Xuất bản các bài báo du ký của nhà khoa học Việt Nam thế hệ đầu Nguyễn Công Tiễu

Sau gần 80 năm lưu lạc và thất tán, những ghi chép của cụ Nguyễn Công Tiễu (1892 - 1976), nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam và thành viên Việt Nam đầu tiên trong Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Đông Dương, đã được xuất bản thành sách với tên gọi "Du lịch châu Âu – Hội chợ Marseille, đấu xảo quốc tế Paris".

Bức chân dung duy nhất còn sót lại ngày nay của cụ Nguyễn Công Tiễu. Nguồn: Tư liệu gia đình cụ Nguyễn Công Tiễu

Với giới trẻ hiện nay, cái tên Nguyễn Công Tiễu không gợi lên nhiều điều nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ, vào thời kỳ thuộc Pháp và Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cụ được biết đến như một nhà nghiên cứu về nông nghiệp hàng đầu Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của cụ Tiễu về những cây, những con quen thuộc của làng quê đồng bằng Bắc Bộ như bèo hoa dâu, cây vối, con cà cuống, con tằm… đã lần lượt được xuất bản trên các tạp chí quốc tế (chủ yếu là Pháp) 1. Nhà văn hóa Hữu Ngọc trong buổi làm việc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã nhấn mạnh, “hoạt động khoa học của Nguyễn Công Tiễu còn diễn ra trước cả Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu…” và lưu ý Trung tâm nên nghiên cứu, sưu tầm những nhà khoa học thế hệ đầu tiên này của Việt Nam 2.

Bên cạnh việc nghiên cứu, cụ Nguyễn Công Tiễu còn viết một số sách phổ biến khoa học, trong đó cuốn “Những kỳ quan vũ trụ”, “Những điều bí mật về bèo hoa dâu”, “Xem cây mọc dại biết loại đất hoang” – tập sách miêu tả 171 loài thực vật Việt Nam với đầy đủ tên bản địa, tên khoa học và được coi là công trình tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu dược liệu của nước ta. Cũng nhằm phổ biến khoa học trong công chúng Việt Nam bấy giờ, cụ đã đứng ra làm chủ bút hai tờ báo, Khoa học tạp chí cho đối tượng rộng rãi và Vệ nông báo dành riêng cho nông dân 3.

Cảo thơm lần giở trước đèn”

Trông không khí ấm cúng của buổi ra mắt sách tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội tối ngày 18/4, với sự tham gia của một số người biết tiếng cụ Nguyễn Công Tiễu và một vài hậu duệ của cụ, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Tạp chí Văn học, Viện Văn học), người đã cất công đi tìm hiểu và sưu tầm đầy đủ các bài báo của cụ Tiễu về chuyến sang Pháp vào năm 1937, được đăng dài kỳ (feuilleton) trên Khoa học tạp chí (từ số 170 ra ngày 11-9-1937 đến số 230, ra ngày 1-5-1940), đã kể về quá trình ông tập hợp và xuất bản cuốn “Du lịch châu Âu – Hội chợ Marseille, đấu xảo quốc tế Paris”.

Quá trình ấy bắt đầu từ năm 1982, khi ông về công tác tại Viện Văn học và quan tâm đến một số tạp chí xuất bản vào thời kỳ Pháp thuộc như Tri Tân, Nam Phong, Hà Thành ngọ báo, Khoa học tạp chí… Trong một số Khoa học tạp chí có trong kho lưu trữ của Viện Văn học, ông chú ý đến loạt bài ký dài kỳ của Nguyễn Công Tiễu kể về chuyến đi sang Pháp dự hội chợ Marseille và đấu xảo quốc tế Paris mà tác giả được chính phủ Pháp mời đích danh với tư cách là chủ bút Khoa học tạp chí và là diễn giả như lời kể của cụ “có được một lần lên diễn đàn để giảng nghĩa về cái máy chạy bằng ánh sáng mặt giời, mà ông Trần Công Tiến đã cùng tôi sáng chế ra năm nọ. Máy ấy gọi là Turbine solaire Tiêu – Tiên” 4. Tuy nhiên kho lưu trữ của Viện Văn học cũng không đủ các số Khoa học tạp chí nên PGS Sơn phải vào Thư viện Quốc gia để tìm thêm nhưng cũng chỉ có vỏn vẹn 1/3 số tạp chí đăng tải các bài này.

Vậy là PGS Sơn bắt đầu hành trình đi tìm những phần còn khuyết thiếu trong loạt bài ký của cụ Tiễu cũng như thân thế, sự nghiệp của ông, cuộc hành trình kéo dài tới hai năm vì đã trải qua quãng thời gian khá lâu, vật đổi sao dời nên “hỏi thêm rất nhiều người khác nhưng không ai biết cụ Tiễu”. PGS. Sơn đã cất công xuống tận Hưng Yên, quê cụ Tiễu, hỏi các trưởng phòng văn hóa huyện, xã nhưng “ở đó cũng không ai biết”. Rút cục, ông phải lọ mọ xuống tận các làng, bất ngờ lần mò ra những manh mối đầu tiên và tìm được cháu ngoại cụ, TS. Phạm Gia Minh. Nhờ đó, không chỉ hiểu được gia thế cụ Tiễu, PGS. Sơn còn có thêm một số Khoa học tạp chí khác. Tuy nhiên, gia đình cụ Tiễu cũng không có đủ số tạp chí.

Cuối cùng, PGS. Sơn đã liên hệ được với chị Nguyễn Thị Giáng Hương, cán bộ Viện Văn học khi chị đang làm tiến sỹ ở Pháp, và qua sự giúp đỡ của chị mới có được đầy đủ tư liệu cần thiết.

Cuốn sách do nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2017. Nguồn: NXB Tri thức

Sau khi “cặm cụi gõ từng trang trên máy tính”, PGS Sơn đã “sắp xếp các mục bài theo thứ tự thời gian tác phẩm xuất hiện trên tạp chí” và hợp tác với nhà xuất bản Tri thức để xuất bản sách “Du lịch châu Âu – Hội chợ Marseille, đấu xảo quốc tế Paris”. Trong lời giới thiệu sách, ông cho biết thêm, việc chỉnh sửa “chỉ dừng lại ở các chữ và chi tiết cụ thể, tên người và địa danh, một số các diễn đạt và lỗi in cần vi chỉnh theo ngữ pháp và chính tả hiện hành, trước sau chỉ nhằm tạo nên quy cách thống nhất tương đối trong toàn sách…” 4.  

Cái nhìn của nhà khoa học thuộc địa

Ở góc độ một nhà nghiên cứu, TS. Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn học) nhận định, cụ Nguyễn Công Tiễu là “một nhân vật rất đặc biệt”. Trong lịch sử văn học trước nay, Việt Nam rất ít sách du ký, ngoại trừ cuốn “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ghi lại hành trình từ Hà Tĩnh ra Thăng Long thời kỳ cuối thế kỷ 18 thì mãi đến đầu thế kỷ 20 mới nở rộ một số sách ghi chép, trong đó tiêu biểu là “Tây hành nhật ký” của quan đại thần Phạm Phú Thứ, “Pháp du hành trình nhật ký” của Phạm Quỳnh, “Du lịch châu Âu – Hội chợ Marseille, đấu xảo quốc tế Paris” của Nguyễn Công Tiễu. Nét đặc sắc ở ba cuốn sách kể trên là ra đời cách nhau quãng 30 năm, nó “đem lại ba góc nhìn khác nhau về nước Pháp” của ba người Việt Nam ở ba thời kỳ khác  nhau.

TS. Phùng Ngọc Kiên nhận định, nếu hai cuốn sách đầu được xuất phát từ tâm thế của một vị quan lại, một nhà trí thức thì cuốn sách thứ ba được hình thành trên tâm thế của một nhà khoa học với “cấu trúc chặt chẽ và có nhiều nội dung khoa học” như lời bổ sung của PGS. Sơn.

Không đơn thuần là một cuốn sách du ký, “Du lịch châu Âu – Hội chợ Marseille, đấu xảo quốc tế Paris” là cái nhìn của một nhà khoa học, một nhà sáng chế ra “cái máy chạy bằng ánh sáng mặt giời… Máy ấy gọi là Turbine solaire Tiêu – Tiên”. Nhà khoa học từ một quốc gia thuộc địa ấy đã có cái nhìn tò mò và ham hiểu biết vào những “kỳ quan khoa học, kỹ thuật” của thế giới được trưng bày, giới thiệu tại Đấu xảo quốc tế Paris 1937 – cách gọi thời bấy giờ của người Việt với Hội chợ thế giới (Exposition Universelle Internationale, Exposition Mondiale: Expo). Cụ đã tỉ mỉ “xin kê tên và địa chỉ mấy nhà xuất cảng gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, vân vân, để các nhà sản xuất ra những món hàng ấy biết chỗ mà bán”, tham dự Hội nghị khảo cứu khoa học ở các thuộc địa Pháp…, quan tâm đến những kết quả nghiên cứu và sản phẩm khoa học kỹ thuật ở các lĩnh vực toán học, thiên văn, hóa học, vật lý, y học, sinh học, giải phẫu…

Bên cạnh đó, cụ còn dành thời gian về vùng nông thôn Pháp, tìm hiểu đời sống của bà con nông dân, cách thức tổ chức làng xã và tận mắt chứng kiến việc áp dụng những thành tựu khoa học về điện, điện tín, điện thoại thời kỳ đó: “Ở hai dãy nhà có lắm cái thật cổ, làm từ thế kỷ thứ mười bảy, nghĩa là đến nay đã ba trăm năm; có lắm cái tối tân, như trường học, nhà giây thép (có máy điện tín và điện thoại), nhà thờ, tòa xã trưởng (trên tòa xã trưởng có gác chuông, chuông treo lộ thiên, có báo giờ). Đường rộng đến 10 thước có giải nhựa, có lề đường; có đèn điện thắp suốt đêm, có máy nước, nước do máy bơm điện dẫn từ nhà máy nước riêng của làng lên lầu chứa nước” (trích “Du lịch châu Âu – Hội chợ Marseille, đấu xảo quốc tế Paris”).

Khi chứng kiến tất cả những điều tốt đẹp mà khoa học kỹ thuật đem lại cho đời sống Pháp, nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu không khỏi liên hệ đến đời sống của người dân Việt Nam và mong muốn đem lại một cái gì đó mới mẻ cho họ, “biết đâu một ngày kia, mình lại không phát minh ra những điều bổ ích cho xã hội, nhân quần” (trích “Du lịch châu Âu – Hội chợ Marseille, đấu xảo quốc tế Paris”)… Đây cũng là điều mà ông thường suy nghĩ khi tiến hành nghiên cứu về nông nghiệp và miệt mài phổ biến kiến thức trong hai tờ tạp chí mà ông chủ biên.  

Chính vì luôn có tâm thế của một nhà khoa học vì nhân dân, cụ Tiễu đã có những công trình nghiên cứu giá trị. Theo lời của TS. Phạm Gia Minh, cháu ngoại cụ, tại cuộc ra mắt sách thì sau 75 năm, công trình nghiên cứu về bèo hoa dâu của cụ vẫn được trích dẫn với lần gần nhất là năm 2005. Năm 2015, trong hội nghị khoa học do Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tổ chức, báo cáo “Giá trị dinh dưỡng và kinh nghiệm chế biến từ côn trùng thành các món ăn ở Việt Nam” của Phạm Quỳnh Mai, Nguyễn Tiến Đạt, Khuất Đăng Long đã trích dẫn kết quả nghiên cứu về nhộng tằm của cụ Tiễu xuất bản năm 1928 “Note sur les insects comestibles au Tonkin, Bull Econ”. Indochine, p. 735 với nội dung về thành phần dinh dưỡng: lượng protein 13%, chất béo 2,8%, chất khoáng 1,1%, phốt pho 0,40% và canxi 0,05% 5.

——————————————–

Chú thích:

Tác giả