh viên đại học München muốn chứng minh điều ngược lại. Họ đã phát triển một loại ô tô điện hết sức đơn giản, phù hợp với thị trường châu Phi.
aCar là loại xe ô tô chạy bằng pin phát triển theo nhu cầu của thị trường châu Phi. Đường giao thông ở châu Phi thường có rất nhiều ổ voi, ổ gà và mùa mưa thì lầy lội, nhiều rãnh sâu ngập nước. Trường đại học München cũng tạo ra một cung đường rất giống với điều kiện thực tế ở châu Phi để phát triển aCar của họ. Trong khi các tập đoàn ô tô như Tesla, BMW hay Daimler đổ tiền tỷ vào cuộc chạy đua để tạo ra công nghệ hiện đại nhất để chế tạo những loại ô tô điện hàng đầu thế giới thì hai nhà phát triển Sascha Koberstaedt và Martin Šoltés, hai nghiên cứu sinh thuộc Đại học kỹ thuật München (TUM), lại đi theo hướng ngược lại: tìm giải pháp công nghệ giản tiện nhất và ít tốn kém nhất. Cách đây năm năm hai nhà kỹ thuật này có kế hoạch đầy tham vọng: chế tạo ra loại ô tô dành cho các nước đang phát triển và các nước mới nổi. Cho đến nay người dân ở đây còn xa lạ với cảnh ùn tắc triền miên và hít không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, song cái mà họ được hưởng chỉ là những chiếc ô tô chạy xăng hay dầu diesel bị châu Âu hay Hoa kỳ thải loại.
Thiếu phương tiện giao thông vận tải thực sự là một yếu tố kìm hãm sự phát triển của châu Phi. Sự dịch chuyển của con người và hàng hoá diễn ra chậm chạp, nhiều khi sản phẩm bị ôi thiu vì không đưa ra thị trường kịp thời, nhiều chị em phụ nữ phải bỏ bê con cái, gia đình vì đi làm ở thành phố không thể về nhà hàng ngày. Các kỹ sư trẻ trăn trở và họ hiểu rằng cần phải có ô tô điện. Các chuyên gia làm việc tại Bayern đã kiểm nghiệm 40 loại mẫu xe khác nhau để tìm ra loại xe thích hợp nhất với các điều kiện ở châu Phi. Họ đã tìm ra loại xe bán tải aCar là mẫu xe thích hợp nhất, “loại xe này bảo đảm vận chuyển nông sản giữa các thôn bản ở phía nam sa mạc Sahara, nhờ sự thông thương này nên giảm được tình trạng người nông dân phải ly hương”, kỹ sư Koberstaedt phát biểu.
Xe aCar chỉ có hai chỗ ngồi, thích nghi với địa hình phức tạp. Mặc dù xe chỉ dùng loại pin cỡ nhỏ nhưng có thể chở một lượng lớn sản phẩm. Chỉ cần thực hiện một số thao tác đơn giản, không cần có những dụng cụ phức tạp người ta có thể biến xe bán tải này thành trạm chế biến nước hoặc thành trạm y tế di động. Nếu có nguồn điện bên ngoài có thể vận hành máy bơm nước và làm lạnh để bảo quản các loại vắc xin tiêm chủng.
“Ở châu Phi số ổ cắm nhiều hơn các cây xăng“, theo nhận xét của Markus Lienkamp, giáo sư cấp cao về kỹ thuật ô tô thuộc TUM.
Elektro-Unimog, aCar, loại xe vận tải giá rẻ hoạt động trong các bản làng
Để hỗ trợ sự phát triển kinh tế sở tại người ta đã tìm mọi cách chế tạo nhiều nhất có thể các loại phụ tùng, thiết bị để lắp ghép aCar ngay tại châu Phi. “Nhờ các mối đúc và bắt ốc vít hết sức đơn giản nên hạ được chi phí sản xuất cũng như chi phí đầu tư“, Wolfram Volk, phụ trách bộ môn đột dập, tạo hình và đúc thuộc TUM cho hay. Cả chiếc xe ô tô được tạo thành chỉ từ 200 bộ phận và ở khâu gá lắp chỉ cần thực hiện hai bước là hàn và bắt ốc vít.
Nói chung việc chế tạo chiếc xe aCar chủ yếu làm thủ công. Điều này khác hoàn toàn so với khâu chế tạo ô tô điện tại các hãng như Tesla, Daimler hay BMW. Sản xuất thủ công sẽ tiếp tục được duy trì vì tiết kiệm chi phí đầu tư mua sắm thiết bị máy móc hiện đại, mặt khác tạo thêm công ăn việc làm cho dân sở tại. Do chi phí lao động ở châu Phi còn thấp nên có thể tiến hành sản xuất thủ công. Trước khi thực hiện sản xuất hàng loạt aCar ở châu Phi người ta đã tiến hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất tối ưu tại một nhà máy mô hình ở Đức. “Chúng tôi đã tiến hành đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật người Phi tại đây, họ sẽ là những người tiếp tục đào tạo tại chỗ lực lượng chuyên môn”, Koberstaedt nói.
Vì dự án châu Phi của mình, hai nhà phát triển đã thành lập doanh nghiệp Evum Motors, dự kiến từ năm 2020 doanh nghiệp sẽ cho xuất xưởng 700 aCars mỗi năm và từ 2025 trên 100.000 xe một năm. Với các phương tiện đơn giản nhất là cờ lê và máy hàn người ta có thể lắp ráp chiếc xe này, không cần phải có các thiết bị đắt tiền như máy ép tấm, máy sơn hay rô bốt hàn. Cuối năm 2019 aCar sẽ được lắp ráp ở châu Phi.
“Động cơ điện không chỉ thân thiện hơn với môi trường mà nó còn là một giải pháp tốt hơn về kỹ thuật, loại động cơ này hầu như không cần bảo trì và có thể phát huy triệt để momen xoáy ngay khi khởi hành”, Šoltés nhấn mạnh, “hơn nữa hầu hết các khâu bảo trì tốn kém như thay đai răng hay thay dầu đều không cần làm”. Nhà chế tạo quyết định chọn loại ắc quy Lithium-Ionen chỉ với công xuất 20 Kilowatt/giờ. Loại ắc quy cỡ nhỏ của aCar chỉ cần nạp điện trong sáu tiếng đồng hồ ở ổ điện bình thường, 230 Volt. Ngoài ra trên mui xe còn có tấm pin mặt trời để sản xuất thêm điện.
Tại các vùng nông thôn châu Phi không có điện một chiều như ở Hoa kỳ hay điện ba pha xoay chiều như ở châu Âu, việc tải điện cho các ắc quy cỡ lớn ở châu Phi sẽ mất rất nhiều thời gian. Theo khảo sát của các chuyên gia München kết hợp với các chuyên gia tại các trường đại học ở Ghana, Kenia, Nigerria và Tanzania thì các loại xe bán tải và xe buýt bình quân chạy khoảng 68 km trên các tuyến đường.
Giá một aCar ở châu Phi chỉ khoảng 8000 Euro. Giá đó thấp hơn hẳn so với loại xe chạy xăng cỡ nhỏ nhất. Tầm đi xa thực tế của xe khoảng 150 km. Trọng lượng xe là 800 kilo và có thể chở 1 tấn hàng, xe hai cầu nên thực sự khoẻ. Tuy nhiên tốc độ tối đa chỉ đạt 70 km/h. Theo Soltes những con số này hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong điều kiện Phi châu và điều này đã được chứng minh qua các khảo sát tại chỗ. Những quãng đường có nhiều ổ gà và lầy lội trong thực tế không thể chạy quá 30 kmh. Trong điều kiện ở châu Phi cái duy nhất mà người sử dụng xe yêu cầu phải có là radio, xe ô tô mà không có ra đi ô thì không đáng gọi là ô tô.
Hoài Trang dịch
Nguồn: https://www.wiwo.de/unternehmen/industrie/globalisierung/elektrolaster-acar-deutsches-e-auto-soll-afrika-erobern/23089072.html