Yello Mobile: Sự phát triển thần tốc của một startup Hàn Quốc

Yello Mobile đang trên đà phát triển thần tốc và đang vươn lên trở thành một trong những công ty cung cấp ứng dụng lớn nhất Hàn Quốc. Chiến lược đầu tư mới của họ có thể khiến đại tiệc “mua sắm” các công ty di động của Yahoo phải bẽ mặt.

Yello vừa huy động được thêm 47,2 triệu USD từ các nhà đầu tư hiện tại và nhà đầu tư mới, đưa tổng giá trị công ty lên 4 tỉ USD.Tháng 11 năm ngoái, Yello gọi được 100 triệu USD và được định giá là 1 tỉ USD. Như vậy, chỉ trong vòng một năm, giá trị thị trường của công ty này đã tăng gấp bốn lần. Yello cho hay họ hy vọng sẽ gọi được thêm nhiều nhà đầu tư nữa trong mấy tuần tới để có thể thực hiện được tham vọng mở rộng sang các khu vực khác ở châu Á.

Với kết quả này, Yello sẽ trở thành một trong những startup giá trị nhất Hàn Quốc sau Coupang, công ty thương mại điện tử từng huy động được 1 tỉ USD từ Softbank với giá trị định giá là 5 tỉ USD vào tháng Sáu năm ngoái.

Là một tập đoàn ứng dụng di động đang phát triển, Yello đã trở thành một trong những chaebol (tên gọi chung của các tập đoàn gia đình hùng mạnh của Hàn Quốc) danh tiếng tại Hàn Quốc và đang không ngừng mở rộng đế chế của mình như Samsung và LG.

Yello phát triển nhờ tận dụng được tỉ lệ sử dụng điện thoại di động cao tại các thị trường châu Á và đỡ đầu cho những startup viễn thông nào tìm được thị trường niche bên ngoài các lĩnh vực truyền thống như tin nhắn và game.

Yello hiện đang tham gia vào hoạt động đầu tư và hỗ trợ các startup viễn thông như hãng thương mại điện tử Coocha, ứng dụng hẹn hò trên mạng xã hội 1km và hãng web Emotion. Kể từ khi được Sanghyuk Lee, CEO hiện nay của công ty, thành lập năm 2012, Yello đã đầu tư vào hơn 80 công ty. Mục tiêu của Yello là trở thành tập đoàn truyền thông di động lớn nhất châu Á.

Sau đó, Yello còn đóng vai trò là một vườn ươm doanh nghiệp, thực hiện việc mua lại hay đầu tư vào các startup sau khi họ hoạt động được hai năm và giúp họ tiếp tục phát triển. Chẳng hạn, khi Yello mua lại Coocha vào tháng 5/2013, startup này đã có được 850.000 người sử dụng hàng tháng; ngày nay công ty này đã có trên 3 triệu người sử dụng với doanh thu hơn 800.000 USD/tháng.

Nguồn doanh thu của Yello chủ yếu đến từ hoạt động quảng cáo trên di động. Họ cũng tích cực quảng bá các ứng dụng của mình trên các mạng lưới công ty thành viên. Sức phát triển của Yello cũng được tận dụng từ thị trường mua bán ứng dụng đang hoạt động khá “lờ đờ” tại Hàn Quốc, bởi các đại gia công nghệ như Samsung thường không muốn mua công nghệ từ bên ngoài mà dựa vào các phòng thí nghiệm R&D riêng của mình; hơn nữa, việc hỗ trợ cho các startup ở Hàn Quốc cũng khó khăn hơn so với các khu vực khác trên thế giới như Mỹ.

Mô hình mua lại các startup viễn thông có nhiều triển vọng của CEO Lee cũng tương tự như mô hình mà Yahoo theo đuổi kể từ khi Marissa Mayer lên làm CEO năm 2012. Tính tới nay, Yahoo đã mua lại các startup “hot” như Summly (30 triệu USD), Flurry (240 triệu USD), và Tumblr (1,1 tỉ USD) để hưởng lợi nhuận từ sức phát triển của các startup này. Tuy nhiên, trong trường hợp của Yahoo, do các nhà đầu tư lo ngại về mô hình kinh doanh chính của họ, kéo theo đó là tốc độ phát triển chung yếu kém nên Yahoo không có nhiều hy vọng cho những khoản đầu tư tiếp theo.

Ngược lại, Yello lại đang có đà phát triển thần tốc. Doanh số của họ tăng gần 1.000% hàng năm, đạt 87,3 triệu USD. Công ty này đặt mục tiêu kiếm được 2,7 tỉ USD doanh số và 906 triệu USD lợi nhuận hoạt động tới năm 2019.

CEO Lee cho hay Yello dự định sẽ thực hiện IPO vào năm tới trên sàn Nasdaq hay sàn Kosdaq của Hàn Quốc . Tại một cuộc họp báo diễn ra đầu năm nay, Lee nói: “Chúng tôi không phải là Facebook hay TenCent nhưng chúng tôi đặt mục tiêu muốn sánh vai cùng với họ bằng con đường kết liên minh với các startup. Tôi không có dự định mua lại hay sáp nhập với công ty nào. Tôi muốn Yello trở thành một nhà cung cấp nền tảng di động bằng cách kết hợp với các công ty tương tự mình.”

Nhà đầu tư chính của Yello là Formation 8, một hãng đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại San Francisco. Formation 8 cũng từng đỡ đầu cho nhà sản xuất headset thực tế ảo Oculus Rift trước khi công ty này được Facebook mua lại với giá 2 tỉ USD.

Thu Trang dịch

http://www.forbes.com/sites/insertcoin/2015/12/14/with-100m-in-crowdfunding-star-citizen-may-not-be-a-scam-but-it-feels-like-a-cult/


Tác giả