Xử lý nợ của Vinashin như thế nào?

Tình hình tài chính khó khăn khiến Vinashin đã và đang khó chi trả được các khoản thanh toán nợ trước mắt. Câu hỏi đặt ra là: ai sẽ thay Vinashin trả những khoản nợ này, và bằng cách nào?

Có vay thì phải có trả, và phải trả đúng hạn. Nếu pháp nhân không trả được nợ và không được gia hạn thanh toán thì phải chấp nhận phá sản, và tài sản sẽ được sử dụng để đền bù cho chủ nợ theo quy định của luật pháp. Đây là những quy định, nguyên tắc về tài chính và pháp lý cơ bản.

Nhưng Vinashin trước mắt không thanh toán được nợ, và cũng không được phép sụp đổ.
Lựa chọn duy nhất của tập đoàn này là xin gia hạn thanh toán. Ngày 20/12/2010, Vinashin đã phải xin gia hạn 1 năm cho khoản thanh toán 60 triệu USD nợ gốc trong số 600 triệu USD trái phiếu phát hành qua Credit Suisse Group AG. Tiếp theo đó, gần đây Vinashin xin đề nghị các chủ nợ trong nước cho giảm trừ nợ và thông báo rằng sẽ không thể thanh toán được trước năm 2015.

Những hệ lụy

Việc xin gia hạn thanh toán không phải là giải pháp lâu dài, và cũng không phải là vô hại. Ngay khi Vinashin lỡ hẹn thanh toán 60 triệu USD, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính quốc gia đã hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam. Ngày 26/12/2010, Việt Nam bị Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm xuống còn BB- , tương đương với Bangladesh và Mông Cổ. Tín nhiệm quốc gia giảm nghĩa là việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế của Việt Nam sẽ tốn kém hơn, các nhà đầu tư đòi hỏi mức lãi suất cao hơn. Không chỉ Chính phủ mà các tập đoàn khác cũng bị ảnh hưởng. Tập đoàn Than khoáng sản bị Standard & Poor’s hạ đánh giá triển vọng tín nhiệm từ ổn định sang tiêu cực.

Đồng thời, các chủ nợ nước ngoài cũng gây sức ép, yêu cầu Chính phủ Việt Nam giúp Vinashin trả các khoản thanh toán đến hạn, dù các khoản vay này không hề được Chính phủ bảo lãnh. Lý luận họ đưa ra là trước đây họ đồng ý cho Vinashin vay với lãi suất thấp là vì hồ sơ khoản vay có kèm theo thư ủng hộ của Chính phủ.

Đòi hỏi trên của các chủ nợ nước ngoài là không có cơ sở pháp lý, vì thư ủng hộ của Chính phủ hoàn toàn không phải thư bảo đảm hay bảo lãnh. Tuy nhiên, trước sức ép của giới tài chính quốc tế, Chính phủ rất có thể đang phải cân nhắc lại.

Nếu tiếp tục để Vinashin phải khất nợ với nước ngoài thì uy tín tài chính quốc gia, Chính phủ, và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục giảm, lãi suất huy động trái phiếu quốc tế sẽ càng cao. Ngược lại, nếu Chính phủ đồng ý dùng tiền ngân sách (tức tiền thuế của nhân dân) để giúp Vinashin thanh toán nợ cho các chủ nợ nước ngoài thì liệu có thể nào không giúp thanh toán cho các chủ nợ trong nước?

Cần một giải pháp công khai rõ ràng

Trước mắt, Vinashin cần Chính phủ hỗ trợ tài chính để tồn tại và thanh toán được nợ. Nhưng hỗ trợ như thế nào phải thông qua một kế hoạch thật công khai và rõ ràng, trong đó xác định rõ: hỗ trợ bao nhiêu; như thế nào; liên quan tới quyền lợi của ai (ví dụ: chủ nợ trong nước hay chủ nợ nước ngoài); và trong bao lâu thì Vinashin có nghĩa vụ hoàn trả cho Chính phủ; ai chịu trách nhiệm giám sát; ai báo cáo cho ai. Một kế hoạch như vậy, nếu có, thì Quốc hội nên được hỏi ý kiến và chịu trách nhiệm thông qua hạn mức chung và hạn mức hằng năm.

Còn giả sử như Chính phủ hỗ trợ Vinashin thanh toán nợ, dù là nhiều hay ít, nhưng với những điều khoản không công bố, thì sẽ tạo tiền lệ rất xấu để các doanh nghiệp đi vay và cả các chủ nợ cho vay khai thác trong các trường hợp sau này. Người đi vay kỳ vọng vào một cái ô vô hình mà không cần đăng ký bảo lãnh Chính phủ và không phải trả phí bảo lãnh, như vậy chắc chắn sẽ vay một cách tùy tiện hơn, sử dụng vốn vay cũng cẩu thả hơn. Chủ nợ nếu biết rằng có thể cho doanh nghiệp vay và bất cứ khi nào cũng có thể quay sang đòi nợ từ Chính phủ thì việc xét duyệt cho vay cũng sẽ liều lĩnh hơn. Người bị lợi dụng và chịu thiệt thòi không ai khác, là Chính phủ và nhân dân đóng thuế.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)