Xu hướng sống khỏe đang làm ngành sản xuất đường điêu đứng

Ngành sản xuất đường vốn được coi là vững như bàn thạch, song từ khi ngày càng có nhiều người giảm sử dụng đường và chính sách của nhà nước cũng chống lại tiêu thụ đường thì thị trường hàng tỷ USD này đang bị rung chuyển – gây hậu quả nặng nề cho nhà sản xuất, thương nhân và nông dân.

Kinh doanh đường ăn từng được coi là ngành không sợ khủng hoảng nay đang ngày càng khó khăn hơn. Sự thay đổi thói quen tiêu dùng, trật tự mới về thị trường và các luật lệ mới đang làm rung chuyển tận gốc rễ ngành kinh tế này. Mọi bộ phận của chuỗi giá trị đều bị ảnh hưởng: Chuỗi siêu thị thử nghiệm các sản phẩm ít đường, các nhà chế biến thực phẩm thay đổi công thức sản phẩm của mình, nhà sản xuất đường ăn tự cứu mình bằng cách tìm các thị trường mới. Nông dân trồng củ cải đường lâm vào tình trạng thụ động và đang phải đấu tranh để tồn tại.

Cuộc chiến chống lại đường ăn xuất phát từ quan niệm sống mới. Ngày càng có nhiều người lên tiếng về tác hại của tiêu thụ đường. Béo phì, tiểu đường loại 2 bị coi là căn bệnh phổ biến, là gánh nặng đối với hệ thống y tế gây phí tổn hàng năm ở Đức lên tới 20 tỷ Euro. Bản thân người tiêu dùng tự nguyện hạn chế tiêu thụ đường và nhà nước cũng báo động về tác hại của việc sử dụng đường.

Tại nước Anh, từ đầu tháng tư nhà nước đánh thuế vào nước uống có đường. Ngay lập tức các hãng nước ngọt có ga giảm hàm lượng đường. Ở Na uy, Mexico và Nam Phi cũng có loại thuế tương tự. Tổ chức Y tế thế giới WHO nhận thấy điều này có tác dụng. Các Hội bảo vệ người tiêu dùng, như Foodwatch, Liên minh của trên 2000 bác sĩ và quỹ bảo hiểm y tế ở Đức cũng lên tiếng đòi chính phủ ban hành thuế đường ăn! Các cơ quan và các tổ chức có thẩm quyền yêu cầu xây dựng chiến lược  quốc gia về giảm lượng đường, chất béo và muối ăn trong thực phẩm ăn sẵn ngay trong năm nay. 

Một số siêu thị ở Đức thực tế đã tiến hành giảm lượng đường, muối và chất béo trong thực phẩm chế biến từ nhiều năm nay do nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng xuất phát từ ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân họ.

Ngành công nghiệp thực phẩm cũng tìm cách thích ứng với tình hình mới. Coca Cola dự tính đến năm 2020 sẽ giảm 10% hàm lượng đường trong nước giải khát của mình. Tập đoàn nước trái cây khổng lồ Eckes-Granini cũng có biện pháp tương tự. Một loạt doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các loại bánh kẹo, cũng giảm lượng đường từ từ xuống tới 30%.

Do giảm sử dụng đường công nghiệp các doanh nghiệp thực phẩm đẩy mạnh tìm các chất ngọt khác để thay thế. Từ năm 2015 tập đoàn khổng lồ Nestle của Thụy sĩ đã huy động hơn 250 chuyên gia về cảm giác, các nhà khoa học dinh dưỡng, chuyên gia làm bánh ngọt, chuyên gia phát triển sản phẩm, chuyên gia phân tích về mua sắm để phát triển một loại đường mới, nghèo ca lo hơn. Loại chất ngọt này không ở dạng tinh thể mà có cấu trúc vô định hình, xốp, tương tự như đường bông vậy.

Các siêu thị, nhà hàng khi muốn thay đổi công thức những sản phẩm mà họ kinh doanh luôn có sự bàn bạc với nhà sản xuất. Ông Meyer, nhà quản lý của Rewe Group ở Đức nói “chúng tôi yêu cầu họ làm thử sản phẩm mẫu có hàm lượng đường giảm 10 – 30%.” Sau đó bản thân ông này và các nhân viên cùng thử các sản phẩm mới. Câu hỏi đầu tiên là, “sản phẩm này có chấp nhận được không? Khách hàng mua một cái bánh ngọt vì nó ngọt chứ không phải vì cái bánh giảm hàm lượng đường.”

Mùa thu năm ngoái EU kết thúc “trật tự về thị trường đường” trong gần 50 năm vấn đề này đã điều chỉnh về giá cả cũng như về xuất, nhập khẩu đường ở châu Âu. Kể từ đó giá đường lao xuống dốc từ trên 500 Euro một tấn chỉ còn không quá 300 Euro. Tuy nhiên giới am hiểu dự đoán giá đường sẽ lên.

Đức là nhà sản xuất đường lớn nhất châu Âu. Ba doanh nghiệp sản xuất đường lớn nhất châu Âu đều ở Đức, đó là Südzucker, có niêm yết trên thị trường chứng khoán, Nordzucker ở Braunschweig và doanh nghiệp gia đình khá kín tiếng Pfeifer & Langen ở Köln. Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp này là sản xuất đường từ củ cải đường mua từ nông dân trồng củ cải đường. 

Các doanh nghiệp Đường của Đức để đối phó với sự tụt dốc của ngành kinh tế đường đang thực hiện đa dạng hóa sản phẩm. Thí dụ Südzucker không những chỉ sản xuất nước trái cây, sữa chua mà còn đẩy mạnh sản xuất loại Pizza ăn ngay và trở thành nhà cung cấp vào loại lớn nhất ở Đức.

Nguyễn Hoài lược dịch

Nguồn: https://www.wiwo.de/unternehmen/handel/ungesundes-geschaeft-der-gesundheitstrend-zerlegt-die-zucker-industrie/22683938.html

Tác giả