Xem phim 3D không cần kính
Để xem phim 3-D, thông thường khán giả phải đeo kính hỗ trợ phân cực hình ảnh khá bất tiện. Nhưng nay các nhà khoa học có thể đã giải quyết sự bất tiện này.
“Về cơ bản, đây là bước tiến cần thiết trong công nghệ hiển thị 3D không cần kính”, nhà vật lí học John Koshel, chuyên nghiên cứu quang học tại Đại học Arizona nhận xét.
Con người có thể nhìn thấy thế giới ba chiều vì giữa vị trí hai mắt có một khoảng cách nhất định, và mỗi mắt nhìn ở một góc độ khác nhau. Bộ não kết hợp các thông tin từ cả hai mắt, xác định vị trí của vật trong tầm mắt để tạo ra nhận thức về chiều sâu.
Để tạo ra các bộ phim 3-D, thủ thuật ở đây là gửi riêng biệt hai phần của một hình ảnh tới hai mắt. Kính đặc biệt xử lý các nhiệm vụ này ở hầu hết các bộ phim bom tấn 3-D hiện đại bằng cách phân cực ánh sáng, đưa mỗi hình ảnh riêng lẻ vào đúng mỗi bên mắt (rồi sau đó não bộ nhận các hình ảnh riêng lẻ ở từng bên mắt này rồi xử lý như khi tiếp nhận hình ảnh ngoài đời thực). Cơ chế phân cực hình ảnh theo hướng của sóng điện từ trong dao động của ánh sáng, có thể đưa hình ảnh lên-xuống, sang trái – phải hoặc đặt hình ảnh vào giữa.
Khi bạn xem một bộ phim như Avatar, hai máy chiếu hiển thị hai hình ảnh trên cùng một màn hình, với ánh sáng từ một máy phân cực trái-phải và từ một máy phân cực lên-xuống. Đây là lý do tại sao màn hình trông hơi mờ khi bạn bỏ kính ra, vì khi đó bạn nhìn thấy cả hai phim đang cùng được chiếu một lúc. Kính 3D hiệu chỉnh điều này bằng cách tách các hình ảnh đó, cho phép hình ảnh từ máy chiếu phim bên trái đi vào mắt trái của bạn và hình ảnh từ máy chiếu bên phải đi vào mắt phải của bạn.
Tuy nhiên, để có hai máy chiếu được đồng bộ hóa một cách chính xác trong một nhà hát là điều rất bất tiện và tốn kém. Trong khi đó, có một số phương pháp xem không cần tới kính, với một bộ lọc đặc biệt phủ lên màn hình sẽ gửi một số hình ảnh tới mắt phải, một số tới mắt trái của bạn, tạo nên một hình ảnh 3 chiều. Đây là công nghệ trong hệ thống chơi game 3DS của Nintendo và một số màn hình điện thoại thông minh như HTC Evo 3D. Trong một rạp hát, kỹ thuật xem 3D không kính như vậy sẽ cần tới máy chiếu đặt ở phía sau màn hình, nhưng hầu hết các nhà hát không được thiết kế cho việc này.
Tuy nhiên, phương pháp mới nhất hiện nay sẽ cho phép các rạp chiếu phim giữ cho máy chiếu ở nguyên chỗ cũ – phía sau khán giả, và sử dụng công nghệ quang học khá đơn giản. Một màng đặc biệt nằm ở phía trước máy chiếu sẽ phân cực ánh sáng của nó. Sau đó, một bộ lọc phủ lên màn hình làm mờ các vùng khác nhau theo chiều dọc của màn hình, giống như các sợi của một bức mành mỏng. Mỗi mắt ở một góc độ ánh sáng riêng sẽ chỉ nhìn thấy một phần của màn hình, phần còn lại sẽ bị chặn lại và chỉ mắt kia mới thấy được. Bộ phim có những hình ảnh dành cho mắt trái và hình ảnh cho mắt phải đan xen nhau tại các cột dọc. Thủ thuật ở đây là làm sao để ánh sáng mà mắt trái nhìn thấy được chứa các điểm ảnh dành cho mắt trái, và ngược lại, ánh sáng đi vào mắt phải chứa các điểm ảnh dành cho mắt phải.
Phương pháp mới ít rắc rối hơn so với phương pháp hiện nay là sử dụng hai máy chiếu, cũng như phương pháp đặt máy chiếu sau màn hình. Nhưng vì phương pháp mới này ngăn chặn một số luồng ánh sáng đến các bên mắt khác nhau của bạn nên độ phân giải hình ảnh hiện tại khá thấp. Koshel hy vọng rằng công ty điện ảnh 3D sẽ quan tâm đến việc nâng cấp các chức năng và độ phân giải của phương pháp xem phim 3D không cần kính này đến công chúng.
“Công nghệ này vẫn còn trong giai đoạn phôi thai nhưng là bước đột phá mới sau một thời gian dài”, Koshel nói.
Thu Quỳnh dịch
Nguồn: http://www.wired.com/wiredscience/2012/08/glasses-free-3d/